Vân Dung mong Tết mang no đủ đến cho người nghèo

(Dân trí) - “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo Hà Nội. Thuở nhỏ đã từng đi gánh nước, khâu khuy áo, đóng gói lạc rang… giúp gia đình thêm thu nhập. Tôi hiểu Tết với người nghèo là thế nào. Tôi mong Tết sẽ mang no đủ tới mỗi cảnh đời nghèo khó”- Vân Dung nói.

Vân Dung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ đều theo nghệ thuật múa. Ít ai ngờ rằng, đằng sau gương mặt lúc nào cũng ẩn giấu những nụ cười, đằng sau những tiếng cười rộn ràng sân khấu, đằng sau một Vân Dung lạc quan, yêu đời là một thời ấu thơ cực nhọc.

Gia đình viên chức, lại theo ngạch nghệ thuật những năm trước đổi mới rơi vào nghèo túng, đói kém. Nhà có hai chị em, hai chị em Vân Dung đi chung một đôi dép. Cả nhà ngủ chung trên một chiếc giường. Và cả căn hộ chỉ rộng vỏn vẹn… 8m2. Vân Dung vẫn nhớ, ngôi nhà ấy nằm ở 148 Quán Thánh. Nhà nghèo, chị em Vân Dung phải lao động từ rất sớm.

10 tuổi cô bé Vân Dung gầy gò đã bắt đầu phải khâu quần áo, gánh nước, rồi rang lạc đóng gói, thêu thuê… để kiếm tiền phụ thêm bố mẹ. Hai chị em lúc nào cũng đói. Làm việc không ngơi tay. Vân Dung kể chuyện ngày nhỏ gầy gò gánh nước hai cây số, đêm nằm đợi hứng nước mưa mà tiếng cười vẫn rộn rã. Gia đình thuyên chuyển liên tục theo công việc của bố mẹ, khi thì lên Sơn La, khi xuống Thái Nguyên rồi vòng về Hà Nội.

Có một khoảng thời gian, bố mẹ gửi Vân Dung về ở với ông bà. Bà không bao giờ cho Dung đi chơi. Suốt ngày phải ở nhà. Buồn quá, Dung tìm cách ra ngoài. Chiều chiều bé Vân Dung xung phong đi đổ rác giúp bà.
 
Người ta đi đổ rác mất mấy phút, Vân Dung đi đổ rác thường mất… hai tiếng đồng hồ. Cô bé ở trong nhà cả ngày, nên giờ đi đổ rác là giây phút được tự do duy nhất. Nhưng niềm vui tự do chỉ gói gọn dưới gốc cây sấu già. Vân Dung tha thẩn đứng dưới gốc cây sấu chơi một mình.

Có một lần, Vân Dung quyết tâm đi bộ thêm chút nữa, xa hơn cây sâu già, để đến gần lăng Bác Hồ xem. Lăng Bác trong mắt cô bé Vân Dung ngày ấy là cả một kỳ quan kỳ diệu. Vân Dung ngẩn người đứng ngắm lăng, đến khi sực nhớ ra phải về nhà, thì quên mất đường về. Vân Dung vừa khóc vừa lang thang hỏi đường về nhà…
 
Vân Dung mong Tết mang no đủ đến cho người nghèo - 1

Vân Dung trong một cảnh quay Những người độc thân vui vẻ.

Năm Vân Dung 16 tuổi, bố mẹ thưởng cho Dung một chiếc xe đạp phượng hoàng khi cô thi đỗ vào học khoá diễn viên của nhà hát Tuổi trẻ. Vân Dung đã định theo nghiệp múa, nhưng bố mẹ không cho vì nghề múa quá nghèo.

Cảm giác ngày đầu tiên được đi xe phượng hoàng, mà lại đi một mình, sung sướng tới mức không thể miêu tả bằng lời. Chỉ cần nhắc lại, Vân Dung vẫn thấy lòng mình phơi phới như thế, vui sướng như thế, vẫn giữ nguyên cảm xúc ngày hôm ấy đến tận bây giờ. Trước đó, cả nhà Vân Dung chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng duy nhất và bốn người trong gia đình cùng đi chung. Đến tận năm 2000, gia đình Vân Dung mới đỡ vất vả.

Trước khi là một diễn viên hài, Vân Dung đã làm không biết bao nhiêu nghề để thêm thu nhập cho gia đình, từ rang lạc đóng gói đến thuê thùa, may khuya áo thuê, đến trang điểm cô dâu…

Bây giờ, cuộc sống đã khá hơn nhiều, Vân Dung đã sắm ôtô riêng đi làm, thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc, đời sống no đủ, nhưng những kỷ niệm nghèo khó ngày xưa chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức. Vân Dung nói, chính những ngày vất vả ấy đã tôi luyện cho cô sự mạnh mẽ, quyết đoán, nghị lực. Vân Dung sống lạc quan và luôn tin rằng, mọi sự cố gắng, mọi sự vượt khó đều được đền bù xứng đáng với bất kỳ ai biết nỗ lực.

Tết đã cận kề. Là người thấu hiểu cái Tết của những người nghèo, Vân Dung mong sao Tết về sẽ mang theo no đủ đến cho những cảnh đời nghèo khó.

Một năm mới đang đến rất gần rồi.

L.L