1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang

(Dân trí) - Ngày 5/4 (tức ngày 15 tháng Ba âm lịch), tại phường Đình Bảng -TX Từ Sơn - Bắc Ninh, lễ hội đền Đô, kỷ niệm 1002 năm ngày vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn đăng quang ngôi vị Hoàng đế đã được tổ chức long trọng.

Diễn ra từ ngày 4- 6/4 (tức 14 -16/3 Âm lịch), lễ hội Đền Đô thu hút hàng vạn du khách thập phương cùng hậu duệ nhà Lý ở trong và ngoài nước trở về tham dự. Lễ hội Đền Đô là một nét đẹp văn hóa truyền thống trong tâm thức triệu người dân Việt Nam.

Cũng như mọi năm, Lễ hội Đền Đô 2012 tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội nhất tâm thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với 8 vị anh quân Lý Triều và cũng để cầu mong một năm an lành. Mặt khác, đây còn là dịp để tưởng nhớ công ơn vua Lý Công Uẩn đã khai mở vương triều Lý, phát triển nền văn minh Đại Việt. Đồng thời, Lễ hội còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn tổ tiên, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và truyền thống quý báu của con dân đất Việt ngàn đời nay.

Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang
Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang
Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Phần lễ được bắt đầu với nghi thức rước mang đậm nét truyền thống từ chùa Ứng Thiên Tâm về Đền Đô với 1 long đình, 1 kiệu mẫu và 9 kiệu vua cùng hơn 2000 người tham gia với hàng trăm đoàn đại biểu. Nghi thức rước được thực hiện theo nghi thức cổ, tất cả những người trực tiếp tham gia đoàn rước đều mặc trang phục cổ. Ngoài nghi thức rước còn diễn ra các hoạt động tế lễ trước cửa đền.

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao phong phú như hát quan họ trên thuỷ đình, đấu vật, cờ tướng, cờ người, thả chim bồ câu, thi đấu bóng chuyền, cầu lông, thi nấu cơm niêu đất, giao lưu thơ, gói bánh phu thê, thể dục dưỡng sinh… Ngoài ra, Lễ hội năm nay còn có các hoạt động khác phục vụ du khách như triền lãm, hội chợ kinh tế và thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, truyền thống vào các tối ngày 04, 05, 06/4.

Đền Đô, còn được biết đến với cái tên Cổ Pháp Điện, đền Lý Bát Đế, được xây dựng từ thế kỷ XI trên nền đất vua Lý Công Uẩn đăng quang khi xưa. Năm 1010, Vua lại trở về mảnh đất này, dừng thuyền rồng đi thăm các bậc kỳ lão, lăng Thái Hậu… Tại đây, dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà đón vua. Đến năm 1028, vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua Cha.

Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang
Phần lễ được tố chức trang trọng tái hiện những thời khắc hào hùng của dân tộc.

Cũng từ đây, đền Đô trở thành nơi thờ tự các vị vua Lý Triều sau khi băng hà. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt, Đền được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu "Nội công ngoại quốc", xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên. Chẳng thế mà người xưa đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của Đền Đô.

Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Lễ Hội Đền Đô 2012, nhân kỷ niệm 1002 năm ngày đức vua Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 năm Canh Tuất - 15/3 Nhâm Thìn) từ ngày 2/4 đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Hội sinh vật cảnh. Trọng tâm của Lễ hội là đoàn rước 9 vua chiều ngày 14/3 AL từ Đền Đô ra chùa Dận và để rước Lý Thánh Mẫu từ chùa Dận về lại Đền Đô dự lễ, dự ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang vào sáng hôm sau (tức 15/3 AL).

 

Tưng bừng lễ hội đền Đô kỷ niệm 1002 năm vua Lý Thái Tổ đăng quang
Phần hội năm nay cũng được tổ chức với các hoạt động mang đậm tính chất dân gian, với các trò chơi truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo ông Nguyễn Thế Phú, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Đền Đô, lễ rước kiệu 8 vua từ Đền Đô và 1 vua từ Đền Rồng ra chùa Cổ Pháp mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và thể hiện rõ nét đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của con dân Việt Nam. 9 người con sẽ đón Mẹ về trong ngày hội chính. Tất cả các nghi thức trên đều được thực hiện theo nghi lễ cổ từ xưa tryền lại. Bên cạnh phần lễ, phần hội năm nay cũng được tổ chức với các hoạt động mang đậm tính chất dân gian, với các trò chơi truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc như: vật, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm, đập niêu, thi nấu cơm niêu đất…

Đại diện Ban tổ chức Lễ hội năm nay cho biết, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Đền Đô 2012 đã được tiến hành từ lâu. Dự kiến, chi phí tổ chức lễ hội sẽ vào khoảng trên 850 triệu đồng, số tiền này được lấy từ nguồn vốn xã hội hóa với sự đóng góp của nhân dân địa phương, du khách thập phương và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Ngoài ra, lễ hội năm nay còn có sự tham gia của nhiều địa phương lân cận vào phần rước lễ và các trò chơi dân gian, khiến Lễ hội càng thêm sinh động.

Nhằm đảm bảo cho Lễ hội diễn ra an toàn và thành công, công tác an ninh trật tự cũng được BTC đặc biệt chú trọng. Hơn 100 chiến sỹ trực thuộc lực lượng công an, dân quân tự vệ đã được huy động từ tỉnh, huyện, xã, phường tham gia duy trì an ninh và bảo vệ trị an lễ hội. Lực lượng này sẽ hoạt động 24/24 trong tất cả các ngày diễn ra lễ hội. 

Đoàn Thế Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm