"Chương trình, sách giáo khoa cải cách là khoán 10 trong giáo dục"!

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành khi phản bác quan điểm cho rằng chương trình giáo dục cải cách có nhiều lỗ hổng...

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT có bài phát biểu đáng chú ý về vấn đề nêu trên tại một hội nghị tập huấn về chương trình, sách giáo khoa mới sáng 25/5 tại Hà Nội.

Trong nội dung phát biểu của mình, ông Nguyễn Xuân Thành ba lần đề cập tới bài viết đang được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, nêu nhận định về 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bài viết nêu nhận định, có 7 lỗ hổng của chương trình giáo dục cải cách, trong đó có việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa và môn tích hợp.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng bài viết phản ánh không đúng bản chất của chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Chương trình, sách giáo khoa cải cách là khoán 10 trong giáo dục! - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 rất cởi mở, trao quyền tự chủ cho giáo viên (Nguồn ảnh: VIPEC)

Theo ông Thành, chương trình cải cách được ví như "khoán 10 trong giáo dục", trao quyền tự chủ cho các trường và giáo viên, khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới phương thức dạy học. 

"Nếu như trước đây, việc phân phối chương trình do Bộ GD&ĐT làm thì giờ các tổ chuyên môn của các trường tự làm, sắp xếp sao cho phù hợp với đội ngũ giáo viên tại cơ sở. Đặc biệt với môn tích hợp, không bắt buộc phải dạy tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần", ông Thành cho hay.

Về việc các bộ sách giáo khoa không triển khai chương trình đồng nhất như cùng một nội dung kiến thức, có bộ sách thiết kế dạy ở kỳ I, có bộ sách thiết kế dạy ở kỳ II, ông Thành cho rằng, sự khác nhau này không ảnh hưởng đến việc giảng dạy bởi các trường "có quyền sắp xếp, phân phối chương trình sao cho phù hợp".

Ông Thành cũng đề nghị các chuyên gia tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa hiểu rõ, hiểu sâu hơn về chương trình giáo dục phổ thông 2018.