Vi Thùy Linh: "Tôi có cảm giác bị lợi dụng"

Cách đây chừng 5 năm, Vi Thùy Linh là một cái tên “nóng” trên văn đàn. Rất nhiều những ý kiến trái chiều, những cuộc bút chiến trên báo đã nổ ra xung quanh thơ của Vi Thuỳ Linh.

Linh khi ấy cũng sôi lên sùng sục. Phản ứng của một cô gái 20 tuổi. Và tôi đã e sợ rằng, những chuyện ồn ã ấy sẽ làm cho Linh không viết được nữa. Rồi lắng đi một thời gian. Những tập thơ của Linh lần lượt xuất hiện: Linh, Khát và mới đây là Đồng tử.

Mỗi lần xuất hiện, Linh đều khác. Và tôi thấy Linh ngày càng đằm hơn, chững chạc hơn. Nghe cô khoe: năm 2007, mình tiếp tục ra một tập thơ mới, sẽ thật là mới. Vậy là tôi hẹn gặp cô. Hẹn đi hẹn lại vài ba lần, rồi Linh cũng ào đến chỗ tôi, nói như bắn súng liên thanh, nói như lâu lắm mới được gặp người quen.

Câu chuyện lan man hết cả buổi sáng, hết cả buổi trưa. Trong câu chuyện tưởng chừng như bất tận ấy có cả tiếng cười, có những giây phút ưu tư và cả những lúc muốn ứa nước mắt...

Giờ đây khi nói về thơ trẻ cũng như bàn về những sự cách tân trong thơ trẻ hiện nay, Vi Thùy Linh luôn được nhắc đến như là một trong những đại diện tiêu biểu nhất, sớm nhất. Tuy nhiên sự “mở đầu” của bạn gây ra nhiều sóng gió cho chính tác giả...

Tôi cảm thấy tê tái. Tôi biết tất cả những người đi đầu bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi nên tôi không oán trách điều đó. Nhưng tôi buồn lòng về sự lảng tránh của các nhà phê bình.

Ngoài ra tôi thấy mình còn phải chịu gánh nặng cho rất nhiều người khác, để sau này những người như Đỗ Hoàng Diệu hay nhóm Ngựa trời - tác phẩm của họ có thể bị bài xích trong dư luận không chính thống chứ họ không bị “đòn” nặng và dai dẳng như tôi, để 5 năm trời tôi mới ra được tập thơ do trục trặc về giấy phép. Lý do chỉ bởi họ đã định kiến với tôi và có những kết luận sai lệch về tôi trong khi không đọc văn bản một cách công tâm.

Thơ của tôi là thơ hình ảnh. Và hoàn toàn trong sáng. Nhưng đã có những người ác ý bôi bẩn nó, gán cho nó những điều mà tôi không nghĩ để quy chụp nó là tục tĩu. Ví dụ như họ trích dẫn duy nhất một câu thơ của tôi “khỏa thân trong chăn” để bình phẩm theo chủ quan của mình.

Tôi cực lực phản đối việc cắt thơ ra khỏi văn bản. Tôi nghĩ việc phê bình thơ mà cắt thơ ra khỏi chỉnh thể của câu cũng như ý nghĩa của cả bài thơ rồi gán ghép cho nó những điều mà tác giả không nghĩ; suy diễn nó theo chủ quan của mình - đó là lối phê bình không thể chấp nhận được. Nguyên văn đoạn thơ của tôi là:

“Khỏa thân trong chăn thèm chồng

thèm có chồng ở bên

chỉ cần anh gối lên đùi

mình ôm lấy

anh ôm mình

biết sự bình yên của mặt đất

trong chăn những câu nói mê tỏa hơi nước

đầu rỗng

tôi tập chết

để biết mình anh”

Ý của tôi muốn nói là: khỏa thân để trở về sự bình yên, sự nguyên thủy nhất của mình. Tình yêu sẽ làm lắng lại tất cả mọi bạo động của mặt đất này. Nó cứu rỗi và nó thanh tẩy mình, vỗ về mình, nó giữ lại mình.

Thế nhưng tôi bị “phang” cho là nhục cảm và nhiều điều khác mà tôi không muốn nhắc lại nữa. Thế thì có công bằng không? Tôi phải nói rõ là tôi viết thơ về tình yêu với sự tôn vinh những vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tình yêu. Đầu tôi trong sáng và ngưỡng mộ vẻ đẹp đấy. Khát vọng trong thơ tôi là khát vọng của tình yêu và tự do. Yêu hết mình. Đốt cháy mình.

Sự “bạo dạn”, và cả những “phá phách” của các tác giả trẻ hiện nay thường được / bị  so sánh với Vi Thuỳ Linh...

