19 năm không qua nổi một bậc lương!

(Dân trí) - Mỗi lần tăng lương, thu nhập của nhiều giáo viên lại “tụt hơn” so với trước, vì vật giá tăng còn nhanh hơn cả lương. Đã thế, với chế độ thang bảng lương nhiều nhiêu khê, rắc rối, có nhiều nhà giáo hàng chục năm không qua nổi một bậc lương.

Thầy Đình Toán, giáo viên của một trường trung học của tỉnh Thanh Hoá tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 1966, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã từng công tác xa quê một thời gian dài 7, 8 năm. Năm 1985, sau 19 năm dạy học tận tuỵ, thầy hưởng mức lương 100 đồng.

 

Lúc bấy giờ đất nước còn nhiều khó khăn, giáo viên có mức lương như thầy còn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt như: có sổ Y bạ do Bảo vệ sức khoẻ tỉnh quản lý, có tiêu chuẩn khám điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô, được phát phiếu C mua lương thực, thực phẩm tại của hàng dành riêng cho cán bộ trung, cao cấp… Ngày ấy, sau bậc lương 100 đồng, lương tột đỉnh của giáo viên tốt nghiệp đại học là 125đồng. Nếu không có sự chuyển đổi cải cách tiền lương thì chỉ cần công tác thêm 4 năm nữa sẽ đạt bậc cao nhất của thang lương cũ.

 

Tuy nhiên, sau bao lần cải tiến, lần nào ngành giáo dục cũng “ưu tiên”, nhưng tiền lương của thầy Toán và đồng nghiệp cùng thế hệ thầy đã diến biến ra sao? Sự thật là sau 19 năm và đã đến tuổi về hưu, thầy vẫn chưa đạt được mức lương cao nhất mà mình đang hưởng. 38 năm tận tâm với sự nghiệp trồng người, thầy Toán mới đạt bậc 9 (hệ số 4,85) của mã 115.112 sau bậc này vẫn còn hai bậc nữa (bậc 9: 5,08 và bậc 10: 5,31). Còn giáo viên nữ được ưu tiên về tuổi khi nghỉ hưu thì mức lương còn thấp hơn vài bậc.

 

Thực tế cho thấy, thang luơng của các nhà giáo bị chia ra nhiều bậc (trình độ sơ trung học 16 bậc, THPT cao cấp 11 bậc, THPT 10 bậc). Trong khi, hệ số chênh lệch giữa các bậc lại quá nhỏ 0,22 hoặc 0,23, tức là sau 3 năm, mỗi lần nâng bậc, lương cũ và lương mới của giáo viên trung học cao cấp chênh nhau chưa nổi 50 nghìn đồng/tháng. Và điều này chỉ làm cho những ai phụ trách việc trả lương thêm bận bịu!

 

 

Châu Bi