5 xu hướng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH

(Dân trí) - Năm 2008 là năm thứ 7 liên tiếp kỳ thi tuyển sinh ĐH thực hiện 3 chung. Các quy luật về chọn trường, cơ hội đỗ của thí sinh ở từng địa phương, điểm chuẩn... đã diễn ra rõ nét.

Dưới đây là 5 xu hướng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung từ năm 2002 đến năm 2007.

Cơ hội đỗ của thí sinh miền núi và nông thôn tăng

Thống kê của Bộ GD - ĐT về tỷ lệ đỗ đại học (ĐH) của thí sinh tại 64 tỉnh, thành trong các năm từ 2002 đến 2007 cho thấy, tại nhiều tỉnh thành, số thí sinh được vào ĐH trong hai năm gần đây đã tăng vọt. Đặc biệt, cơ hội vào ĐH của thí sinh miền núi, vùng sâu vùng xa và thí sinh khu vực nông thôn ngày càng cao.

Hải Phòng, Hậu Giang là những tỉnh có nhiều thí sinh đỗ ĐH nhất. Tại Hậu Giang, tính trung bình trong 5 năm qua, cứ 10 thí sinh đi thi ĐH thì đã có 2 thí sinh đỗ ĐH. Tính riêng trong năm 2007, tỷ lệ trúng tuyển của thí sinh Hậu Giang lên đến gần 30%.

Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH ở Lai Châu tăng vọt từ khoảng 4% trong những năm 2005, 2006 lên thành 12,66% năm 2007.

Tương tự, tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ngày càng cao. Có những tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, tỷ lệ trúng tuyển còn tăng đến hàng chục phần trăm chỉ trong hai năm.

Trong khi đó, tỷ lệ trúng tuyển của thí sinh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thì hầu như không thay đổi. Trong 2 năm 2006 và 2007, tỷ lệ đỗ của thí sinh Hà Nội và TP.HCM luôn ở ngưỡng trên dưới 18% và 16%.

Nhìn cục diện chung, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH ở các thành phố lớn (học sinh khu vực 3) đang giảm đi để nhường chỗ cho học sinh miền núi, nông thôn. Năm 2002, có 23,50% học sinh khu vực 3 trúng tuyển ĐH nhưng năm 2007 tỷ lệ này chỉ còn 12,27%.

Kết quả thi ĐH của thí sinh cao hơn

Phân tích kết quả thi ĐH của thí sinh trong 6 năm qua, từ năm 2002 đến năm 2007 cho thấy:

Số thí sinh đạt kết quả từ15 điểm trở lên tăng nhanh chóng trong các năm. Năm 2002 chỉ có 13,3% thí sinh đạt kết quả trung bình 15 điểm 3 môn, năm 2003 có 13,72% nhưng đến năm 2007, con số này đã là 35,76%!

Đặc biệt, trong số thí sinh dự thi khối A năm 2007 đã có tới gần 40% thí sinh có kết quả thi từ 15 điểm trở lên, khối B có tới gần 50% thí sinh có kết quả thi từ 15 điểm trở lên.

Tỷ lệ chọi ngày càng giảm

Trong khi kết quả thi ĐH của thí sinh ngày càng cao, tỷ lệ chọi ngày càng giảm.

Năm 2002, tỷ lệ chọi vào hệ ĐH là 1 thí sinh cạnh tranh với 7,38 thí sinh. Đến năm 2007, tỷ lệ chọi giảm xuống còn 5,21 thí sinh. Dự báo trong năm 2008, tỷ lệ chọi chỉ ở ngưỡng trên dưới 5.

Đối với hệ CĐ, tỷ lệ chọi giảm từ 5,03% của năm 2002 xuống còn 2,37% của năm 2007.

Tỷ lệ chọi giảm đồng nghĩa với việc tỷ lệ đỗ ĐH của thí sinh ngày càng cao hơn. Năm 2002 chỉ có 118.720 thí sinh trúng tuyển ĐH trong tổng số 1.197.485 thí sinh dự thi. Đến năm 2007, đã có 209.897 thí sinh trúng tuyển trong tổng số 1.447.739 thí sinh dự thi.

