Vì sao trống cơm, đàn bầu gây sốt ở show "Anh trai vượt ngàn chông gai"?
(Dân trí) - Phần biểu diễn "Trống cơm" hiện đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem, lọt Top 1 trong số các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube và trở thành hiện tượng của show "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Trống cơm, đàn bầu gây sốt trên sóng truyền hình
Trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai với chủ đề Người thiếu niên thuở nào phát sóng trên VTV mới đây, các "anh tài" thuộc hai thế hệ là NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã có màn biểu diễn Trống cơm gây ấn tượng với khán giả.
Ca khúc quen thuộc của dân gian Việt Nam với giai điệu được phối mới kết hợp với đó là yếu tố truyền thống như điệu hò của dân ca Bắc Bộ, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu.
Trên các kênh mạng xã hội, video tiết mục Trống cơm cũng được chia sẻ rầm rộ và nhận được sự tán thưởng của khán giả.
"Tiết mục truyền tải về lịch sử, văn hóa một cách dễ thấm, dễ hình dung nhất tới các bạn trẻ hay những ai chưa cảm nhận hết lịch sử, văn hóa Việt Nam"; "Nhờ những tiết mục như thế này, người trẻ như mình mới cảm thấy yêu mến hơn dòng chảy lịch sử, văn hóa của cha ông ta";
"Trống cơm xứng đáng là một minh chứng cho việc âm nhạc dân gian vẫn có thể thu hút giới trẻ. Thậm chí khi đứng cạnh những tiết tấu, nhạc cụ hiện đại, trống vẫn nổi bật thậm chí là tỏa sáng trong tiết mục này"; "Bài Trống cơm bùng nổ, sáng tạo, vừa cổ truyền vừa hiện đại, tạo ấn tượng từ phần giai điệu đến trình diễn"... là một số bình luận của cộng đồng mạng.
Vậy điều gì khiến một giai điệu dân gian quen thuộc được trình diễn trên sân khấu hiện đại, trong một show giải trí lại "gây bão", trở thành hiện tượng như thế?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là đạo diễn truyền hình Ngô Hương Giang bày tỏ rằng, đã rất lâu rồi, Trống cơm mới có dịp được hồi sinh và mang một đời sống tinh thần mới lạ như trên sân khấu của Anh trai vượt ngàn chông gai.
Chuyên gia cho rằng, tiết mục Trống cơm tạo hiệu ứng tích cực và viral (lan tỏa) những ngày qua. Đầu tiên, phải kể đến sự phá cách của bản mashup (sự kết hợp) Trống cơm giữa phần lời mới với phần luyến láy mang âm hưởng chèo cổ và điệu hò của dân ca Bắc Bộ được NSND Tự Long "gánh âm".
Đặc biệt là quãng nghỉ được đệm rap bởi Cường Seven, tiếng trống cơm của "anh tài" Tự Long và tiếng đàn bầu của Soobin Hoàng Sơn.
"Tất cả tạo nên cảm xúc đa diện của một ca khúc mang đậm âm hưởng tinh thần văn hóa vùng miền Việt Nam, với tiết tấu vừa nhanh vừa chậm, vừa cao trào lại vừa như tiếng ru nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ qua lời rap lại vừa uyển chuyển mộc mạc như lời ca, câu hò.
Cảm xúc âm nhạc này không phải ca sĩ hay nhạc sĩ nào cũng có thể thể hiện được. Đó là sự phối hợp một cách tinh tế, chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các khớp nối của nhạc và lời", nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói.
Theo đạo diễn Giải mã văn hóa - chương trình từng phát sóng trên VTV - một yếu tố khác khiến tiết mục Trống cơm "bùng nổ" đó là sân khấu, vũ đạo dường như muốn đẩy bài hát lên tới đỉnh điểm của cảm xúc.
Các nghệ sĩ múa không chỉ đơn thuần là mô tả, minh họa cho lời hát mà còn tạo hiệu ứng động như làn sóng đẩy thuyền cho các ca sĩ biểu diễn thăng hoa nhất có thể.
"Sự viral của ca khúc có được cũng vì chương trình này nói chung và phần thể hiện ca khúc Trống cơm nói riêng đều do những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn.
Bản thân những ca/nghệ sĩ nổi tiếng ấy đã là một "màu sắc riêng" vốn rất viral rồi. Khi những sắc màu viral ấy được kết hợp lại trên sân khấu chung, hiển nhiên sẽ tạo ra một bức tranh âm nhạc viral hoàn chỉnh", anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho hay, tiết mục Trống cơm hot như vậy một phần cũng nhờ sức hút từ chính chương trình này đối với khán giả ở mọi lứa tuổi. Mặt khác, tiết mục được thể hiện bởi những nghệ sĩ được số đông quan tâm hiện nay, vì vậy, cũng được đón nhận nhiều hơn.
"Và hơn hết, để tạo nên sự viral mạnh mẽ và hiệu ứng tích cực của tiết mục đó chính là các nghệ sĩ đã có cách lan tỏa văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ hiện đại - ngôn ngữ của giới trẻ.