Thú thực tôi có cảm giác mình đang bị lợi dụng. Bất cứ một ai ra sách, một cô gái trẻ nào mới ra sách là y như rằng trong trả lời phỏng vấn lại nói rằng họ đã vượt qua tôi. Đỗ Hoàng Diệu chẳng hạn. Cô ấy tuyên bố, bằng chuyện viết về tình dục, Đỗ Hoàng Diệu đã đưa tôi vào quá khứ.

Thứ nhất, tôi phải khẳng định là tôi không viết về tình dục, thứ hai là chẳng ai đưa được ai vào quá khứ, chỉ trừ chính mình. Nếu mà mình viết kém, mình cùn mòn đi, thì chính mình đang đưa mình vào quá khứ, tự mình loại thải mình.

Trong phê bình hay viết về ai đó, người ta cứ phải lôi tôi ra. Tôi bị lợi dụng như một cái mốc, một cái gì đó để người sau vượt qua, hoặc là cái cớ để người sau vin vào để so sánh. Thậm chí một số người còn coi đó là thủ thuật ngắn nhất để làm marketing. 

Công sức của tôi tận tụy 11 năm trong nghề đã quá bị lợi dụng. Tôi muốn việc này chấm dứt. Hãy chọn người khác để so sánh. Tôi coi thường những kẻ phải làm “thương binh” - nghĩa là phải vịn vào người khác, vào thơ của người khác để tiến thân.

Tôi nghĩ: trong tâm can và trong hành động, người cầm bút cần phải tử tế. Khi có sự tử tế, trong sáng và trung thực cộng với thực tài thì mọi thứ sẽ đến. Còn đầu óc chỉ cứ suy nghĩ làm thế nào để mình nổi tiếng, sống xu thời, tư duy nông choèn, không sâu sắc - thì những gì anh viết chỉ là váng mỡ.

Với bạn, mỗi khi ngồi trước trang giấy, đối diện với thơ là...

Tôi không muốn dùng những chữ như là "sa mạc trắng", "pháp trường trắng". Khi 15 tuổi, thơ tìm đến với tôi. Tôi chả học ai cả, cứ tự nhiên viết. Trong nghệ thuật tôi không có thần tượng, chỉ có những người tôi yêu thích và nể phục, ngưỡng mộ; ví dụ như nhà thơ Dương Tường, hay bố tôi... Và khi viết tôi không bị ảnh hưởng của ai.

Tôi chỉ tâm niệm mình phải làm một cái gì đó khác lạ  - không phải mình khác với cá nhân mình mà bởi vì trong người mình, mình biết có một nhiệt lượng rất dồi dào, phong phú. Mình hãy khai thác nó ra, bộc lộ nó một cách khác lạ bởi vì mình không giống đám đông quanh mình, mình cảm nhận được điều đó và mình hãy viết nó ra.

Đó là về mặt tình cảm. Còn về ý thức: đã viết là phải viết khác với người khác hoặc là người khác muốn cũng không viết được vì trong mình có một nội lực mạnh mẽ và thành thật. Điều ấy càng nhân lên theo thời gian và càng ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt là bây giờ mình đã có một lượng công chúng nhất định, đã có một thương hiệu - đối với tôi điều này là một thách thức, một hà khắc với chính mình.

Một  khó khăn mà tôi tự đặt ra cho mình là luôn tìm những chữ lạ, tít lạ. Bởi tôi nghĩ rằng nghệ sĩ là người sáng tạo cái đẹp. Nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống nhưng không phải là bê nguyên cuộc sống. Bây giờ có xu hướng thô ráp, bê nguyên cuộc sống, thậm chí là những câu chửi bậy.

Tất nhiên nếu nhân vật trong hoàn cảnh ấy cần phải chửi bậy thì mình buộc phải dùng câu chửi bậy (nếu là viết văn xuôi), nhưng chửi bậy phải hướng đến mục đích gì, chứ không phải đưa ra một hiện trường ngổn ngang của tình trạng “những phụ khoa, sinh lý”. Nghệ thuật là phải sáng tạo và đưa ra được cái mới. Bản chất cuối cùng là cái đẹp.

Bạn thử cho một ví dụ chứng tỏ rằng Linh khác những người viết khác, một cách nói mà chưa ai nói cả?

Ví dụ tôi viết “cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh ...”. Hay tôi sẽ không giống như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “giấu chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm”. Tôi sẽ lao ngay sang nhà người mà mình yêu, sẽ hôn anh ấy. Tôi quý thời gian. Mà thời gian lại không còn nhiều cho chúng tôi vì ngày mai anh ấy lên đường ra trận rồi.

