1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Vô cực” - Phim của những ngôi sao

Bộ phim Trung Quốc được chờ đợi nhất 2005 không phải “Thất kiếm” của Từ Khắc, cũng chẳng phải “Thần thoại” của Thành Long và Đường Quý Lễ, mà là “Vô cực” - tác phẩm thứ 10 trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Khải Ca.

Nhờ Nữ thần hộ mệnh mà từ một thiếu nữ nghèo khó, Khuynh Thành trở thành vương phi xinh đẹp tuyệt trần. Song, cuộc đời nàng vận với lời nguyền: sẽ chẳng bao giờ tìm thấy tình yêu đích thực.

Có chàng trai thân phận thấp hèn lại yêu nàng chân thật. Bằng tài sức, bằng bước chạy nhanh như ánh sánh, chàng đã đưa Khuynh Thành quay về khởi điểm, cho phép nàng chọn lựa lại.

Ba năm chuẩn bị, chi phí hơn 30 triệu USD, gần một năm vất vả trên trường quay, Vô Cực xứng đáng chờ đợi và hy vọng. Sau hai phim không thành công về doanh thu là Kinh Kha thích Tần vươngVĩ cầm vàng,  Trần Khải Ca quay về rầm rộ bởi Vô Cực - thực sự quy mô trong dàn dựng cũng như đầu tư, không khiến ai bất ngờ khi đại diện Trung Quốc dự tranh Oscar năm tới đây.

Người đã đồng cam cộng khổ với Trần Khải Ca tạo ra Vô Cực được  nhắc nhiều trên báo chí Trung Quốc thời gian qua chính là nhà quay phim Bào Đức Hỉ - Chủ nhân bức tượng vàng Oscar 2002 với những hình ảnh tuyệt vời trong Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Đài Loan Lý An.

Nếu như nội dung, hình ảnh hứa hẹn thỏa mãn khán giả phương Tây thì dàn diễn viên chính trong phim lại rất được lòng người xem phương Đông: nam diễn viên Hàn Quốc Jang Dong Gun, nữ ca sĩ kiêm diễn viên Hồng Kông Trương Bá Chi, nam diễn viên Trung Quốc Lưu Diệp… Ngoài ra, còn có siêu sao Nhật Bản Hiroyuki Sanada, Tạ Đình Phong, Trần Hồng (vợ Trần Khải Ca).

60 ngàn vé cho các buổi chiếu đầu tiên tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc ngày 15/12 đã được bán hết. Thường thì giá vé suất chiếu đầu tiên phim khác chỉ từ 70-100 nhân dân tệ nhưng với Vô cực là 120.

Sinh ngày 12/8/1952 trong một gia đình nghèo, cha là đạo diễn điện ảnh sống trong khu “tứ hợp viện” ở Bắc Kinh, 16 tuổi bắt đầu xa nhà mưu sinh, từng là cầu thủ bóng rổ, từng đi lính…  năm 1976 Trần Khải Ca vào Xưởng phim Bắc Kinh làm nhân viên tạp vụ phòng tráng phim.

1978, khóa học đầu tiên sau Cách mạng văn hóa của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh chiêu sinh. Mặc dù người cha hết lời khuyên can vì cho rằng nghề điện ảnh rất gian nan, chàng trai Trần Khải Ca, lúc ấy 26 tuổi, vẫn kiên quyết dự tuyển.

“Trình độ học vấn của tôi mới vừa hết lớp 10, chẳng có thời gian học toán-lý-hóa thì làm sao dám mơ ước vào Đại học Bắc Kinh, hay Đại học Thanh Hoa. Chỉ có Học viện Điện ảnh là không phải thi toán-lý-hóa. Tôi hỏi cha: nếu con không theo điện ảnh, cha có thể nuôi con suốt đời không? Ông im lặng, điều đó có nghĩa là đành chấp nhận chọn lựa của tôi”.

Tốt nghiệp năm 1982, năm sau Trần Khải Ca thực hiện phim đầu tay Hoàng thổ địa và thành danh. 20 năm qua, dù số đầu phim không nhiều, nhưng tác phẩm nào của ông cũng được chú ý. Trần Khải Ca đã bộc bạch về bộ phim mới của mình.

Ông muốn gửi gắm gì vào "Vô cực"?

Thú thật khi làm bất cứ việc gì, chẳng bao giờ tôi quan tâm tới động cơ. Bởi vậy, xin đừng gán ghép những vấn đề to tát. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: làm một bộ phim có thể kéo khán giả vào rạp, thế thôi.

Phim được chọn tranh giải Oscar 2006, ông có cảm tưởng thế nào?

Giải Oscar là mơ ước của tất cả những ai làm điện ảnh. Tuy nhiên, tôi nhớ có một nhà bác học đoạt giải Nobel từng nói: “Khi phát hiện ra một điều gì đó thì tôi thấy xúc động hơn lúc lên nhận giải thưởng”.

Điều đó có nghĩa bạn không thể biết trước một đứa bé lên 5 sau này lớn lên sẽ làm gì; hoặc khi trồng một cái cây, bạn sẽ không biết mai sau gỗ của nó dùng làm ghế hay tủ.

Có người bảo bộ phim này sẽ giúp vực dậy  Trần Khải Ca sau Kinh Kha thích Tần vương?

Tôi có bao giờ ngã đâu mà cần vực dậy? Tôi vẫn đang đứng đấy chứ!

"Vô cực" có phải  phim sử thi?

Tôi chưa bao giờ bảo rằng đó là phim sử thi hay đại loại như thế. Như đã nói, đó đơn giản là một tác phẩm làm ra vì công chúng.


Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm