1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là nhân vật trong "Tấm gương bình dị mà cao quý"

Lạc Thành

(Dân trí) - Những vị tướng nổi tiếng như: Đại tướng Phạm Văn Trà, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Đại tá - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh… sẽ được vinh danh trong "Những tấm gương bình dị mà cao quý" tới đây.

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức họp báo thông tin về cuộc thi viết Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 15.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là nhân vật trong Tấm gương bình dị mà cao quý - 1

Toàn cảnh buổi gặp mặt thông tin về cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (Ảnh: Ban tổ chức).

Tại sự kiện, Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Trưởng Ban tổ chức - cho biết, cuộc thi là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).

Cuộc thi viết được phát động từ ngày 8/6/2023 đến 31/10 năm nay, nhằm phát hiện, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu là quân nhân, cựu chiến binh, cựu quân nhân có những cống hiến, đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng thời kỳ mới.

Sau hơn 1 năm phát động, các tác phẩm tham dự cuộc thi viết có số lượng và chất lượng đều tăng hơn so với các năm trước.

Ban tổ chức nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi (nhiều nhất từ trước đến nay), ở các thể loại phóng sự, bút ký, ký chân dung...

Các bài viết về những vị tướng như: Đại tướng Phạm Văn Trà (ông Ba Trà), Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hay bài báo về Đại tá, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh… được trao giải cao tại cuộc thi.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là nhân vật trong Tấm gương bình dị mà cao quý - 2

Đại tá, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nói rằng, trong thời bình, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngày càng tỏa sáng (Ảnh: Ban tổ chức).

Trong họp báo, Đại tá, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho biết, hiện nay, trong thời bình, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngày càng tỏa sáng. Giữa những trăn trở về khó khăn, áp lực của cuộc sống, mỗi người nên chọn sự bình dị, sống có ý nghĩa, chia sẻ với mọi người. 

"Tôi thấy chuyện hy sinh bản thân vì cộng đồng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, đối với người quân nhân, là việc rất đỗi bình thường. Tôi thấy vui khi được cống hiến vì một mục tiêu, lý tưởng cao đẹp", Đại tá Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.

Thành công của cuộc thi viết lần thứ 15 là đã thu hút nhiều nhà văn, nhà báo và đông đảo đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên trên cả nước gửi bài dự thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nhiều loạt bài từ 2 đến 3 kỳ, có cách thể hiện sinh động, hấp dẫn.

Nhân vật được tôn vinh trong các bài viết rất phong phú về đối tượng, lứa tuổi đến lĩnh vực công tác, vùng, miền... Họ đều là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, nhân cách, tấm lòng nhân ái, luôn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là nhân vật trong Tấm gương bình dị mà cao quý - 3

Đại tá, nhà văn Chu Lai chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Đại tá, nhà văn Chu Lai (nhân vật được vinh danh trong tác phẩm) khẳng định, hình tượng người lính không chỉ tỏa sáng trong thời chiến, mà càng tỏa sáng trong thời bình.

Nhân vật người lính là một "siêu đề tài", muôn thuở, bất tận, càng "đào" càng sâu, càng khai thác càng tỏa sáng.

"Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, mà của mọi thế hệ, tỏa sáng, kết thành "hạt kim cương" về lòng tự hào dân tộc, dựng nên "bức tường thành nhân văn", chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để mọi thế hệ của dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên cầm súng, trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc, quê hương, bờ cõi", ông Chu Lai chia sẻ.

Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào tối 6/12 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Qua 2 vòng chấm của Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 35 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải tặng các tác giả, nhóm tác giả, gồm: 1 giải đặc biệt (50 triệu đồng) (trao lần đầu tiên sau 15 lần tổ chức), 3 giải A (mỗi giải 30 triệu đồng), 8 giải B (mỗi giải 20 triệu đồng); 11 giải C (mỗi giải 10 triệu đồng) và 12 giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng). Tổng giá trị giải thưởng là 820 triệu đồng.

Cùng với đó, Ban tổ chức cũng trao bằng vinh danh, cúp lưu niệm và tiền thưởng (10 triệu đồng/mỗi nhân vật) tặng 35 nhân vật trong 35 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 14 nhân vật là tướng lĩnh (6 vị tướng đã nghỉ hưu, 8 vị tướng đang công tác).