Vâng, một Vi Thuỳ Linh rất cá tính. Trong một bài viết mới đây có nhan đề Thơ hậu đổi mới, và... đang khủng hoảng, nhà thơ Inrasara có nói đại ý rằng, hiện nay chúng ta đang khủng hoảng thừa những tác giả sáng tác theo truyền thống và khủng hoảng thiếu những tác giả theo đuổi dòng cách tân đơn lẻ (nguyên văn: “các nỗ lực đơn lẻ này không thể tạo nổi cuộc thay đổi lớn. Đơn lẻ và tản mạn, nó tạo cho người đọc cảm giác thơ hậu đổi mới đang khủng hoảng thiếu”). Tôi muốn nghe ý kiến của bạn về vấn đề này?

Tôi đồng tình với nhận xét này. Ai đó đã từng trào lộng nói rằng: cả nước làm thơ (bây giờ là cả nước làm nhạc sĩ và ca sĩ!). Nhưng chúng ta còn quá ít những người đủ bản lĩnh để dám mới, đi theo cái mới. Vấn đề là tài năng và bản lĩnh.

Ngoài ra những người viết theo lối cũ còn được hậu thuẫn bởi một lực lượng phê bình cánh hậu và những độc giả quen đọc theo thói quen, quen tư duy và tiếp nhận tác phẩm theo một lối đã quen. Và những người ấy o bế ủng hộ cho những cái cũ, làm cho những người cũ nghĩ rằng: ai mới cứ việc mới, mình cứ cũ đi bởi mình vẫn có độc giả của mình.

Ở đây còn phải kể đến một phần lỗi của các nhà xuất bản: họ có thể cấp phép hết sức thoải mái cho những tập thơ vô thưởng vô phạt, nhưng với những người như tôi họ đọc rất kĩ, đọc rất lâu, đặt lên đặt xuống, bắt chữa rất kĩ.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh có nói đại ý rằng: muốn biết ai đó có cần cho nền văn học hay không thử tưởng tượng thiếu đi người đó thì sẽ ảnh hưởng đến nền văn học như thế nào. Chúng ta rất nên suy nghĩ về điều này.

Sau một khoảng thời gian khá “yên ắng”, thay đổi lớn nhất của Vi Thuỳ Linh bây giờ là...

Là thích và biết im lặng. Tôi ý thức được rằng: mình trở về đúng là mình. Ví như ngày xưa tôi thích đeo khuyên tai, khuyên mũi, nhưng bây giờ tôi không đeo nữa, không phải vì sợ ai chê trách, bình phẩm, mà tự thấy mình trở về đúng là mình. Trước đây tôi như cái cây đang lớn, thích ăn mặc quậy. Giờ: thích thật là nữ tính - và tự nhận thấy đây đúng là Vi Thùy Linh.

Biết im lặng là: trước đây ai đó nói sai bịa đặt về mình mình rất tức giận, bực. Bây giờ tôi nhận thấy rằng: nhân cách và tài năng theo thời gian sẽ được khẳng định, không một sự hoen ố nào có thể làm ô danh.

Thỉnh thoảng tôi lại thay sim điện thọai, tự cho mình được biến mất, thanh lọc được các mối quan hệ. Trong sự im lặng mình chăm sóc được nhiều cho người thân của mình và viết được nhiều hơn.

Tôi được biết bạn đang chuẩn bị ra mắt tập thơ mới?

Tôi ra sách không phải là đến hẹn lại lên, càng không phải sợ độc giả quên mình. Tôi kính trọng độc giả, và cảm thấy trách nhiệm của mình trước độc giả. Tập thơ mới này của tôi đem lại cho tôi rất nhiều hứng khởi. Nó được viết trong một tâm trạng khi yêu. Trong tâm trạng tình yêu - khi yêu - đang yêu, tôi nhạy cảm hơn với các sự vật xung quanh, bởi vậy biên độ thơ vốn đã được mở rộng tiếp tục được mở rộng hơn so với LinhKhát.

Nó là một tập thơ về tình yêu nhưng không chỉ tình yêu lứa đôi. Nhân vật của tôi trong tập này còn là những cái cây, những con vật... các nhân vật rộng ra chứ không chỉ là cái Tôi của một cô gái hay cái Tôi của một người đàn ông.

Điều quan trọng mà tôi muốn dành tặng độc giả ở tập sách này là thi pháp mới hơn, dung lượng nặng hơn. Đồng tử đã khó đọc nhưng tập thơ này đọc còn “mệt” hơn. Sẽ là một Vi Thùy Linh lạ hơn. Tôi muốn như một câu thơ tôi từng viết “lần nào đến cũng mang theo bí mật” - tôi sẽ phải làm cái gì đó để không phụ lòng độc giả.

