Cố nhà giáo Văn Như Cương và di nguyện cuối đời thành hiện thực
(Dân trí) - Ngày 15/9, điểm Trường mầm non Nà Ngao - ngôi trường khó khăn nhất ở thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang đã khánh thành theo di nguyện cuối đời của cố PGS Văn Như Cương. Ngôi trường đã giúp hơn 50 học sinh ở đây có chỗ học kiên cố, thay cho lớp học bị đổ sập trước đó.
Trích tiền phúng viếng để xây trường học
Tết năm ngoái, cô Văn Thùy Dương, con gái cố nhà giáo Văn Như Cương có tâm sự với tôi: “Gia đình và nhà trường vừa khởi công xây dựng điểm trường mầm non Nà Ngao theo di nguyện cuối đời của bố tôi - cố nhà giáo Văn Như Cương.
Chúng tôi dự kiến khoảng nửa năm sẽ xong nhưng đường sá đi lại quá khó khăn, ô tô không vào được, người dân phải “thồ” vật liệu khoảng 3km đường sình lầy, rất vất vả. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm, trước ngày kỉ niệm 30 năm thành lập trường Lương Thế Vinh. Và quan trọng, để năm học mới các con có chỗ học kiên cố, khỏi mưa gió”, cô Dương quả quyết.
Thế rồi chỉ sau khai giảng năm học mới 2018-2019 độ chục ngày, chị thông báo với tôi, giọng đầy háo hức: “Hơn 50 học sinh mầm non ở Nà Ngao có lớp học mới rồi. Trường được khánh thành vào sáng 15/9, vừa kịp cho năm học mới”.
Theo gia đình cố nhà giáo Văn Như Cương, trước khi ông nhập viện điều trị căn bệnh ung thư quái ác và qua đời vào 9/10/2017, tâm nguyện lớn nhất của ông là có thể đẩy nhanh xây dựng trường học vùng cao khó khăn miền địa đầu của Tổ quốc để có thể tới thăm trường một lần. Ông đã viết thư trả lời nhà báo Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao với chương trình Cơm có thịt, đồng ý phối hợp với Quỹ để xây dựng điểm trường ở Nà Ngao. Tuy nhiên, ngôi trường chưa hoàn thiện, ông đã ra đi.
Chị Văn Liên Na, con gái của nhà giáo Văn Như Cương chia sẻ: "Lúc cuối đời, tâm nguyện lớn nhất của bố tôi sau khi qua đời là không tổ chức tang lễ lãng phí và dùng số tiền phúng viếng để xây dựng điểm trường Mầm non Nà Ngao. Phần còn lại sẽ được đưa vào quỹ tình thương của nhà trường để tiếp tục hỗ trợ các mảnh đời kém may mắn."
“Chúng tôi chỉ khát khao được đưa bố một lần lên đây nhưng không thể thực hiện được nữa. Nhưng tôi tin rằng, bố thật sự sẽ rất vui vì chúng tôi đã hoàn thành di nguyện cuối cùng của bố, ấy là có một điểm trường cho trẻ em nghèo vùng cao”, chị Liên Na xúc động nói.
Bật khóc vì xin mãi không ai tài trợ
Vừa vặn tay lái chiếc wave cà tàng vượt qua đoạn đường cheo leo, sình lầy và trơn trượt để đưa chúng tôi vào điểm Trường Nà Ngao, anh Sùng Đức Thắng (thôn Châng, xã Đồng Tâm) kể: “Mình là phụ huynh đang có con học ở trường này. Bà con chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Điểm trường cũ cứ mưa gió là đổ nát, khổ lắm”.
Thắng cho biết, năm nay mình 20 tuổi, có hai con: “Đây là lần đầu tiên mình thấy ngôi nhà kiên cố như vậy được xây dựng ở trong thôn. Con lớn mình cũng học ở đây, thích lắm vì trường mới cái gì cũng có”.
Thắng kể tiếp, có những người già ở đây, cả đời chưa bao giờ được ra khỏi thôn. Hôm xây xong điểm trường, cụ chống gậy đến xem rồi bảo, muốn chờ gia đình nhà giáo Cương về để nắm cái tay và cảm ơn... “Chúng tôi không biết nói cảm ơn nhưng được xây cái trường này, là đem ánh sáng rực rỡ về đây đấy”, Thắng ngại ngùng nói.
