Vở rối nước "Hoàng đế cờ lau" giành Huy chương vàng
(Dân trí) - Nhà hát múa rối Thăng Long nhận được 6 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc và 1 Giải đặc biệt "Tạo hình rối cạn - rối nước" tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024.
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã bế mạc tại rạp Đại Nam (Hà Nội), nhằm vinh danh những tác phẩm, vở diễn xuất sắc cống hiến cho khán giả. Sự kiện do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Tại Liên hoan Sân khấu lần này, Nhà hát múa rối Thăng Long đã gặt hái được nhiều giải thưởng: 6 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc và 1 Giải đặc biệt "Tạo hình rối cạn - rối nước".
Trong đó, với tạo hình rối cạn - rối nước ấn tượng, kết hợp âm nhạc và âm thanh xuất sắc, vở rối nước của Nhà hát, Hoàng đế cờ lau, đã được Ban giám khảo trao Huy chương vàng. Hoàng đế cờ lau là 1 trong 3 vở diễn được trao Huy chương vàng dịp này.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Xuân Long đã được trao Giải đặc biệt "Tạo hình rối cạn - rối nước" bởi những tâm huyết, đam mê, tận hiến của anh trong việc tạo hình rối ở vở diễn.
Các nghệ sĩ Đăng Nhân, Lê Văn, Bình Minh, Văn Phức, Siu Anh Sơn cũng được Ban giám khảo trao Huy chương vàng vì phần trình diễn xuất sắc. Các nghệ sĩ: Thu Giang, Phương Linh, Thanh Hiếu, Công Mạnh được trao Huy chương bạc.
"Đây là nguồn động viên khích lệ vô cùng to lớn đối với toàn thể cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên của Nhà hát. Huy chương không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá của Hội đồng chuyên môn trong việc thẩm định chất lượng nghệ thuật, mà còn là thể hiện sự quan tâm của những người làm nghề sân khấu cũng như đông đảo khán giả đối với nghệ thuật múa rối.
Chúng tôi sẽ tiếp tục mang hết nhiệt huyết, đam mê của mình để có thêm nhiều tiết mục, vở diễn hay hơn nữa, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa bản sắc Việt và giới thiệu múa rối Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế", NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, chia sẻ.
Vở diễn Hoàng đế cờ lau kể về vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt - Đinh Tiên Hoàng. Từ khi còn là cậu bé, Đinh Bộ Lĩnh đã thông minh, lanh lợi.
Những buổi chăn trâu, cậu thường nghĩ ra các trò chơi đánh trận giả, lấy lưng trâu làm ngai vàng, ngọn cờ lau làm cờ chiến, chia đám mục đồng thành 2 phe để "tham chiến" sôi nổi. Với bản tính sáng dạ và mạnh mẽ, Đinh Bộ Lĩnh luôn xưng "vua" với đám trẻ chăn trâu.
Từ kịch bản của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, NSƯT Đăng Tiến đã chuyển thể kịch bản múa rối một cách khéo léo, đặc biệt là giai đoạn vua Đinh Tiên Hoàng còn là cậu bé chăn trâu.
Nghệ sĩ Xuân Long, Đạt Phú đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kịch bản để tạo hình rối các nhân vật làm sao vừa quen thuộc, vừa mới lạ nhưng vẫn mang những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu của nghệ thuật múa rối.
Vở diễn còn có sự tham gia của dàn nghệ sĩ tài năng: Lê Văn, Đăng Nhân, Bình Minh (vai Đinh Bộ Lĩnh), Thu Giang, Phương Linh (vai Đàm Thị), Văn Phức,… cùng dàn diễn viên đoàn 2 Nhà hát múa rối Thăng Long trình diễn.
NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn.
Vở rối Hoàng đế cờ lau khai màn tối 5/11 tại sân khấu múa rối nước Hoàng Thành Thăng Long và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.