Còn chuyện bán xe để in thơ, thực hư thế nào vậy?

Quả là tôi đã từng bán đi một chiếc xe máy và phải nợ tiền khi in những tập thơ trước. Đến tập thơ sắp tới này, tôi còn phải xem mình có xin được tài trợ không đã. Nếu bán xe bây giờ thì cũng kẹt vì tôi chẳng biết đi bằng gì. (cười)

Bạn là người rất có khả năng và rất chịu khó tiếp thị thơ mình?

 Vâng, PR cũng là một khả năng của tôi. Tiếp thị thơ hay tiếp thị để xin tài trợ cho thơ chẳng có gì là xấu cả, miễn là mình trung thực với chất lượng của chính mình. Những tác giả trẻ cũng cần phải sống chứ. Bằng việc tiếp thị, công chúng sẽ biết đến họ nhiều hơn, và khi đã biết đến nhiều hơn - trong đó có cả các doanh nghiệp - thì họ sẽ tham gia đầu tư cho những người cầm bút.

Phải biến văn học thành một nhu cầu, thậm chí tên nhà văn như tên một thương hiệu quảng cáo cho sản phẩm. Ví dụ tên của tôi có thể quảng cáo cho công ty Hitech. Hitech đã tài trợ cho cuốn sách của Vi Thùy Linh, như 1 sự tương hỗ cho văn học trở nên sống động và đi vào đời sống. Khuyếch trương thương hiệu của nhà thơ để công chúng số đông chú ý đến văn học.

Đã hết rồi thời hữu xạ tự nhiên hương. Trong một thời buổi bùng nổ của Internet, của truyền hình cáp, của telephone... thì không thể im lặng. Chỉ im lặng chỉ khi làm việc thôi - còn khi ra sách thì không thể im lặng được, nếu không ai biết đấy là ai. Miễn là mình đừng có viết dở mà nói là hay.

Nếu bản thân người viết không lên tiếng về cuốn sách của mình, rằng tôi viết hay như thế này đây thì làm sao người khác biết được. Trong khi hàng rởm hàng giả quá nhiều, sự lập lờ đánh lận con đen làm cho nhiều người lao động nghiêm túc bị oan.

Cần phải cổ động và nhìn nhận công bằng về tiếp thị văn học. Ngoài ra bây giờ còn cần tổ chức các đêm thơ, những dạ hội thơ hay là các hoạt động đưa văn học vào đời sống, ví dụ như VTV đang làm rất tốt chương trình Mỗi ngày 1 cuốn sách để duy trì văn hóa đọc, tạo ra cộng đồng văn hóa đọc.

Nhưng đấy chỉ là một kênh, không thể trút tất cả vào VTV được, mà phải cần những cách thức khác. Tất nhiên về phía chúng ta, trước tiên chúng ta phải viết hay cái đã, sau đó cũng cần sự tương hỗ.

Thực tế cho thấy, các ngôi sao ca nhạc, không cần phải tuyệt đỉnh gì lắm nhưng họ có cả một công nghệ lăng xê. Mỗi người chỉ cần tò mò, quan tâm một chút, thế là tạo nên hiệu ứng dây chuyền.

Có người lo ngại rằng: công chúng hiện nay đang quay lưng lại với thơ...

Tôi không hề lo ngại điều ấy. Công chúng vẫn quan tâm đến văn chương. Họ vẫn bàn luận, bình luận văn chương. Tuy nhiên vì không có sự phân định của các nhà phê bình nên nhiều khi thơ tôi bị đánh đồng một giuộc với thể loại thơ tình dục. Họ nhìn về thơ trẻ như một cái đám chứ không phải là một lực lượng. Đám của những đứa nổi loạn, viết nhăng cuội, viết gây hấn.

Viết về tình dục có vẻ như là một thứ mốt thời thượng của một số tác giả trẻ hiện nay...

Có thể những tác giả này nghĩ rằng Việt Nam là nước Phương Đông nên nói về tình dục dễ gây chú ý nhất nên họ thích chọn đề tài này. Tuy nhiên cách thức khai thác đề tài của một số tác giả trẻ phải nói rằng hơi "bẩn", hơi "mất vệ sinh". Với tư cách là một nhà thơ, tôi từ chối gọi đó là thơ.

Mỗi người viết chúng ta đều có mong muốn tác phẩm của mình có nhiều điều kiện tiếp cận gần gũi với công chúng hơn. Cách thức tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người nhưng tôi tin những tác phẩm văn học chân chính bằng cách này hay cách khác sẽ  luôn được người đọc kiếm tìm và trân trọng. Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này.

Theo Phong Điệp
Văn Nghệ Trẻ