Điều đó rất quan trọng vì nó mở ra cho chúng ta niềm hi vọng, tự tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn được những giá trị chúng ta có, những giá trị văn hóa dân tộc, cổ truyền, những giá trị xưa cũ.
Và sự thành công của Trống cơm hoàn toàn không phải là sự ăn may", chuyên gia nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Thụy Kha - nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc - cũng bày tỏ sự thích thú về tiết mục Trống cơm của các "anh tài" trong show Anh trai vượt ngàn chông gai.
Theo ông, trống cơm là loại nhạc cụ đã có từ lâu đời, cái tên trống cơm bắt nguồn từ hành động định âm bằng cách lấy cơm nếp xoa vào hai mặt trống.
Trước kia, ông cha sử dụng trống cơm chủ yếu ở vùng Kinh Bắc, với làn điệu vui vẻ, cùng những lời hát đùa cợt cho những ngày đi làm về, lễ hội, nghỉ ngơi của người dân.
"Làn điệu dân ca này từ lâu đã mang đậm văn hóa dân tộc, gắn chặt với đời sống hằng ngày, in sâu trong tiềm thức văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ bao đời.
Và khi nó được vang lên trên một sân khấu hiện đại với cách thể hiện mới mẻ, ngôn ngữ trẻ trung nhưng không làm mất đi giá trị dân tộc và bản sắc của ca khúc thì được đón nhận, yêu mến và lan tỏa cũng là điều dễ hiểu", nhạc sĩ Thụy Kha nói.
Khi văn hóa dân tộc "len lỏi" trong giới trẻ và các show giải trí
Với bản hòa tấu mới mẻ của Trống cơm, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang bày tỏ, yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống lại một lần nữa được sống dậy trong tinh thần hiện đại qua thế hệ nghệ sĩ mới với sự pha trộn của công nghệ xen lẫn âm hưởng dân ca mộc mạc quen thuộc.
"Tất cả tạo nên một bức tranh âm nhạc nhiều màu sắc, phản ánh tinh thần "ôn cố tri tân" - làm mới nghệ thuật trên nền của di sản quá khứ. Đồng thời truyền đi thông điệp: Giữa thế hệ nghệ sĩ trẻ và nghệ sĩ gạo cội dường như không tồn tại rào cản nào khi đứng trước các giá trị văn hóa dân tộc", anh cho hay.
Trước Trống cơm thì màn hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu của Hoài Lâm trong liveshow 11 của chương trình Gương mặt thân quen, diễn ra cách đây 10 năm (tối 7/6/2014) cũng từng khiến khán giả thích thú. Hình ảnh chàng trai nhuộm răng đen, mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ và kéo nhị hát Xẩm thập ân từng khiến các giám khảo hết lời khen.
Yếu tố từ văn hóa truyền thống cũng đã trở thành xu hướng của các ca sĩ trẻ lựa chọn trong các sản phẩm âm nhạc của mình. Đó là Tứ phủ, Bánh trôi nước và Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy với Thị Mầu, Chi Pu với MV Cung đàn vỡ đôi.
Nữ ca sĩ Bích Phương trước đó cũng từng dành tâm sức cho dự án Việt Nam - Việt Nam gồm chuỗi 3 ca khúc mang âm hưởng nhạc dân tộc kết hợp với các xu hướng âm nhạc của thế giới hiện nay như Tropical house hay Future bass.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy không chỉ là câu chuyện của âm nhạc.
"Đó là những giá trị thật, những "hồn cốt của đất nước" được lan tỏa xuất phát từ niềm yêu thích chứ không đơn thuần chỉ là trách nhiệm", ông Long nói.
Nói về việc các chương trình truyền hình, show giải trí hiện nay quan tâm nhiều đến việc lan tỏa văn hóa dân tộc, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định: "Nếu khoa học cho chúng ta nền tảng để tìm hiểu sâu về các tầng lớp của văn hóa Việt Nam thì truyền hình cho bạn con đường để đưa những tầng lớp văn hóa ấy đến với công chúng một cách ngắn nhất, hiệu quả nhất.
Đồng thời, chúng ta dễ dàng thể hiện bản sắc cá nhân qua các tác phẩm truyền hình có dấu ấn văn hóa".
Còn chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, thị hiếu của khán giả bây giờ đã thay đổi và văn minh hơn rất nhiều. Ông Long chia sẻ thêm: "Công chúng và người xem hiện nay luôn có sự tẩy chay trước "văn hóa bẩn, văn hóa độc hại", không còn quan tâm những drama (tình huống kịch tính), chiêu trò nữa. Đó là điều tốt đẹp và cũng chính điều đó đã tác động đến cách làm chương trình của các đơn vị sản xuất".
Nhạc sĩ Thụy Kha cũng mong muốn những nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo thêm những màn trình diễn mang đậm văn hóa lịch sử dân tộc. "Những giá trị văn hóa rất quan trọng. Bởi nếu chúng ta phủi nó đi, không gìn giữ cẩn thận thì tất cả sẽ dễ dàng mất đi…", ông nói.