Tục cúng trời và cúng gia tiên trong đêm Giao thừa của người Việt

Tô Sa

(Dân trí) - "Việc cúng giao thừa theo tín ngưỡng dân gian có hai lễ: lễ cúng Giao thừa, còn gọi là cúng trời và lễ cúng gia tiên trong nhà sau Giao thừa. Hiện nay người ta có thể gộp hai lễ thành một".

Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được nhận xét là tựa sách giàu giá trị, phù hợp cho dịp Tết cổ truyền.

Cuốn sách đào sâu vào các phong tục, tập tục thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người Việt, giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một.

Các phong tục dịp Tết được tác giả dành phần lớn cuốn sách để nghiên cứu và phân tích, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương.

Tục thờ kính tổ tiên ngày Tết

Tục thờ kính tổ tiên ngày Tết của người Việt không rõ có tự bao giờ nhưng qua Truyện bánh chưng (Chưng bính truyện) trong sách Lĩnh Nam Chích Quái thì tục thờ kính tổ tiên ngày Tết ít nhất có từ đời vua Hùng thứ VI:

"Đúng kỳ, Vua lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh giầy.

Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được.

Vua khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất. Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là Tết Liệu".

Tục cúng trời và cúng gia tiên trong đêm Giao thừa của người Việt - 1

Bìa sách "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam" (Ảnh: NXB Trẻ).

Từ ngày 23 Tết cho đến sáng 30 Tết, con cháu tề tựu về gia đình và chia nhau quét dọn mồ mả, chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, để trưa 30 Tết thắp nhang mời vong linh tổ tiên về ăn tết với con cháu.

Việc dọn dẹp mồ mả phải được chuẩn bị trước trưa 30 Tết, vì trong ba ngày Tết sẽ mắc vào những điều kiêng cữ. 

Mồng một Tết là ngày con cháu cúng tổ tiên đầu năm. Trên bàn thờ tổ tiên của người Việt ngày Tết thường có trưng bày mâm ngũ quả. Ba miền Bắc, Trung, Nam có cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường được bày biện theo triết lý ngũ hành với ngũ sắc: trái cây màu trắng thuộc hành Kim (trái lê, trái roi), trái cây màu xanh thuộc hành Mộc (nải chuối), trái cây màu đen thuộc hành Thủy (mận, nho), trái cây màu đỏ thuộc hành Hỏa (dưa hấu, hồng, quýt), trái cây màu vàng thuộc hành Thổ (bưởi, cam, quất, phật thủ).

Mâm ngũ quả miền Trung thường được chọn tự nhiên, như: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, cam, quất, quýt, thơm.

Mâm ngũ quả miền Nam thường được chọn với mong muốn "cầu sung vừa đủ xài": trái mãng cầu, trái dừa (âm "vừa" theo phương ngữ Nam Bộ), trái đu đủ, trái xoài (âm "xài" theo phương ngữ Nam Bộ).

Tục cúng trời và cúng gia tiên trong đêm Giao thừa của người Việt - 2

Gia đình người Việt quây quần chuẩn bị Tết (Ảnh: Vũ Diệu Hoa).

Tục kính trời và thần vào đêm Giao thừa

Trong tín ngưỡng dân gian, việc kính thần ở đình, đền, miếu trong tháng Giêng là tập quán lâu đời của người Việt. Trong dân gian, người ta thờ người lập ra làng - thành hoàng - ở đình, thờ những anh hùng dân tộc hay danh nhân ở đền, ở miếu.

Những đấng được thờ ấy cũng là người bình thường nhưng đã sống và phụng sự tích cực cho tha nhân. Đó là những người kiểu mẫu mà người Việt muốn mình và con cháu được giống như thế.

Do vậy, việc kính nhớ những người có công với làng nước mang tính giáo dục cộng đồng rất cao.

Nghi thức tế lễ có khác với việc thờ cúng tổ tiên. Lễ vật chính thường là tam sinh (ba con vật dùng làm lễ tế thần: ngưu (bò hoặc trâu), thỉ (heo), dương (dê)) và các loại bánh trái, trà rượu. 

Nghi lễ có tuần hương, tuần rượu, đọc văn tế, tuần trà, dâng lễ vật, đốt văn tế. Ý xin trong khi tế lễ thường là cầu phúc, tránh tai họa, ngăn ngừa tà ma, yêu quái.

Trích trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính trích ở Đông Dương Tạp Chí (1913 - 1914), mục XII. Tứ thời tiết lạp, triệt 1. Tết Nguyên đán (Nhà sách Khai Trí in lại năm 1973):

"Nửa đêm hôm 30 rạng ngày mồng một, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành - khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới".

Việc cúng giao thừa theo tín ngưỡng dân gian có hai lễ: lễ cúng Giao thừa, còn gọi là cúng trời, ngoài trời và lễ cúng gia tiên trong nhà sau Giao thừa. Hiện nay người ta có thể gộp hai lễ thành một.

Theo vũ trụ quan của người Việt, đình là sân, mang tính dương vì đó là nơi có tính liên vị, nơi những thành viên trong gia đình sinh hoạt cởi mở với nhau và với những người xung quanh. Chính đình là nơi chủ gia đình sẽ giao tiếp với trời đất để tỏ lòng biết ơn và nhận lấy những phúc lộc cho gia đình.

Tục cúng trời và cúng gia tiên trong đêm Giao thừa của người Việt - 3

Bàn thông thiên ngoài trời và bàn thờ gia tiên trong nhà (Ảnh: "Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam").

Người Việt coi trọng chữ hiếu và nghi lễ của đạo hiếu chính là thờ trời và thờ kính tổ tiên. Người Việt thường đặt bàn thờ gia tiên bên trong nhà, nơi gian giữa hoặc nơi phòng khách vì đó là tính âm.

Việc thờ kính tổ tiên ở chỗ lo an táng cho cha mẹ, ông bà một cách chu đáo, duy trì các ngày giỗ kỵ để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên. Sự hiện diện của tổ tiên trong gia đình được biểu trưng qua bát nhang trên bàn thờ gia tiên trong nhà.

Bát nhang này thờ tất cả các đời của tứ thân phụ mẫu (cha mẹ hai bên) là nhịp cầu nối con cháu với tổ tiên.

Người Việt thường đặt bàn thờ trời ngoài sân (đình) vì đó là tính dương. Việc thờ trời để tỏ lòng biết ơn đấng sáng tạo và che chở, nuôi dưỡng con người. Qua đó, người Việt dạy nhau ăn ngay ở lành, thuận theo tự nhiên (mệnh trời).

Miền Bắc và miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kinh đô nên dân không dám tế trời mà thay vào đó là tế sao. Trong miền Nam,do xa vua và do lòng khao khát tiếp xúc với trời, cư dân Nam Bộ đã đặt bàn thông thiên ở ngoài sân (đình) để tỏ lòng tôn kính ông trời.

Vì thế việc cúng Giao thừa của người Việt bao gồm cả cúng trời ngoài sân và cúng tổ tiên trong nhà.

Tục cúng Giao thừa là một nét văn hóa đẹp, vì thế đã hội nhập vào các tôn giáo trên đất Việt. Hiện nay ở một số chùa có lễ cúng Giao thừa, ở các nhà thờ Công giáo có thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho con người một năm an bình và tràn đầy ơn phúc.