Xuân Bình và hành trình Đông - Tây

(Dân trí) - Chỉ đến khi quyết định rời bỏ cơ quan trở thành một phóng viên, nhiếp ảnh gia tự do và sau bảy năm vật vã cái tên Xuân Bình mới trở thành một thương hiệu, lúc này mới có thêm nhiều người... nhớ đến anh.

Cái tên Xuân Bình được người ta nhắc đến kể từ năm 1995, khi một số  tờ báo loan tin anh đoạt giải thưởng lớn nhất cuộc thi ảnh quốc tế ACCU cho tác phẩm “San sẻ”. Tuy vậy, mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu từ khi anh trở thành một phóng viên, nhiếp ảnh gia tự do. Trước ngày lên đường thực hiện “những chuyến đi mơ ước”, Xuân Bình đã dành cho Dân Trí một cuộc trò chuyện. Người phỏng vấn và người được phỏng vấn là bạn, lại cùng tuổi nên câu chuyện dễ nói hơn rất nhiều.

 

Kẻ viết phần mềm... 6D

 

Vì sao “ông” lại bỏ cơ quan  ra hẳn ngoài làm báo tự do, khi mà bao nhiêu người muốn chui vào để nương thân ở một nơi nào đó?

 

Theo tử vi, tôi và ông cùng đứng chữ Nhâm, thích khác người, ngông, khó thuần phục, chỉ thích nương dựa vào chính bản thân, không thích bầy đàn. Với lại trong hay ngoài biên chế cũng là làm việc để kiếm sống ở đâu thuận thì đến. Tại sao phải chôn chân ở chỗ lương thấp, người làm thì ít, người ăn và phán thì nhiều lại lắm gian kế. Lo đối phó với cánh này nhọc ghê lắm!

 

Vậy từ lúc ra ngoài, “ông” thấy thế nào?

 

Có nhiều thời gian để sống thật với bản thân hơn. Làm tử tế với những điều mình thích. Chơi với kẻ đồng cảm. Gần vợ con nhiều hơn. Chẳng nhiều lý do bám bàn nhậu trả nợ miệng. Thời gian đi, đọc, nghĩ nhiều hơn chỉ số nhai nuốt...

 

Một môi trường sống lý tưởng. Nhưng sao cuộc chơi vẫn đơn lẻ?

 

Làm báo tự do không hề dễ. Sống tử tế bằng nó còn khó hơn.

 

Nguyên tắc của cuộc chơi này là gì?

 

Ba trong một. Làm việc có phương pháp như một nhà khoa học. Xông xáo, nhạy cảm như một nhà báo. Thăng hoa như ...(từ này tôi rất ghét nhưng chưa có từ dùng thế) nghệ sỹ.

 

Nghe nói anh có một công thức hành nghề ảnh  lạ  tai lắm?

 

6D- đọc nhiều, đi nhiều, đến đúng lúc, đặt máy đúng chỗ, đốt nhiều phim, cạc... và...

 

Với nghề viết?

 

Đọc nhiều, đi nhiều, đến đúng chỗ, đón cảm hứng nhanh nhất, đẩy bài đến toà soạn lẹ nhất và... ha ha

 

Thu hoạch của bảy năm hành nghề báo tự do là gì?

 

Một tủ sách gần 10.000 đầu sách, tạp chí  khảo cứu văn hoá, một thư viện ảnh hơn 1 triệu file được phân loại khá tỉ mỉ từ mẫu vẽ chim xẻ trên gốm Chu Đậu, các chạm khắc đình chùa, lễ  hội làng, những thay đổi trên dáng vũ nữ Chàm, các kiểu nhà sàn châu Á đến những nhạc cụ Tây Nguyên hay mắt thuyền của ngư dân các vùng duyên hải...

 

Đọc anh trả lời phỏng vấn trên tạp chí Sành Điệu tết Bính Tuất có người nghi ngờ rằng anh... nói vống lên về số ảnh chụp, số bài đã viết.

 

Người đó hiện đang điều hành một tờ báo rất lớn (Xuân Bình khoát tay hình tờ báo và cười ha hả). Anh ấy là người tài, nhưng tiếc nỗi lại sống quá lâu trong một khuôn khổ cũ kỹ, một khoẻn đất cứ bị vu cho là lớn rộng nên chẳng thèm biết giang hồ có những ai hành đạo. Tiếc. Rất tiếc.

 

Ông thuộc “típ” người thích nói sự thật, nói thẳng thắn, không sợ mất lòng?

 

Có lần một người bạn được đề bạt lên một chức vụ cao. Tôi không hề mừng mà cảm thấy như mình mất đi một cái gì đó. Tôi nhắn tin cho bạn “Gửi lời chia buồn sâu sắc tới mày. Làng báo nước nhà mất đi một người có khả năng làm báo giỏi và có thêm một quan chức có nguy cơ tha hoá cao”. Người ta bảo tôi là người luôn thu hút hoả lực về phía mình. Chẳng biết đúng hay sai.