Đối với hệ CĐ, số thí sinh trúng tuyển trong năm 2007 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2002. Năm 2002, có 57.956 thí sinh trúng tuyển, năm 2007 có 153.722 thí sinh trúng tuyển.

Càng ngày càng có nhiều thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng 2, 3

Nguyện vọng 2, 3, đặc biệt là nguyện vọng 2 thực sự đã giữ vai trò rất lớn khi quyết định cơ hội vào ĐH của thí sinh. Năm 2004, có gần 23% chỉ tiêu ĐH dành cho cơ hội của nguyện vọng 2. Đến năm 2005, 2006, con số này là gần 30% và đến năm 2007, đã có 31,02% chỉ tiêu ĐH dành cho nguyện vọng 2 mà các trường đã tuyển.

Số trường không tổ chức thi mà chờ đợi xét tuyển từ nguyện vọng 2, 3 cũng ngày càng nhiều hơn.

Năm 2002, chỉ có vẻn vẹn 8 trường ĐH dân lập và 27 trường CĐ không tổ chức thi. Đến năm 2003 tăng lên thành 53 trường và chủ yếu trong đó vẫn là ĐH dân lập và CĐ. Nhưng đến năm 2007, số trường không tổ chức thi đã là 71 trường. Trong đó nhiều trường ĐH công lập.

Nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ và Kinh tế lên ngôi

Trong 6 năm qua, các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ và Kinh tế được thí sinh lựa chọn nhiều nhất.

Theo điều tra của Bộ GD - ĐT, đây cũng là hai nhóm ngành đang chiếm thế "thượng phong". Trên 30% tổng số sinh viên hiện nay đang học nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Tỷ lệ sinh viên nhập học nhóm ngành này từ năm 2003 đến nay tăng đều mỗi năm trên dưới 1 vạn sinh viên.

Bốn nhóm ngành có ít sinh viên nhất là Khoa học tự nhiên, Nông Lâm Ngư nghiệp, Y Dược và Văn hoá Nghệ thuật.

Ngoài việc lựa chọn vào ngành Kỹ thuật - Công nghệ và Kinh tế - Quản lý, thí sinh cũng có xu hướng thích chọn các ngành Sư phạm. Tỷ lệ sinh viên nhập học ngành này hàng năm cũng tăng đều từ 3 đến 4.000 sinh viên.

Nhóm ngành Khoa học xã hội nhân văn và Nông Lâm Ngư nghiệp được coi là hai nhóm ngành thí sinh "hờ hững" nhất. Điều này thể hiện qua tỷ lệ sinh viên theo học trồi sụt thất thường, năm giảm năm tăng.

Về phía Bộ GD- ĐT thì chỉ tiêu tuyển sinh của các nhóm ngành thường được phân bổ như sau:

- Khoa học tự nhiên: Khoảng trên dưới 7% tổng chỉ tiêu

- Khoa học xã hội và nhân văn: trên 12%

- Kỹ thuật - Công nghệ: khoảng 30%

- Sư phạm - Quản lý Giáo dục: trên 16%

- Kinh tế - Pháp lý - Tài chính - Quản trị Kinh doanh: khoảng 27%

- Nông - Lâm - Ngư nghiệp: Trên 3%

- Y - Dược: Trên 2%

- Nghệ thuật - Thể dục Thể thao: Gần 3%

Trong năm 2007, 10 trường dưới đây có mức tăng hồ sơ cao nhất:

1. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: tăng 349%

2. ĐH Y Hải Phòng: tăng 300%

3. ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM: tăng 267%

4. ĐH Y Hà Nội: tăng 96%

5.ĐH Y Thái Bình: tăng 71%

6.CĐ Tài chính Hải quan: tăng 51%

7.ĐH An Giang: tăng 49%

8. ĐH Dân lập Thăng Long: tăng 47%.

9.ĐH Công nghiệp TP.HCM: tăng 45%

10.Trường ĐH Nông nghiệp I: tăng 45%

Mai Minh