Đau đớn cảnh bạn bị đánh hội đồng, học trò cổ vũ như xem đấu boxing
(Dân trí) - Clip nữ sinh lớp 10 đánh bạn ngay giữa lớp học tại TPHCM làm nhiều người bủn rủn. Nào chỉ ở mức độ ra đòn lạnh lùng mà đáng sợ hơn là những tiếng cười đùa của bạn bè xung quanh.
Học trò đánh nhau, đặc biệt là nữ sinh ra tay đánh bạn, gây ra những vụ bạo lực học đường kinh hoàng phải nói không còn là sự việc lạ lẫm.
Nhưng clip quay lại cảnh nữ sinh lớp 10 đánh bạn xảy ra tại Trường THPT Phan Đăng Lưu , TPHCM mới đây vẫn một lần nữa làm nhiều người rụng rời.
Sự việc diễn ra ngay giữa lớp học, giữa lúc hầu như tất cả học sinh đều có mặt trong lớp. Không phải là hình ảnh tức giận, điên loạn, cấu xé, chửi bới - phong cách quen thuộc khi đánh lộn - mà chị "đại" ra tay cách dửng dưng, lạnh lùng, không chút chùn tay.
Từ nắm tóc kéo mặt lên rồi mới... bộp, đập đầu bạn xuống đất, tát, đấm, tung cước đá thẳng vào mặt, cầm tóc bạn lôi xềnh xệch... kèm đó, những tiếng chửi thề, cảnh cáo phát ra một cách lạnh lùng.
Vậy nhưng, tất cả những màn bạo lực học đường đó vẫn không ám ảnh bối cảnh xung quanh trong học vào đúng khoảnh khắc đó.
"Mình ám ảnh với những tiếng chửi thề, túm tóc kéo, đấm đá thẳng vào mặt nhưng vẫn không bằng những nam sinh đứng ngoài cổ vũ, buông lời bình luận không khác gì đang bình luận trận đấu boxing trên khán đài", anh Nguyễn Văn Dũng, một phụ huynh có con nhỏ ngụ ở Q.12, TPHCM thốt lên khi xem clip.
Đây cũng là cảm xúc của không ít người khi xem clip này. Ngoài sự khủng khiếp của những hành động tra tấn bạn, thái độ của học sinh trong lớp khi bạn mình bị chính bạn cùng lớp đánh tàn bạo càng đáng sợ.
Có hai phản ứng rõ ràng. Một nhóm ngồi trò chuyện, ngồi nhắn tin, bấm điện thoại, dửng dưng đến độ không thèm ngước mắt lên nhìn.
Một nhóm cười đùa xuất hiện trong khung hình, chào mọi người như đang livestream, bình luận về "trận chiến"; có bạn vào phụ bạn đánh bạn. Và cả bạn đứng quay clip, giới thiệu: "Đây là hiện trường hai bạn lớp mình đánh nhau nha mọi người".
Xem hết clip học sinh đánh bạn và bị bạn đánh này, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM bày tỏ mình sợ và đau ngợp tim. Nếu là mẹ của những nữ sinh nọ chắc đau bội phần.
Cảnh quay là bục giảng lớp học, cô quan sát những học sinh khác xung quanh hai em nữ sinh nọ. Có em phụ giúp để nữ sinh đánh bạn, có những học ngồi yên ở bàn, có học sinh đi lại, và cười trước camera. Tất nhiên, chưa tính đến học sinh quay phim.
"Vấn đề xung đột dẫn đến ẩu đả, bạo lực ngay trong lớp học đã nhức nhối. Thái độ của những học sinh khác trong lớp mới khiến chúng ta lo âu", cô Thủy bộc bạch.
Theo cô, nói học sinh bây giờ vô cảm? Cũng không phải vậy. Học sinh bây giờ hay lắm, các em biết nhiều, thông minh, giỏi giang, nhạy cảm... Nhiều em được đầu tư tốt, có điều kiện và cơ hội thể hiện năng lực cá nhân rất tốt.
Không nói ai nặng ai nhẹ về trách nhiệm gia đình-xã hội và nhà trường, nhưng theo cô Trương Thị Bích Thủy, các em phải được gia đình chỉ dạy, quan sát và uốn nắn từ bé.
Không phải đến lúc này, ngay từ nhỏ các em phải được trang bị cách thức nhận diện và bày tỏ. Dần sẽ thành phản xạ và kĩ năng.
Nhưng vấn đề học sinh chưa được trang bị kĩ năng nhận diện và xử lí tình huống.
Các em sẽ lựa chọn cách mà mình cho là dễ nhất cho mình: Không quan tâm không phải việc của mình; không can dự, sợ hãi, sợ dính líu phiền phức; và việc hùa theo cổ vũ vì đã quen nghe xem những cảnh tương tự...
Trong lần chia sẻ về sự khủng khiếp, ghê gớm của vấn nạn bạo lực học đường hiện nay, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia phân viện TPHCM cảnh báo tình trạng con trẻ đang là nạn nhân từ giáo dục, môi trường sống, các tác động xã hội.
Cha mẹ hiện nay rất bận rộn, mức độ hiểu con cực kỳ lỏng lẻo, không chia sẻ được với con cái. Nhiều em thiếu tình thương trầm trọng ngay trong gia đình.
Khi đến trường suốt ngày học hành, thi cử, kiểm tra triền miên. Các em dường như không còn tìm thấy sự thư giãn, vui vẻ, vui chơi, gắn kết trong gia đình, nhà trường...
Việc cười đùa trên nỗi đau đồng loại, của bạn bè dường như đang bị bình thường hóa, phổ thông hóa, thể hiện rõ ngay trong môi trường giáo dục.
Đây là lời cảnh tỉnh thảm thương đối với giáo dục gia đình và cả nhà trường. Nơi con trẻ đang dần bị bỏ rơi giữa guồng quay tiền bạc, cuộc chạy đua thi cử, điểm số, thành tích...