Bộ GD&ĐT: Không cho phép giáo viên, nhà trường xử phạt xúc phạm học sinh

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo Bộ GD&ĐT, giáo viên và nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.

Việc kỷ luật phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.

Theo Thông tư 32, có hiệu lực từ ngày 1/11 của Bộ GD&ĐT, hình thức kỷ luật nữ sinh N.T.N.Y. (Trường THPT Vĩnh Xương, An Giang) dưới cờ khi em vi phạm quy định không được cho phép.

Bộ GDĐT: Không cho phép giáo viên, nhà trường xử phạt xúc phạm học sinh - 1

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.

Cụ thể, Thông tư 32/TT/2020/BGDĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh gồm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm.

Nếu thông tư cũ đưa ra quy định đuổi học học sinh vi phạm thì ở Thông tư 32 quy định, tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điều này đồng nghĩa với việc, Bộ GD&ĐT mong muốn không bỏ rơi các em học sinh trong thời gian kỉ luật.

Đánh giá về hình thức kỉ luật học sinh vi phạm, ông Bùi Văn Linh cho rằng, giáo viên và nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức kỷ luật cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh, đồng thời giúp các em nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ.

"Nhà trường nào thực hiện sai hoặc không kịp thời... sẽ chịu trách nhiệm với Bộ GD&ĐT, địa phương và trước xã hội", ông Bùi Văn Linh nói.

Bộ GDĐT: Không cho phép giáo viên, nhà trường xử phạt xúc phạm học sinh - 2

Bức thư của nữ sinh Y. để lại trước khi tự tử.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, để những quy định mới thực sự được áp dụng thực hiện đúng, các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương phải có trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Trở lại trường hợp của nữ sinh Y., em để lại thư tuyệt mệnh với nội dung dùng cái chết để phản ứng việc kỷ luật của trường.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng.

Việc bêu tên học sinh Y. trước trường như Trường THPT Vĩnh Xương ở An Giang vừa qua, là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi.

Hình thức này thuộc dạng kỷ luật truyền thống, hạ thấp, giảm giá trị của người học và dẫn đến nhiều nguy cơ.

Có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu.

Thông thường, ở tuổi vị thành niên các em bị tổn thương, vết hằn đó sẽ theo các em suốt cuộc đời và đây là điều rất nguy hại.