Đề nghị cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn để học sinh được học liên thông

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các trường nghề đề nghị sửa đổi, cho phép các cơ sở GDNN được giảng dạy văn hóa THPT 7 môn để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trường nghề học liên thông, học văn hóa...

Kiểm chứng bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Theo dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông (THPT) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD-ĐT) soạn thảo, các cơ sở GDNN chỉ được dạy văn hóa THPT 4 môn.

Quy định này ngăn chặn con đường học liên thông lên Đại học của học viên trường nghề vì các em không thể thi Tốt nghiệp THPT.

Nhiều người ủng hộ quy định này với lý do trong 3 năm học Trung cấp, các em học sinh khó có thể vừa học văn hóa THPT 7 môn, vừa học nghề. Khi đó, chất lượng học sinh tốt nghiệp trường nghề sẽ khó đảm bảo.

Đề nghị cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn để học sinh được học liên thông - 1

Nhiều người lo ngại các em học sinh khó có thể vừa học văn hóa THPT 7 môn, vừa học nghề (Ảnh minh họa).

Theo Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, lo ngại trên có cơ sở vì đa phần các em theo học Trung cấp sau THCS đều không thích học văn hóa nên tinh thần, thái độ học sẽ kém.

Ông nói: "Chương trình giáo dục THPT hiện nay còn nặng, các em học THPT 3 năm còn thấy áp lực huống chi các em học song song. Chương trình đào tạo nghề bậc Trung cấp cũng không phải nhẹ nếu muốn chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng".

Tuy nhiên, Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông, lại cho là học sinh trường nghề vẫn có thể theo học song song văn hóa và dạy nghề. Chất lượng đầu ra phụ thuộc vào thiết kế nội dung giảng dạy và đội ngũ nhân sự của từng trường.

Theo ông Hải, muốn biết việc đào tạo song song như trên có đạt chất lượng hay không thì có thể kiểm đếm kết quả.

Hiện đã có 5 tỉnh tại Việt Nam cho các cơ sở GDNN dạy chương trình song song. Bộ GD-ĐT có thể kiểm đếm và so sánh tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các cơ sở này với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) để biết hiệu quả.

Theo Hiệu trưởng Trung cấp Nguyễn Tất Thành, không phải học sinh trường nghề nào cũng theo nổi chương trình song song, nên cần có nhiều hướng cho các em lựa chọn.

Theo Hiệu trưởng Trung cấp Nguyễn Tất Thành, không phải học sinh trường nghề nào cũng theo nổi chương trình song song, nên cần có nhiều hướng cho các em lựa chọn.

Đủ điều kiện thì cấp phép, không đạt thì dừng

Qua kinh nghiệm đào tạo của trường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông cho rằng, nếu kết hợp tốt các môn dạy nghề với các môn văn hóa THPT sẽ giúp các em nắm bài tốt hơn, vừa giảm được thời gian giảng dạy trùng lặp.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải lấy ví dụ có thể kết hợp các bài giảng môn lịch sử, địa lý (dạy văn hóa) với các nội dung lý thuyết của ngành Du lịch (dạy nghề); kết hợp tiết Vật lý (dạy văn hóa) với lý thuyết ngành cơ khí, điện (dạy nghề)…

Hiện ở nhiều địa phương, các trường nghề "lách" bằng cách đào tạo chương trình 9+; tức là học sinh tốt nghiệp THCS xong, vừa học nghề vừa học văn hóa THPT 7 môn để sau 4 năm sẽ có bằng tốt nghiệp THPT và bằng Cao đẳng, có cơ hội học liên thông lên Đại học.

Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là chỉ có những hệ thống giáo dục hoàn thiện với đủ cấp bậc đào tạo (THPT, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học) mới triển khai được.

Còn một số cơ sở GDNN không có hệ thống giáo dục hoàn thiện phải liên kết với các Trung tâm GDTX để dạy văn hóa THPT 7 môn.

Nhưng hình thức liên kết này dẫn đến khó khăn là các em học sinh phải học văn hóa ở một nơi (Trung tâm GDTX) và học nghề nơi khác (cơ sở GDNN).

Chưa kể là thời gian đào tạo không khớp nhau giữa hai cơ sở càng ảnh hưởng đến việc học của các em.

Đề nghị cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn để học sinh được học liên thông - 3

Hiệu trưởng Cao đẳng Viễn Đông đề xuất cho phép các cơ sở GDNN đủ điều kiện được dạy chương trình THPT 7 môn.

Do đó, các trường nghề đề nghị sửa đổi, cho phép các cơ sở GDNN được giảng dạy văn hóa THPT 7 môn để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trường nghề học liên thông, học văn hóa và học nghề cùng một địa điểm.

"Trường nào đáp ứng được cơ sở vật chất và nhân sự thì cấp phép. Kết quả tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu thì được tiếp tục giảng dạy, còn không đạt thì ngừng", ông Hải kiến nghị.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long cũng đồng tình: "Hiện nhu cầu học song song hai chương trình để thi lấy bằng THPT rất lớn, Thông tư mới cần quan tâm đến lợi ích người học, phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời của người dân".