Đắk Nông:

Báo động tình trạng học sinh bỏ học

(Dân trí) - Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, trong năm học 2014 -2015 có hơn 700 học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó, riêng bậc THPT có số lượng đông nhất 290 em.

Tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng tăng cao nhất là ở cấp học THPT, cá biệt có những trường ngay trung tâm tỉnh lỵ như trường THPT Gia Nghĩa có đến 115 học sinh bỏ học trong năm học vừa qua, chủ yếu là học sinh khối 10. Hầu hết số học sinh bỏ học chủ yếu là do nhà ở xa trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi nhiều em là lao động chính trong nhà. Bên cạnh đó, có không ít các em có học lực yếu, không hứng thú với việc học văn hóa.

Số lượng trường có học sinh bỏ học cũng tăng lên so với các năm trước, điển hình như: Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Đắk R’lấp) có 20 em; Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Cư Jút) 17 em; Trường THPT Quang Trung (huyện Đắk Mil) 17 em…

Trường THPT Gia Nghĩa - nơi có hàng trăm học sinh bỏ học
Trường THPT Gia Nghĩa - nơi có hàng trăm học sinh bỏ học.

Ông Trịnh Minh Đức, Phó Hiệu trưởng THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) xác nhận: “Số học sinh này bỏ học chủ yếu là do học lực yếu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn chất lượng đầu vào kém chứ không phải do năng lực của đội ngũ giáo viên. Trường THPT Gia Nghĩa của chúng tôi là nơi “vét” hết số học sinh thi trượt các trường khác, không qua khâu thi tuyển nên chất lượng đầu vào rất kém!”.

Ông Đức còn cho biết, vì số lượng học sinh bỏ học quá nhiều nên trường chưa có điều kiện đến tận nhà từng em tìm hiểu cụ thể và vận động các em đến trường trở lại.

Trao đổi với một số em học sinh đã nghỉ học, các em đều cho biết do ở xa nhà không có ai quản lý, lại có tiền tiêu xài nên các em mải ham chơi không muốn lên lớp. Bên cạnh đó, các em có tâm lý học xong không biết làm gì nên quyết định nghỉ học để ở nhà làm rẫy hoặc đi học nghề.

Chị Nguyễn Thị Trâm (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song), phụ huynh em Nguyễn Hồng T. (học sinh lớp 10A5, THPT Gia Nghĩa) cho biết: “Gia đình rất muốn cho con đi học và cố gắng tạo điều kiện cho con đi học đến cùng nhưng, T. về nhà bảo học không vô nên đành “bó tay” cho nghỉ.

“Gia đình có đủ điều kiện lo cho con ăn học đầy đủ, nó nghỉ tôi cũng tiếc nhưng nó bảo không tiếp thu được kiến thức nên phải bỏ. Cả lớp nó thi chỉ có 1 em được 6 điểm, còn lại toàn dưới điểm trung bình”, chị Trâm cho hay.

Bản thân em T. cho biết: “Ba mẹ thuê cho em phòng trọ ở cùng 2 bạn cùng lớp. Do có tiền tiêu xài nên hầu như đêm nào cũng đi chơi game thâu đêm. Sáng hôm sau chỉ muốn ngủ, không muốn lên lớp nữa. Học ở lớp em không tiếp thu được gì, nhiều bạn khác cũng giống em nên khi có thông báo nghỉ học em cũng không bất ngờ”.

Ở nhiều trường tiểu học, trung học vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi có học sinh bỏ học, nhà trường và giáo viên đều đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân và vận động nhiều lần để các em đi học lại. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, các trường cũng mở thêm nhiều buổi học phụ đạo cho các em cũng như kêu gọi, vận động phụ huynh, cộng đồng có những hình thức hỗ trợ nhằm giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến lớp. Điển hình như Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa) và Trường tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long).

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học tăng đột biến, ông Trương Anh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho rằng: “Phần đông các em học sinh bỏ học là người dân tộc thiểu số, gia đình làm nương rẫy. Các em học sinh bậc THPT chủ yếu là lao động chính trong gia đình, bên cạnh đó, các em có tâm lý hoang mang về tương lai nghề nghiệp nên bỏ học văn hóa đi học nghề. Hiện tại, Sở đã chỉ đạo các trường vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để tìm cách khắc phục, nhất là ở bậc THPT.”

Đức Cường - Thúy Diễm
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!