Công nhân nghèo gửi con: Vừa lo vừa túng!

(Dân trí) - Không có "cửa" vào trường công, công nhân nhập cư vào làm việc ở TPHCM gửi con tại cơ sở ngoài công lập. Ở đó, nơi đảm bảo thì không đủ tiền, nơi hợp túi tiền lại không đảm bảo.

Công nhân nghèo gửi con: Vừa lo vừa túng!
Công nhân gửi con ngoài công lập rơi vào tình cảnh nan giải là nơi đảm bảo thì không đủ tiền, nơi túi tiền lo nổi lại không an toàn

“Bước đường cùng” của những bà mẹ

“Tôi là công nhân lâu năm, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng, cả tăng ca cũng chưa bao giờ quá 5 triệu/tháng. Số tiền đó trang trải toàn bộ cuộc sống nên không thể gửi con vào nơi tốt hơn được, chỉ có thể chọn nơi gửi ít tiền”, chị Trần Thị Hoa, công nhân công ty may Minh Hoàng (Q.Gò Vấp, TPHCM) lên tiếng tại hội thảo “Vai trò của công đoàn trong chăm lo cho con công nhân lao động lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo” do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức ngày 4/4.

Chị Hoa đang gửi con 2,5 tuổi tại một nhà trẻ tư thục, học phí hàng tháng 1,3 triệu đồng. Giờ làm việc của chị bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn giờ gửi con nên thường xuyên phải đóng thêm tiền trông trẻ và tiền ăn ngoài giờ, thêm khoảng 500.000 đồng/tháng.

Nơi gửi được xem là ít tiền đó cũng đứt gần nửa tháng lương của chị, vượt cả tiền ăn hàng tháng của gia đình 5 người. Mỗi ngày chị Hoa chỉ có 40 - 50.000 đồng tiền mua thức ăn cho cả nhà, nhiều hôm chỉ ăn cơm chan nước mắm. Nhà còn hai cháu lớn đang đi học, người chồng thu nhập cũng như vợ với đủ khoản họ phải chi tiêu.

Chị Trần Thị Hoa: Chúng tôi vừa gửi con đến trường mà cứ vừa thấp thỏm lo âu
Chị Trần Thị Hoa: "Chúng tôi vừa gửi con đến trường mà cứ vừa thấp thỏm lo âu".

Gửi con ở nhà trẻ tư, đi làm mà chị Hoa luôn thấp thỏm không biết con được an toàn, cô chăm sóc tốt không. Hôm nào con trở về bình an chị mới có thể nhẹ người. Chị rơi vào tình cảnh không lối thoát khi nơi gửi trẻ chất lượng thì không đủ tiền, nơi túi tiền gồng gánh nổi thì đầy rẫy nguy cơ.

“Gửi những nơi này chúng tôi chỉ biết chờ vào tấm lòng người giữ trẻ. Tôi mong nhà nước, ngành giáo dục xây dựng nhiều trường học cho con em công nhân và nhận giữ trẻ phù hợp với giờ làm của họ mà không thu thêm tiền”, chị Hoa đề nghị.

Hai chồng làm công nhân với tổng thu nhập 8 triệu đồng, con của chị Đỗ Thị Đức, làm việc ở một công ty ở Thủ Đức được gửi tại trường mầm non tư với chi phí 1,5 triệu đồng/tháng. Phải đi làm, tăng ca, những lúc không thể đón con đúng giờ, chị cũng buộc phải trả thêm chi phí.

Chị Trần Thị Hoa: Chúng tôi vừa gửi con đến trường mà cứ vừa thấp thỏm lo âu
Chị Đỗ Thị Đức, công nhân tại một công ty ở Thủ Đức chia sẻ khó khăn của công nhân khi gửi con ở các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân

Cũng như chị Hoa, gửi con ở trường mầm non tư với mức phí có hạn, chị Đức mơ hồ hiểu rằng nơi đó khó đảm bảo điều kiện để chăm sóc trẻ và có nguy cơ thiếu an toàn. Khi xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ, chị và nhiều bà mẹ công nhân lo lắng vô cùng nhưng chẳng biết làm cách nào. Chị ước mong, mình có thể gửi con vào trường công để bớt phần nào áp lực. 

Chia sẻ của hai người mẹ làm nhiều người có mặt tại buổi hội thảo thẫn thờ. Dường như quá khó để lý giải với đồng lương đó, công nhân đang tồn tại và nuôi dạy con bằng cách nào.

Bất công với trẻ ngoài trường công

Bà Lê Thị Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam bức xúc cho rằng, quy hoạch đất ở các địa phương chỉ thấy quỹ đất cho khu công nghiệp, kinh tế, sân golf, rất ít quỹ đất cho trường học, nhất trường mầm non thì chẳng thấy đâu. Trong khi, quyền đi học là quyền thiêng liêng của trẻ nhưng giờ trẻ lại không đủ chỗ hoạc hay phải gửi những nơi không an toàn.

“Thời bao cấp tuy khó khăn nhưng tôi thấy khi đó chị em công nhân lao động và trẻ em được quan tâm và hạnh phúc hơn. Còn bây giờ, chế độ chính sách dành cho chị em công nhân và trẻ em bị thu hẹp lại. Nữ công nhân là dân nhập cư họ rất khổ tâm”, bà Thu bày tỏ.

Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay trẻ học ở trường công lập rất được tạo điều kiện, được nhà nước trả lương cho giáo viên, được đầu tư cơ sở vật chất. Như ở Hà Nội, mỗi trẻ học trường mầm non công lập được hỗ trợ 3,4 triệu đồng/năm. Còn những trẻ đã không vào được trường công cũng không có hỗ trợ khoản tiền này.

Đây là sự bất công mà theo bà Minh lẽ ra trẻ học ngoài công lập nếu không nhận được đủ số tiền 3,4 triệu thì ít nhất cũng nên được tính 2 triệu/trẻ. Số tiền đó có thể hỗ trợ doanh nghiệp thêm về nguồn vốn, thuế để họ đầu tư cho trường học chất lượng cũng như giảm phần nào học phí gửi con cho phụ huynh.

Có như thế mới thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo. Còn khi doanh nghiệp không được hỗ trợ, họ tự đầu tư cơ sở tốt thì phải tăng học phí, công nhân lại không đủ tiền để gửi con.

Chị Trần Thị Hoa: Chúng tôi vừa gửi con đến trường mà cứ vừa thấp thỏm lo âu
Bà Ngô Thị Minh chia sẻ, trẻ học ngoài công lập đã khó khăn lại không nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước như trẻ ở trường công

“Xã hội hóa giáo dục là định hướng rất đúng và trúng nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu không tạo điều kiện để đảm bảo công bằng giữa trẻ trường công lập và trường ngoài công lập”, bà Minh nói.

Đến nay, TPHCM vẫn còn 11 phường chưa có trường mầm non công. Số trẻ được gửi tại trường công lập và ngoài công lập ở TPHCM tương đương 50 - 50.

Hoài Nam