Xuân Bình và hành trình Đông - Tây - 1

             Gia đình nhà báo, nhiếp ảnh gia Xuân Bình.

 

Bắt đầu từ ngày 25/2/2006, nhà báo, nhà nhiếp ảnh tự do nổi tiếng Xuân Bình sẽ lên đường thực hiện một loạt chuyến đi mơ ước. Hành trình đầu tiên của anh sẽ là Tây An, Cam Túc, Lan Châu, Đôn Hoàng nơi khởi đầu "con đường tơ lụa” huyền thoại. Hành trình tiếp theo sẽ là Campuchia, Miama, Tây Tạng, đó là Đông du.

 

Giữa tháng 4, Xuân Bình sẽ trở về VN để chuẩn bị hành trang cho chuyến Tây du trong khoảng hai tháng tới một loạt quốc gia như Ytalia, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... và  chứng kiến không khí hừng hực của World Cup 2006 vào cuối tháng 5/2006. Xuân Bình chính thức sẽ là đặc phái viên của Dân trí trên những nẻo đường mà anh sẽ qua.

Hành trình... chữa bệnh ngu, hèn

 

Chúng ta trở lại cuộc hành trình sắp tới một chút. Anh là người thích xê dịch, vậy có triết lý nào về sự vận động luôn ám ảnh?

 

Người Việt không có những hành trình ra đi  lớn như Marco Polo, Cristoph Colombo, Trịnh Hoà, cũng không có luôn sự đón nhận hoành tráng như hậu duệ Khổng, Lão đón nhận Thích ca Mâu Ni...

 

Nghề đi anh trọng những ai?

 

Phương Tây, tôi kính nể Kant (triết gia) vì chưa một lần bước chân ra khỏi thành phố quê hương, âu cũng là cách đi siêu việt. Phương Đông cảm kích một Huyền Trang thỉnh kinh ở Tây Vực, một Fukuzawa (Nhật Bản) quyết liệt từ bỏ Hà Lan để đến với nước Anh. Trong nước, tôi luôn tự vấn trước những cuộc đi của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Những bạn trẻ hôm nay, tôi yêu thành viên của nhóm Tây Bắc. Một số thành viên nhóm này sẽ cùng đi Tây Tạng.

 

Anh tìm cho mình điều gì của những điểm đến?

 

Đến nơi khởi phát con đường tơ lụa, tôi muốn hỏi đất trời một câu: dân tộc Trung Hoa cao ngạo kia nếu không có những bước chân lạc đà mải mết trên sa mạc Gobi đi về Tây Vực thì sao nhỉ? Đặt chân tới Ytalia, quê hương của Dante, nếu không có ông, không có Thần khúc, ai sẽ rung đập cánh cửa trung cổ để Shakespear và Servantes mở tung đại lộ hướng nhân loại bước nào kỷ nguyên Phục Hưng. Tới Đức, việc đầu tiên là tìm đến với Kant để tự vấn ba điều ông đã đặt ra: tôi có thể tri thức gì? Tôi phải làm gì? Tôi có quyền hy vọng gì? Còn trở về Tây Tạng là để học... cách đi chậm, thở sâu và đừng gục ngã vì thiếu dưỡng khi trước khi... về đích.

 

Anh không hề giỏi ngoại ngữ, không hề có bạn bè thân thiết dọc đường vậy sẽ đi làm sao đây? làm được cái gì đây?

 

Những năm qua, tôi có rất nhiều kinh nghiệm khi đi làm báo giới thiệu, quảng bá du lịch cho Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan. Tất nhiên quá buồn và cay đắng khi bước ra thế giới trong tâm thế, tư thế của một kẻ mù loà, câm điếc về mọi nghĩa. Nhưng có sao đâu nếu lý do chính của những chuyến đi là... chữa bệnh.

 

Có điều gì cảm thấy cân nhắc trước khi xuất hành không?

 

Tôi thấy trong mắt vợ cả niềm ân cần và điều lo lắng khi rút gần hết tiền tiết kiệm để lo cho chuyến đi của chồng, số tiền ấy là quá ít. Và rất có thể tôi sẽ trễ hẹn chuyến đi xuyên Việt lần thứ ba với “Phim” và “Bút” hai cậu con trai trong dịp hè này.

 

Với anh, gia đình, vợ con có ý nghĩa như thế nào?

 

Đó là con đường để biến mọi ước mơ thành hiện thực.

 

Cảm ơn và chúc chuyến hành trình xuyên Đông Tây của anh thành công!

 

Đức Trung

(thực hiện)

Dòng sự kiện: Phương Đông du ký