Cô Tấm chui ra từ quả chuối?

Đề trắc nghiệm: Cô Tấm chui ra từ quả gì: A. Quả na; B. Quả chuối; C. Quả thị; D. Quả bưởi. Nhóm học sinh đã “phản ứng” bằng cách rủ nhau: “Đề hỏi thế thì chúng mình cho cô Tấm chui ra từ quả chuối luôn!”.

Trước lối kiểm tra trắc nghiệm môn Văn bắt đầu được thực hiện năm học này (với lớp 10 THPT), đã có ý kiến của một giáo sư đầu ngành nhận xét: Kéo gần môn Văn về đời sống là cần thiết, nhưng không nên thực hiện bằng con đường đơn giản, khiến “môn học của tâm hồn” trở nên thô vụng.

 

Quả vậy, việc đổi mới thi - kiểm tra từ hình thức đề tự luận sang đề trắc nghiệm, nếu không tinh tế và hợp lý sẽ dẫn đến những điều lố bịch. Cái gì cũng trắc nghiệm có thể làm hỏng môn Văn.

 

Có những câu hỏi trắc nghiệm không chấp nhận được: Cô Tấm chui ra từ quả gì: A.Quả na; B.Quả chuối; C. Quả thị; D. Quả bưởi. Được biết, có nhóm học sinh đã “phản ứng” với đề bằng cách rủ nhau: “Đề hỏi thế thì chúng mình cho cô Tấm chui ra từ quả chuối luôn!”.

 

Phải chăng người ra đề coi thường học sinh quá. Có đề lại “vừa hỏi vừa đáp” như: Nhân vật Trọng Thuỷ ở trong tác phẩm nào sau đây: A. Sơn Tinh - Thuỷ Tinh; B. Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thuỷ ; C. Thánh Gióng; D. Thạch Sanh.

 

Đề gì mà đáp án có ngay từ nhan đề truyện dẫn ra. Không ít đề lộ “cái sự… bí” của người ra đề, yêu cầu học sinh lựa chọn giữa hai phương án A, B kèm theo lựa chọn: cả 2 phương án (?!)…

 

Ra đề trắc nghiệm đối với môn Văn không có gì sai, sự đổi mới trong dạy và học môn Văn là cần thiết nhưng nếu câu hỏi trắc nghiệm thô vụng quá sẽ ảnh hưởng đến kiến thức và tâm hồn của trẻ.

 

Không nên đóng cửa trong thời hội nhập, mở cửa xem kinh nghiệm của các nước bạn là cần thiết. Ta cần nhìn thấy cái hay, cái phù hợp để có quá trình tiếp nhận phù hợp.

 

Đừng đổi mới quá gấp, đổi mới 180 độ, ra cho môn Văn toàn bằng đề trắc nghiệm. Không nên bỏ các đề truyền thống bám sát chương trình, đã được thử thách qua năm tháng.

 

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng việc đổi mới ra đề kiểu trắc nghiệm bước đầu đã cho thấy không phải là cứ làm ào ào, vội vàng mà được.

 

Nếu không kịp điều chỉnh e sẽ lại có “hậu đổi mới” để sửa sai, sẽ dẫn tới tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc. Chính vì thế, những người có trách nhiệm trong việc này nên thận trọng.

 

Theo Phi Anh
Tiền Phong