Để chứng chỉ tiếng Anh trong nước có chỗ đứng trong cuộc đua xét tuyển

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc công nhận kết quả bài thi VSTEP trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để miễn thi, ghi điểm môn ngoại ngữ là một trong những giải pháp nâng cao vị thế chứng chỉ này.

Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đại học trên cả nước dự kiến bổ sung chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam - VSTEP để xét tuyển đầu vào, bên cạnh xét tuyển các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOELF… Tuy nhiên theo khảo sát, nhiều thí sinh thời điểm này vẫn chưa biết đến hoặc chưa ưu tiên lựa chọn thi VSTEP.

Học sinh THPT chưa được giới thiệu nhiều về chứng chỉ tiếng Anh "nội"

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, VSTEP là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh do Bộ GD&ĐT quy định, ban hành, được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam. Chứng chỉ VSTEP thường dùng để xác định chuẩn đầu ra hay chuẩn đầu vào của bậc đại học, sau đại học; các kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của cán bộ viên chức…

Năm 2022, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở đào tạo đầu tiên trên cả nước sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển thẳng vào trường.

Qua kết quả tổ chức thi và dựa trên đối sánh kết quả học tập của thí sinh trúng tuyển bằng chứng chỉ VSTEP cho thấy năng lực tiếng Anh cũng như các năng lực khác của thí sinh rất tốt, đáp ứng yêu cầu học tại trường.

PGS.TS Kim Anh cho rằng, việc các em học sinh THPT và phụ huynh chưa biết nhiều về bài thi VSTEP là do các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOELF có thể sử dụng vào nhiều mục đích, ngoài xét tuyển đầu vào còn là đi du học, săn học bổng của các trường nước ngoài… Bởi vậy, mọi người có xu hướng tìm hiểu các chứng chỉ quốc tế hơn.

Thứ hai, đối tượng học sinh từ trước đến nay cũng chưa được giới thiệu nhiều về bài thi VSTEP qua các kênh truyền thông đại chúng hoặc từ các trường THPT.

Thứ ba, hiện Bộ GD&ĐT chưa có chính sách sử dụng kết quả của bài thi VSTEP để miễn thi ngoại ngữ, ghi điểm tối đa hay ghi điểm tương ứng của môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế đã được công nhận để miễn thi và ghi điểm môn ngoại ngữ.

Để chứng chỉ tiếng Anh trong nước có chỗ đứng trong cuộc đua xét tuyển - 1
Mẫu chứng chỉ tiếng Anh VSTEP do Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cấp (Ảnh: ULIS).

Nâng cao vị thế chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam trong cuộc đua xét tuyển 

Bày tỏ quan điểm về giải pháp nâng cao vị thế chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam so với các chứng chỉ quốc tế trong cuộc đua xét tuyển đại học, bà Kim Anh nhấn mạnh, trong những hội nghị về tổng kết công tác tuyển sinh, tổng kết công tác tổ chức thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Ngoại ngữ đã báo cáo kết quả tổ chức bài thi VSTEP cũng như sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng và có đề xuất, kiến nghị lên ĐH Quốc gia Hà Nội về việc nhân rộng.

Tới nay, các trường thành viên trong ĐH Quốc gia Hà Nội và cả ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã có động thái sẽ sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào kỳ tuyển sinh năm tới. "Tôi nghĩ đây là một trong những bước có thể giúp các thí sinh cũng như phụ huynh biết đến và quan tâm nhiều hơn đến bài thi VSTEP", bà nói.

Bên cạnh đó, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, giải pháp quan trọng khác là chính sách từ Bộ GD&ĐT: công nhận kết quả bài thi VSTEP trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để miễn thi và ghi điểm môn ngoại ngữ, tương tự với việc công nhận các chứng chỉ quốc tế.

"Nếu Bộ có chính sách này, chắc chắn là các trường phổ thông, các vị phụ huynh và các em học sinh sẽ biết đến, quan tâm hơn tới bài thi VSTEP và thí sinh sẽ đăng ký thi nhiều hơn. Bởi ít nhất thí sinh sẽ có thêm một lợi ích khi thi VSTEP, ngoài sử dụng để xét tuyển vào đại học. Tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng có thể giúp chứng chỉ ngoại ngữ nội nâng cao vị thế trong xét tuyển đầu vào", PGS.TS Hà Lê Kim Anh phân tích.

Bà khẳng định, với mùa tuyển sinh năm 2023, quan điểm của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội là vẫn tiếp tục sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành của trường.

"Nếu cứ từng bước một, các trường dần dần sử dụng kết quả của bài thi VSTEP để xét tuyển thẳng sẽ giúp lan tỏa dần. Từ đó, thí sinh sẽ biết đến bài thi VSTEP nhiều hơn, số lượng người thi nhiều hơn và dư địa để các trường đại học khác có thể xét tuyển bằng kết quả này cũng nhiều hơn", bà Kim Anh nói.

Để chứng chỉ tiếng Anh trong nước có chỗ đứng trong cuộc đua xét tuyển - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Mạnh Quân).

So sánh về ưu điểm của việc ôn thi VSTEP và sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển đầu vào với các chứng chỉ quốc tế quen thuộc như IELTS, TOELF, bà Kim Anh chia sẻ, so sánh độ khó dễ khi ôn tập sẽ khá khó để đưa ra nhận định.

Tuy nhiên, thời gian đầu ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức học tập và thi VSTEP cũng đã cho những sinh viên này thi thêm bài thi IELTS. Kết quả 2 bài thi cho thấy trình độ của sinh viên tương đồng nhau, ví dụ sinh viên đạt bậc 4 của VSTEP cũng tương đương đạt bậc 4 của IELTS.

Lợi thế rõ ràng của chứng chỉ VSTEP so với các chứng chỉ quốc tế là lệ phí thi VSTEP rất vừa phải. Hiện nay, các đơn vị chỉ đang thu 1,8 triệu đồng cho một thí sinh, sẽ phù hợp hơn rất nhiều so với phí thi các bài thi quốc tế.

Đưa ra lời khuyên, lưu ý cho những thí sinh đã xác định mục tiêu sẽ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học năm 2023, PGS.TS Hà Lê Kim Anh nhấn mạnh, nếu như thí sinh xác định lấy chứng chỉ ngoại ngữ để đáp ứng nhiều mục tiêu bao gồm cả đi du học, nộp học bổng… bên cạnh việc xét tuyển đại học thì có thể cân nhắc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOELF.

Tuy nhiên, nếu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển vào một số trường trong nước, thí sinh có thể cân nhắc thử sức với bài thi VSTEP.

"Được biết, thời gian tới, ngoài ĐH Ngoại ngữ, một số đơn vị thành viên trong ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và có thể có những trường khác cũng sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển và sẽ công bố trong đề án tuyển sinh", bà Kim Anh cho hay.