Chọn ngành sai với năng lực, nhiều sinh viên phải đổi ngành hoặc nghỉ học

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo các chuyên gia tuyển sinh, nhiều sinh viên không tìm hiểu kỹ khi chọn ngành, chọn trường, vào học 2, 3 năm thì xin đổi ngành, hoặc nghỉ học giữa chừng vì không phù hợp.

Theo ý mình hay theo cha mẹ?

Trong buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho gần 900 học sinh lớp 12 tại Đồng Nai do đơn vị Kết nối giáo dục Miền Nam tổ chức, rất nhiều học sinh cho biết quan điểm chọn ngành nghề của mình khác hoàn toàn cha mẹ.

Nguyễn Quang Huy, học sinh trường THPT Cẩm Mỹ cho biết thích học những ngành năng động như sân khấu điện ảnh nhưng ba mẹ lại mong muốn phải học quản trị kinh doanh.

"Em nên làm như thế nào? Em không biết chọn ngành nào để phù hợp sở thích của em và hài lòng ba mẹ" - Huy chia sẻ.

Một học sinh khác cho biết gia đình có cơ sở kinh doanh, nên cha mẹ nhất quyết yêu cầu phải học ngành liên quan đến kinh doanh để tiếp quản. Trong khi đó, bản thân em này thích học công nghệ thông tin, các ngành liên quan đến máy tính. Nam sinh tỏ ra bối rối không biết nên nghe cha mẹ hay theo sở thích của mình.

Trả lời học sinh, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng, chọn ngành nghề đầu tiên phải là phù hợp sở thích, đam mê của bản thân.

TS Nhân kể cháu ông thích mảng thương mại điện tử nhưng cha mẹ bắt học ngành y, làm bác sĩ như mình. Sau khi tốt nghiệp, cháu ông vẫn buôn bán online mà không làm bác sĩ, lãng phí 6 năm học đại học.

"Làm ngành gì  có thể gượng ép làm được, nhưng bác sĩ thì không thể! Do đó, yêu thích công việc phải là yếu tố đầu tiên cần cân nhắc khi chọn ngành, chọn nghề" - TS Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh.

Theo ông Nhân, người lao động được làm công việc đúng sở thích của mình sẽ rất phát triển, thấy vui vẻ, hạnh phúc, thu nhập được cải thiện. 

Chọn nghề phải phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân

Yếu tố quan trọng thứ 2 mà TS Nguyễn Trung Nhân lưu ý học sinh xem xét khi chọn nghề là mình có "đủ năng lực để theo đuổi công việc hay không". Ông cho rằng, năng lực nếu không phù hợp sở thích sẽ khó đi đến thành công.

Còn theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng thường trực trường Cao đẳng Nova, việc chọn ngành, chọn nghề chỉ hiệu quả khi lựa chọn phù hợp với sở thích, cá tính, năng lực và cả hoàn cảnh kinh tế của gia đình.

Chọn ngành sai với năng lực, nhiều sinh viên phải đổi ngành hoặc nghỉ học - 1

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành nghề là bước ngoặt của cuộc đời nên cần tìm hiểu kỹ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tư vấn cho các em học sinh, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhấn mạnh, điều ông hay nhắc đi nhắc lại trong các chương trình hướng nghiệp là sự phù hợp khi chọn ngành, chọn nghề.

Ông cho rằng, không quan trọng là học nghề nào, chọn trường nào, bằng cấp trình độ gì (trung cấp, cao đẳng hay đại học)... mà mình phải trở thành lao động giỏi chuyên môn, có kỹ năng làm việc tốt, trở thành nhân lực chất lượng cao trong ngành đó, sẽ thành công trong công việc. Muốn vậy, ngành nghề mình chọn học phải phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, hoàn cảnh kinh tế của gia đình.

TS Nguyễn Trung Nhân khuyên các em học sinh tìm hiểu thật kỹ nguyện vọng cá nhân của mình cũng như các ngành nghề hiện có của xã hội, xem ngành nghề nào phù hợp với mình nhất, trao đổi thẳng thắn với cha mẹ để có quyết định phù hợp. Ông tin rằng, cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con cái nên khi các em đã nghiên cứu kỹ, có lựa chọn sau quá trình tìm hiểu cẩn thận thì cha mẹ sẽ ủng hộ.

Với kinh nghiệm của mình, TS Nguyễn Trung Nhân đánh giá việc chọn ngành, chọn nghề của các em học sinh THPT là bước ngoặt hết sức quan trọng của cuộc đời, cần tìm hiểu thật kỹ và bình tĩnh lựa chọn.

TS Nguyễn Trung Nhân khuyên học sinh cần nghiêm túc đầu tư cho việc tìm hiểu và chọn ngành nghề để học ngay từ đầu. Bởi sau nhiều năm làm việc, ông chứng kiến nhiều sinh viên Đại học, Cao đẳng đã học tới năm 2, năm 3 rồi mà vẫn phải nghỉ học giữa chừng, chuyển trường hay đăng ký thi lại để học ngành khác, nghề khác vì không phù hợp với ngành nghề đã chọn ban đầu.