Được biết Trường mầm non Nà Ngao xây dựng với kinh phí 303 triệu đồng, trích một phần từ tiền phúng viếng đám tang của nhà giáo Văn Như Cương. Điểm trường có 2 phòng học, 1 nhà bếp, 1 phòng lưu trú giáo viên, 1 nhà vệ sinh cùng với sân, vườn.
Cô Đàm Thị Ngoan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hai ngày hôm nay mình không hề chợp mắt. “Tôi cứ ngỡ như trong mơ, bởi trước đây, tôi từng mười mấy lần đi xin nhưng không ai tài trợ cho điểm trường này. Một trong những nguyên nhân là do đường sá khó khăn quá, ô tô không vận chuyển vật liệu vào tới nơi được.
Tôi còn nhớ hôm đó có cơn mưa lớn làm đổ một góc mái của trường. 37 học sinh láo nháo vì sợ chỗ học sập. Đứng ở sân trường, tôi bật khóc. Tôi thương bản thân mình, thương 37 học sinh ngày mai rồi sẽ ra sao. Tôi khóc đến khi cơn mưa dứt”.
Theo lời cô Ngoan, sau đấy các học sinh phải phân đi các điểm trường còn lại của xã để học nhờ vì mất trường.
Nhờ cơ duyên, nhà trường đã kết nối được với Quỹ trò nghèo vùng cao và sự hỗ trợ kinh phí từ gia đình cố nhà giáo Văn Như Cương. Cùng chung tấm lòng, gia đình ông Giàng Seo Chóa, thôn Châng, xã Đồng Tâm đã hiến gần 500m2 đất để xây điểm trường.
Ông Giàng Seo Chóa cho biết, vợ chồng mình đều không được học hành nên muốn góp một phần đất của mình để có thể xây dựng một ngôi trường cho con, cháu học tập sau này. Có trường lớp đẹp, các cháu sẽ không còn lười đi học.
Trước hết hãy học làm người tử tế
Chia tay Trường mầm non Nà Ngao, tôi nhớ mãi câu chuyện mà ông Hoàng Seo Phừ (thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang) - người đang có hai cháu nội học ở đây chia sẻ. Ông Phừ bảo, mình năm nay đã gần 50. Ông chưa từng được đi học bao giờ, đến tiếng Kinh còn không biết.
“Đến cái tiếng mình còn không biết nên chỉ học lỏm được xung quanh để nghe đủ hiểu thôi. Đời mình đã mù chữ, thế nên giờ phải cho hai cháu nội đi học”, ông Phừ nói.
Bà Đào Kim Oanh, vợ cố nhà giáo Văn Như Cương xúc động cho hay, vì tuổi già sức yếu nhưng bà vẫn cố gắng vượt hơn 300km đến đây, với trẻ em vùng cao.
“Chúng tôi rất xúc động vì đã hoàn thành di nguyện của nhà giáo Văn Như Cương. Từ trước đến nay, triết lý giáo dục mà chồng tôi vẫn luôn theo đuổi, ấy là trước khi thành tài về một ngành nghề gì, trước hết, hãy là người tử tế.
Và hôm nay, chúng tôi đưa câu nói truyền cảm hứng của ông ấy đến đây. Chúng tôi sẽ phải làm nhiều hơn để ngôi trường này không chỉ là nơi dạy học sinh, ấy còn là nơi rất ấm áp cho các con tìm đến”, bà Kim Oanh tâm sự.
Ông Phạm Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch huyện Bắc Quang, Hà Giang cũng chia sẻ, mặc dù huyện đã đầu tư xây dựng các điểm trường nhưng do nguồn lực có hạn nên vẫn còn một số điểm trường chưa được kiên cố.
Do đó, với sự chung tay của gia đình và cố nhà giáo Văn Như Cương, đã giúp cho điểm trường khó khăn nhất của xã Đồng Tâm được kiên cố hóa.
“Tuy nhiên, hiện ở đây còn rất nhiều điểm trường còn khó khăn nên rất mong muốn các cấp chính quyền và các cá nhân tổ chức quan tâm giúp đỡ”, ông Tuyến nói.
Mỹ Hà