Cải cách giáo dục đã đi đúng hướng?

Dường như lâu nay khi nói đến cải cách giáo dục, chúng ta thường nghe bàn nhiều về các vấn đề mang tính kỹ thuật. Hầu như chưa có một sự bàn luận cho rốt ráo vì sao đầu vào các trường đại học được tuyển chọn gắt gao như thế mà đầu ra lại chưa đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

Những báo cáo gần đây về kinh tế Việt Nam của các tổ chức nước ngoài đều có chung một nhận xét: lực lượng lao động Việt Nam, dù được đánh giá cao về nhiều mặt, vẫn đang thiếu hụt nặng nề loại hình có chuyên môn cao, có kỹ năng chuyên biệt. Các công ty nước ngoài, theo những báo cáo này, đang lấp đầy những chỗ trống đó bằng nhân sự tuyển từ Philippines, Ấn Độ hay luân chuyển nhân viên từ các văn phòng khác ở châu Á vào Việt Nam đảm trách tạm thời.

Cũng trong thời gian này, các trường đại học, cao đẳng khắp cả nước đang hoàn tất những bước cuối cùng để tuyển vào một đợt sinh viên mới như họ từng làm trong nhiều năm qua. Cho dù có trên nửa triệu học sinh trượt đại học, vẫn có hàng trăm ngàn em khác được vào các ngôi trường mơ ước và sau bốn năm học tập, rất có thể thị trường lao động vẫn sẽ đánh giá nhiều em chưa được đào tạo phù hợp cho những nghề nghiệp các em sẽ đảm trách như chúng ta thường nghe các nhà tuyển dụng than phiền trong những năm qua.

Dường như lâu nay khi nói đến cải cách giáo dục, chúng ta thường nghe bàn nhiều về các vấn đề mang tính kỹ thuật như tuyển sinh đầu vào, bỏ kỳ thi này, thêm kỳ thi kia, phân ban hay không phân ban, ai ra đề thi, trắc nghiệm hay tự luận. Hầu như chưa có một sự bàn luận cho rốt ráo vì sao đầu vào các trường đại học được tuyển chọn gắt gao như thế mà đầu ra lại chưa đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ nhu cầu của xã hội và trong một xã hội đang trải qua nhiều biến đổi, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nền giáo dục phải đào tạo được những con người biết thích nghi với thay đổi, với ý tưởng mới, thị trường mới và với thử thách mới.

Nền giáo dục của chúng ta trong khi đó vẫn chưa chuyển được trọng tâm từ chuyện dạy sang chuyện học - tức nhân vật chủ động trong giáo dục vẫn là người thầy chứ không phải là học sinh, sinh viên. Chẳng lạ gì phương pháp giảng dạy chủ yếu vẫn là thuyết trình, ghi chép, học thuộc lòng chứ chưa phải là thảo luận, phân tích, đánh giá và tự học.

Cách giáo dục này sẽ sản sinh những con người có một số kỹ năng (sẽ nhanh chóng lạc hậu vì những đổi thay nhanh chóng) nhưng không biết chủ động, thiếu sáng tạo, thiếu tự tin và nhất là không dám đương đầu với cái mới.

Một nhận xét quan trọng mà nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra - học sinh, sinh viên học được nhiều hay ít tùy thuộc rất lớn vào cái nền tư duy các em sẵn có. Học sinh trung học học vẹt sẽ dẫn tới một sinh viên không thể chủ động tự phân tích các vấn đề ở đại học và sinh viên này sau khi ra trường sẽ không có kỹ năng tự học suốt đời - một kỹ năng không thể thiếu trong thời đại hiện nay. Và nếu sinh viên này trở thành giảng viên đại học, đây sẽ là người tự cho mình có vai trò truyền bá, phân phát kiến thức hơn là người hướng dẫn người khác tự học là chính.

Cải cách giáo dục, vì thế, thiết tưởng nên đi từ cái gốc của vấn đề - từ phương pháp dạy và học đến nội dung chương trình - hơn là loay hoay với các vấn đề kỹ thuật, dễ có tác dụng nhanh nhưng không đem lại kết quả thực chất.

 Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn