Căng thẳng giành suất vào lớp 10: Những con số "ác mộng"
(Dân trí) - Hà Nội năm nay chỉ tuyển 55,7% học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập. Ở TPHCM, tỷ lệ này nhìn có vẻ bớt "ngộp" hơn nhưng để học sinh có một suất ở trường công lập không hề dễ.
Cuộc chiến "mất" hoặc "còn"
Năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến tuyển 72.000 chỉ tiêu vào 10 trường THPT công lập. Con số này chỉ chiếm 55,7% trong tổng số gần 130.000 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp.
Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh lớp 9 ở Thủ đô, có chưa đến 6 em có chỗ học ở lớp 10 công lập.
Còn lại là chỉ tiêu cho các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, số lượng khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23.2%; tuyển sinh vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên chiếm 7,7%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm 13,4%.
TPHCM chưa công bố chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm nay. Nhưng hàng năm, theo kế hoạch phân luồng, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ở thành phố cũng chỉ chiếm dao động trên dưới 65% số học sinh tốt nghiệp THCS.
Con số mỗi năm có hàng chục ngàn thí sinh rớt khỏi kỳ thi lớp 10 tại TPHCM trở nên quen thuộc và cũng là nỗi ám ảnh với rất nhiều học sinh, phụ huynh có con tham gia kỳ thi này. Các em không đỗ vào trường công lập sẽ phải tìm những lối đi khác như học tư thục, giáo dục thường xuyên, học nghề...
Chị Trần Thu Linh (ở Quận Gò Vấp, TPHCM) có con tham gia kỳ thi lớp 10 năm trước cho hay những con số cạnh tranh trong kỳ thi lớp 10, hàng chục ngàn học sinh rớt luôn làm phụ huynh cực kỳ lo lắng. Trong khi đó lo lắng này không thay đổi được điều gì nhiều.
Khác với các kỳ thi học sinh giỏi hay kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh chỉ cần đạt mức điểm nhất định. Còn với kỳ thi lớp 10, chỉ tiêu đưa ra chỉ có vậy, số học sinh rớt sẽ từng đó. Em này đỗ thì em kia rớt, cuộc vui này không dành cho tất cả.
Tuy nhiên, chị Linh cũng đồng tình rằng, những con số này phản ánh thực tế áp lực của kỳ thi, áp lực mà các em học sinh vừa học xong lớp 9 phải gồng gánh cùng nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình. Đặc biệt những gia đình điều kiện khó khăn, không thể theo học trường tư thì việc giành một ghế ở lớp 10 công lập được xem như cuộc chiến "mất" hoặc "còn".
Bởi thế, không ngạc nhiên khi kỳ thi vào lớp 10 luôn được xem là kỳ thi căng thẳng, ám ảnh bậc nhất với học sinh, đặc biệt ở các thành phố lớn.
"Nhiều ông bố bà mẹ chỉ còn cách ép con học, ép con luyện thi để giành được một ghế ở lớp 10 công lập. Bầu không khí cực kỳ căng thẳng trong mỗi gia đình khi có con học lớp 9", chị Linh bày tỏ.
Phải lường tình huống thi rớt
Nói về áp lực khủng khiếp mà trẻ và phụ huynh phải đối diện ở kỳ thi lớp 10 hàng năm, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng đây là một kỳ thi không công bằng.
Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa của kỳ thi này liên quan đến chủ trương phân luồng, hướng đến 40% học sinh sau THCS theo học nghề. Vậy nên, chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm ở các địa phương sẽ giảm dần.
Chủ trương là như vậy nhưng tư tưởng của phần lớn phụ huynh chỉ muốn con đi theo con đường học thuật nên tất cả dồn hết vào kỳ thi lớp 10, hoặc rớt thì học trường tư. Nên thực tế kỳ thi này cạnh tranh rất gay gắt, còn mục tiêu phân luồng vẫn không đạt được.
Điều không công bằng còn xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa đủ tốt, học sinh ít cơ hội hiểu biết về điểm mạnh, điểm yếu, về các cơ hội học tập... để trẻ có những lựa chọn khác ở tâm thế chủ động. Còn hiện nay, hầu như tất cả học sinh xong lớp 9 đều thi vào lớp 10, đẩy các em vào tâm thế cảm thấy số phận của mình được quyết định bởi một kỳ thi chứ không phải do chính bản thân.
Theo bà Huyền, chỉ khi được hướng nghiệp hiệu quả, học sinh hiểu rõ thế mạnh của bản thân, các trường nghề được đầu tư, ra trường có việc làm... mới có thể giúp học sinh chủ động chọn lối đi khác mà không nhất thiết phải lao vào kỳ thi "mất còn" này.
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đưa ra mục tiêu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Hiệu trưởng một Trường THCS ở TPHCM chia sẻ, ngoài năng lực, kỳ thi vào lớp 10 còn mang nhiều yếu tố may rủi xuất phát từ chọn trường, chọn nguyện vọng. Trước thực tế kỳ thi khốc liệt như vậy, theo ông quá trình tư vấn cho học sinh, phụ huynh không chỉ tập trung vào việc "làm sao thi đỗ" mà nên đặt ra cả tình huống "khi thi trượt".
Như vậy, học sinh, phụ huynh sẽ cân nhắc từ sớm có nên tham gia kỳ thi này hay không, hoặc tham gia cũng sẽ chủ động cho các phương án A, B nếu thi rớt. Khi đã có nhiều con đường, phương án thì gia đình, học sinh sẽ giảm phần nào áp lực "nhất định phải đỗ".
Nhiều năm gần đây, tại TPHCM nhiều học sinh đã chủ động chọn không thi lớp 10 mà chọn hướng đi khác cho mình. Trong đó, nhiều em là học sinh giỏi, khá không tham gia vào kỳ thi này mà chọn học những nghề mình yêu thích.
Riêng năm 2022, TPHCM có trên 10.000 học sinh lớp từ chối tham gia vào kỳ thi lớp 10 mà chọn những con đường khác phù hợp hơn với nhu cầu và hoàn cảnh gia đình, trong đó nhiều em chọn con đường học nghề.