Viết nhạc quảng cáo: Không dễ ăn !
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy từng từ chối đơn đặt hàng viết nhạc quảng cáo của một nhãn hiệu chỉ vì sản phẩm nhạy cảm. Người đặt hàng yêu cầu anh viết những câu nhạc mang tính khẩu hiệu rất phản cảm.
Nhạc quảng cáo thành ca khúc hit
Một thời gian dài, những ca khúc Đôi cánh thiên thần, Sóng tình, Khoảnh khắc mong chờ của Tuấn Khanh quảng cáo cho hãng xe hơi Vinastar (Mitsubishi) đứng trong top đầu của bảng xếp hạng những ca khúc được yêu thích. Nhóm MTV thể hiện ca khúc Sóng tình phát hành luôn album cùng tên và thắng lợi lớn.
Một ca khúc nổi đình đám trong thời gian gần đây cũng từ nhạc quảng cáo Áo trắng ngời sáng tương lai của Minh Khang quảng cáo cho bột giặc Omo. Sau một thời gian hát quảng cáo cho sản phẩm Omo, nhóm Mắt Ngọc đã chọn luôn ca khúc này làm bài hát đinh mỗi khi xuất hiện trên sân khấu hay đài truyền hình. Tiếp sau đó, các ca sĩ Minh Quân, Ưng Hoàng Phúc cũng chọn ca khúc này để thể hiện.
Nhạc sĩ Minh Khang không nghĩ ca khúc của anh lại được phổ biến rộng rãi như hiện nay. Anh cho biết: “Do viết quảng cáo cho sản phẩm Omo, tôi chỉ dựa vào những ý tưởng quảng bá của sản phẩm này để viết ra Áo trắng ngời sáng tương lai. Thậm chí ca khúc này tôi chỉ mất một giờ đồng hồ để hoàn thành. Bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ, ca khúc này lại được yêu thích như thế”.
Ca khúc Tóc hát (Võ Thiện Thanh) quảng cáo cho sản phẩm Dove lại có tác dụng đẩy tên tuổi một vài giọng ca mới. Khi được phát trên truyền hình, ca khúc Tóc hát chỉ mang giai điệu mà không có lời ca. Tuy nhiên, Dove lôi kéo khách hàng bằng chiêu thức tặng album Tóc hát với 3 giọng hát, 3 cách hát khác nhau của Đoan Trang, Hiền Thục, Hồ Ngọc Hà. Bài hát này nhanh chóng nổi tiếng.
Sau một vài lần được phát sóng trên đài truyền hình, ca khúc Vươn đến một ngôi sao Phương Uyên quảng cáo cho nhãn hiệu Kotex do một nhóm hát không có thật được hát nhép trên nền giọng hát của Phương Uyên. Ca khúc này được phát hành trong một album tổng hợp và nhanh chóng được nghêu ngao khắp nơi.
Nhạc quảng cáo phản cảm cũng không ít
Nhiều nhạc sĩ nói vui, bất cứ ai có tiền cũng có thể đặt viết nhạc quảng cáo cho nhãn hiệu của mình. Vì vậy, có những sản phẩm, nhãn hiệu rất nhạy cảm cũng có một ca khúc nhạc quảng cáo riêng. Điều này ít nhiều gây sự phản cảm cho người nghe. Đến siêu thị Coop-mart ở quận 6 (TP HCM), người tiêu dùng nghe một đoạn nhạc nhai đi nhai lại về việc thoải mái tiện lợi khi đến Coop-mart. Nhiều người tự hỏi, không viết nhạc sĩ nào đó lại có thể biết được đoạn nhạc quảng cáo buồn cười như vậy.
Giá nào cho một ca khúc quảng cáo ?
Giá của ca khúc quảng cáo tùy thuộc vào lượng ca khúc ấy dài bao nhiêu và tên tuổi của nhạc sĩ viết nhạc. Một ca khúc quảng cáo lưu động (thường được phát trong những đợt quảng cáo ở các khu vực) như ca khúc Áo trắng ngời sáng tương lai có giá thấp hơn ca khúc 30 giây thường được phát sóng trên đài truyền hình, trung bình từ 700 USD đến 1.000 USD. Đối với một ca khúc quảng cáo 30 giây, giá có thể lên đến 3.000 USD.
Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ cũng thừa nhận, viết được một ca khúc quảng cáo là rất khó. Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cho biết: “Nhạc quảng cáo có đặc thù là ngắn. Vì vậy, người viết nhạc phải nắm được yêu cầu của khách hàng để viết một đoạn nhạc vừa cô đọng vừa đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của khách. Đôi khi, nhạc sĩ phải biến nhạc quảng cáo thành slogan cho sản phẩm. Chính vì vậy, để lấy được 1.000-1.500 USD của khách hàng là không dễ ăn”.
Theo Người Lao Động