Ấn tượng cuộc thi "làm thật, thi thật" dành cho thợ giỏi ngành xây dựng
(Dân trí) - Lần đầu tiên, Hội thi thợ giỏi ngành xây dựng được giao đề bài chính là các phần việc đang được triển khai trên công trường. Các thí sinh làm thật, thi thật và được nghiệm thu thật tại công trường…
Trong hai ngày 8 và 9/12, Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thi thợ giỏi ngành Xây dựng Việt Nam năm 2020. Hội thi đã thu hút được 250 thợ lành nghề của 20 tổng công ty, công ty có thương hiệu hàng đầu trong ngành xây dựng tham gia thi 8 nghề: xây, trát, ốp lát, nhôm kính, lắp dựng cốt thép, điện, nước và hàn.
Cuộc thi được thực hiện theo phương thức rất sáng tạo: Làm thật, thi thật ở công trường xây dựng hiện hữu. Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng công trình thực tế, bên cạnh sự chu đáo của Ban tổ chức, các đội thi của các doanh nghiệp cũng chuẩn bị các phương tiện và công cụ hết sức kỹ lưỡng.
Đáng nói, Hội thi không chỉ mang ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị của người thợ Xây dựng Việt Nam, mà còn muốn đề cao công tác đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới của các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao tính chủ động trong việc phát triển kỹ năng, đào tạo và tự đào tạo tại doanh nghiệp, hiệp hội nhằm phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực hành nghề.
Theo ông Trường, việc tổ chức hội thi của hiệp hội, các doanh nghiệp ngành Xây dựng chính là sự chủ động tích cực của doanh nghiệp trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Đó là "Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 "nhà" là Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; góp phần giảm dần "tư duy bằng cấp" trong xã hội và văn hóa tuyển dụng dựa vào bằng cấp của doanh nghiệp trong nước.
Một số hình ảnh ấn tượng "thật" trong cuộc thi được phóng viên Dân trí ghi lại: