1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Xem phim "Chạy án": Thuốc chưa đủ đắng!

Bộ phim Chạy án (Đạo diễn: Vũ Hồng Sơn, các diễn viên: Dũng Nhi, Hương Dung, Trần Đức, Việt Anh...) có nội dung dựa trên "vụ án Mai Văn Dâu" cùng nhiều chuyên án nổi cộm khác về tham nhũng, cố ý làm trái.

Phim đang phát sóng trên kênh VTV1 lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, được không ít khán giả kỳ vọng sẽ là một bộ phim chống tiêu cực mạnh mẽ với những thước phim hấp dẫn và đọng lại nhiều suy tư.

Điểm mạnh lớn nhất của Chạy án chính là việc đưa những mảng hiện thực nóng hổi đầy tính thời sự của đời sống hằng ngày vào phim: cảnh ăn chơi sa đọa của một bộ phận công chức, rồi doanh nghiệp bị hành hạ, "văn hóa phong bì"... Xem phim, khán giả chắc hẳn sẽ thú vị vì được thấy bóng dáng cuộc sống đâu đó: "Con ông cháu cha" vượt đèn đỏ bị cảnh sát giao thông bắt, lập biên bản không chịu ký tên mà nhảy lên taxi vọt đi;  bà mẹ chửi bới người làm công vụ để bênh con; tình trạng "cửa sau" làm đau đầu những người muốn sống và kinh doanh lương thiện... Những mảng tối của xã hội được bóc trần không thương tiếc.

Mảng tham nhũng trong cuộc sống là “chất bột” rất tốt để các nhà làm phim "gột nên hồ", tạo nên một bộ phim hấp dẫn. Nhưng, xem đến tập 14, khán giả không khỏi nuối tiếc vì dường như thuốc chưa đủ đắng để "đánh" được căn bệnh tệ nạn. Phim chỉ mới "khều nhẹ" bên ngoài lớp vỏ tham nhũng mà chưa lý giải được một cách sâu sắc, hợp lý quá trình tha hóa của các quan tham. Một thứ trưởng Cẩm trong phim - hơi thiếu thuyết phục: có tính cách rất tốt nhưng chỉ vì "nể vợ" mà trở nên nhu nhược và thành kẻ đồng phạm với cái xấu lúc nào không biết (?!).

Ngoài ra, một số chi tiết có vấn đề, về chuyên môn nghiệp vụ ngành ngân hàng kiểu như Cao Thanh Lâm (Việt Anh đóng) ăn cắp và lén chuyển 3 triệu USD đi mà cả ngân hàng không hay biết. Hoặc các kiến thức về tin học, tin tặc cũng có nhiều điều khó hiểu và thiếu hợp lý. Khán giả Lê Văn Tâm thắc mắc: "Chẳng lẽ ngân hàng không có hệ thống sao lưu dữ liệu? Nếu đã dùng máy tính để xử lý thông tin thì chẳng lẽ ngân hàng lại còn cho chép tay để đề phòng?". Bạn Vân Khanh, sinh viên nhận xét: "Tự nhiên, Lâm lấy ra một cái đĩa dán chữ virus to đùng. Chẳng ai lại dán cái nhãn đĩa một cách ngốc nghếch như thế. Nói là virus lây qua mạng nội bộ nhưng anh chàng nhân viên lại nhận virus đó từ hộp thư Yahoo là sao?".

Trong Chạy án còn có những điểm khá vô lý khi xây dựng nhân vật. Khán giả Nguyễn Công Chiến, kỹ sư nông nghiệp, thắc mắc: "Một tay lọc lõi như Xiu làm sao có thể nhanh chóng bị thua cuộc trước sự khích tướng có phần đơn giản như trong phim? Tên tội phạm nham hiểm như Tony Nguyễn sao lại có thể có thái độ run rẩy đáng ngờ khi việc chưa phải đến lúc tận cùng? Ông thứ trưởng được mặc định là có tài, có đức vì sao lại ngu ngơ đến mức như vậy?". Chị Thanh Trúc, giáo viên, băn khoăn: "Nhà nước đang kêu gọi chống tham nhũng quyết liệt mà sao phim ảnh không dám đi tiên phong? Nói cái tiêu cực không có nghĩa là chúng ta nói xấu đất nước mà ngược lại. Cần phải mạnh dạn phê phán tham nhũng để tạo niềm tin trong dân".

Tựu trung, khán giả xem Chạy án mong muốn phim phải phê phán mạnh mẽ nạn tham nhũng hơn nữa cũng là tất yếu. Nói như bác Nguyễn Thành Tâm, ở đường Trần Não, Q.2, TP.HCM thì: "Đời sống nhân dân vất vả là thế mà bọn tham nhũng cứ phây phây với nhà hàng, khách sạn... Phải nói mạnh hơn nữa để vạch mặt chỉ tên những kẻ làm nghèo đất nước".

Theo Vinh Nguyễn
Thanh Niên