Trường Sơn khuất núi
(Dân trí) - Vẫn còn đó Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà <a href="http://www1.dantri.com.vn/giaitri/Trai-tim-cua-Tieu-doi-xe-khong-kinh-da-ngung-dap--/2007/12/208562.vip">Phạm Tiến Duật đã khuất núi</a>. Thế là từ nay, làng văn Việt Nam vốn đã ít ỏi, lưa thưa lại vắng đi một cây cổ thụ có thể tỏa bóng xuống nhân gian…
Tuần thứ 49 của năm Đinh Dậu như một tuần vận hạn đối với làng văn chương Việt Nam. Chỉ trong vòng 8 ngày, ba nhà thơ lớn, ba đỉnh núi thi ca của nền văn học kháng chiến đã về miền chín suối. Ngày 27/11 ngậm ngùi tiễn đưa nhà thơ của “Đầu súng trăng treo” Chính Hữu. Ngày 3/12 lại quặn lòng vĩnh biệt nhà thơ Xuân Dục - Đoài Đông Vũ Cao.
Rồi chỉ một ngày sau, 4/12 lại tiếc thương tiễn đưa nhà thơ Phạm Tiến Duật, cây cột mốc số một của Trường Sơn hùng vĩ. Và vừa mấy tháng trước ngậm ngùi đưa tiễn ông “chăn trâu, đốt lửa” trên cánh đòng văn chương Đồng Đức Bốn, lặng lẽ đưa tiễn chàng thi sĩ “rót biển vào chai” Trịnh Thanh Sơn...
Nhớ lần ngồi uống bia với nhà thơ Bằng Việt ở Ô Quan Chưởng, có người nhắc lại lời “phán” của nhà thơ Ngô Thảo: “Đã đến lượt thượng đế gọi thế hệ chúng ta rồi đấy” mà rợn cả người cho cái sự khốc liệt của thời gian, của số mệnh một đời người. Trăng vẫn còn treo đầu ngọn súng mà người cầm súng (Chính Hữu) đã ra đi. Núi vẫn còn đôi mà thơ mất ông (Vũ Cao). Vẫn còn đó Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà Phạm Tiến Duật đã khuất núi. Thế là từ nay, làng văn Việt Nam vốn đã ít ỏi, lưa thưa lại vắng đi một cây cổ thụ có thể tỏa bóng xuống nhân gian. Chao ôi, lại một mất mát lớn, rất lớn với làng thơ Việt Nam vốn èo uột và nháo nhác.
Hàng ngàn người, hàng trăm đoàn đã đến viếng nhà thơ
Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông ngày tang Phạm Tiến Duật chật cứng người. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm và hàng ngàn người là anh em, bè bạn, đồng đội và cả những người yêu mến thơ anh từ khắp mọi miền đất nước đã về đây đưa tiễn anh.
Các nhà thơ tự hào vì anh là bộ đội Trường Sơn còn những người lính Trường Sơn tự hào vì anh là nhà thơ của họ. Phạm Tiến Duật là biểu tượng tự hào của bộ đội Trường Sơn. Trường Sơn tự hào có anh như sinh thời anh tự hào có Trường Sơn.
Mấy hôm nay, hầu như tất cả các cơ quan thông tin đại chúng ở trong nước và không ít tờ báo lớn của nước ngoài đã đưa tin về sự ra đi của anh. Trên những trang blog cá nhân tràn ngập những lời yêu thương của anh em, bè bạn viết về anh.
Và sáng nay (11/12/2007), khi tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt đưa tiễn anh mới cảm nhận hết được sứ mệnh của văn chương. Dù có lúc thơ không còn “cao giá” nhưng nhân dân vẫn trân trọng thi ca và yêu mến các nhà thơ. Vâng, “nhà thơ muôn đời vẫn mắc nợ với nhân dân” như sinh thời anh hay nói.
Bùi Hoàng Tám