Cà Mau: Dự kiến chi 113 tỷ đồng đầu tư cho cán bộ học ngoại ngữ

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Tỉnh Cà Mau có 22.162 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện thì chỉ có 1.167 người có chứng chỉ ngoại ngữ B2 trở lên. Do đó, tỉnh dự kiến kinh phí hơn 113 tỷ đồng cho cán bộ học ngoại ngữ.

Qua thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh và huyện là 1.890 người (giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi có 219 người) thì chỉ có 117 người (6,19%) có chứng chỉ ngoại ngữ từ B2 (bậc 4) trở lên.

Số lượng viên chức cấp tỉnh và huyện là 20.272 người thì chỉ có 1.050 người (5,17%) có chứng chỉ ngoại ngữ B2 trở lên; Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 2.403 người, chỉ có 89 người (3,70%) có chứng chỉ ngoại ngữ B2 trở lên.

Còn cán bộ, công chức cấp xã là 2.288 người thì chỉ có 50 người (2,18%) có chứng chỉ ngoại ngữ B1 (bậc 3) trở lên; Cán bộ cấp xã là 1.078 người, chỉ có 15 người (1,39%) có chứng chỉ B1 trở lên.

Cà Mau: Dự kiến chi 113 tỷ đồng đầu tư cho cán bộ học ngoại ngữ - 1

Cà Mau còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức chưa có chứng chỉ ngoại ngữ B1, B2 (Ảnh minh họa).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch triển khai về học tập ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, mục tiêu của tỉnh là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, vị trí việc làm và khung năng lực ngoại ngữ theo quy định; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc, làm việc được trong môi trường quốc tế.

Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, có 25% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; đến hết năm 2030 đạt 35% và ngoại ngữ chuyên ngành.

Có 60% viên chức (trong đó 50% đối tượng lãnh đạo, quản lý) đạt trình độ bậc 4 trở lên; đến hết năm 2030 đạt 70% và ngoại ngữ chuyên ngành.

20% cán bộ, công chức cấp xã và 15% đối tượng lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 trở lên; đến hết năm 2030 đạt 30% và ngoại ngữ chuyên ngành.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng  học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức dự kiến là hơn 113 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau.

Kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh và huyện, bồi dưỡng ngoại ngữ bậc 4 trở lên là 443 người; viên chức là 11.533 người (đối tượng lãnh đạo, quản lý là 1.157 người).

Đối với cán bộ, công chức cấp xã, bồi dưỡng ngoại ngữ bậc 3 trở lên là 447 người (dưới 40 tuổi là 66 người).

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu đạt thêm 10% so với mục tiêu của giai đoạn trước đó.

Tại buổi gặp công chức, viên chức trẻ của tỉnh Cà Mau mới đây, ông Nguyễn Phương Bắc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau "bật mí", trước đây ông là giảng viên chính thức của trường Chính trị tỉnh, sau là thỉnh giảng, ông đều hỏi học viên các lớp chuyên viên nói chung rằng: Nếu tỉnh mở lớp ngoại ngữ học để biết giao tiếp với người nước ngoài thì ai (đồng chí) học đưa tay lên, thì rất là ít người đưa tay.

Còn trường hợp tỉnh ra quy định để nâng bậc lương thường xuyên hoặc nâng lương trước thời hạn cần có giấy (chứng chỉ) ngoại ngữ, ai học giơ tay lên, thì hầu như lớp giơ tay lên.

"Đây là một thực tế chúng ta nhìn nhận. Và học ngoại ngữ không phải để nâng lương, hay học để có chứng chỉ, mà chúng ta học để tìm hiểu, mở rộng thêm kiến thức, tiếp cận thế giới chứ không biệt lập trong ngôn ngữ của mình", ông Bắc chia sẻ.