Trịnh Chân Trân: Đóa hồng trên đảo Tuần Châu
Cứ 7 giờ sáng, ở khu du lịch Tuần Châu của ông "Chúa Đảo" Đào Hồng Tuyển, người ta lại thấy xuất hiện một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp. Gặp khách Nhật thì nói tiếng Nhật, còn gặp khách phương Tây cô lại chuyển sang tiếng Anh, thứ tiếng nào cũng "nuột" cả.
Đa phần du khách cứ nghĩ đây là một cô nhân viên lễ tân, hay cùng lắm là người phụ trách khách hàng của khu du lịch này. Nhưng cũng có một số người hiếu kỳ hỏi cô là ai, và nhận được câu trả lời: "Tôi là Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh". Vừa nhìn tấm danh thiếp cô đưa cho để "xác minh" lại cho chắc, họ vừa thốt lên: "Ồ! Không ngờ bà Phó TGĐ lại đích thân đi làm những việc nhỏ nhặt như thế này!"
Trịnh Chân Trân, cô Á hậu của Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam cách đây hơn nửa năm cũng trên ở hòn đảo này, đã bắt đầu tuần làm việc đầu tiên của mình trên cương vị mới như vậy. "Đối với công việc kinh doanh điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu tâm lý và sắc thái văn hoá khách hàng, xem họ chưa vừa ý cái gì mà điều chỉnh ngay, có như vậy thì lần sau họ mới trở lại", Chân Trân giải thích phương châm kinh doanh của cô.
Theo kế hoạch của "Bà Phó TGĐ", sắp tới Tuần Châu sẽ khai trương các quán bar, phòng karaoke hiện đại và đặc biệt quán cà phê ngay tại bể bơi ngoài trời, nơi du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp về đêm của Tuần Châu bên ly nước hoa quả, ly rượu, trong tiếng dương cầm du dương hay tiếng vĩ cầm da diết. "Những du khách ưa sự sôi nổi, trẻ trung cũng có cơ hội thể hiện mình tại vũ trường đang chuẩn bị khánh thành", Chân Trân hào hứng kể.
Chân Trân kể rằng: "Gia đình tôi là một gia đình có truyền thống kinh doanh, và ba mẹ tôi đã hướng tôi nối nghiệp họ khi gửi tôi qua Singapore năm 1998 học quản trị kinh doanh tại trường Staffordshire của Anh mở tại đây", cô con gái cả của người cha kinh doanh mỹ phẩm và người mẹ kinh doanh bất động sản thổ lộ. Đỗ cử nhân sau 3 năm đèn sách, cô tiếp tục sang Anh học tiếp một năm thạc sĩ quản trị kinh doanh cũng tại trường đại học này.
Dường như cảm thấy học thế vẫn chưa có đủ kiến thức của một nhà kinh doanh hiện đại, Chân Trân qua Mỹ học tiếp một năm nữa về tâm lý học tại "The City University of New York", nơi cô tốt nghiệp với đề tài "Tâm lý khách hàng". "
Kể cả việc tình cờ chấp nhận làm người mẫu cho một công ty Nhật cũng được Chân Trân coi là một dịp thử thách khả năng của bản thân. Chính cơ hội do nghề người mẫu ảnh tạo ra cũng giúp cô rất nhiều trong việc kiểm nghiệm kiến thức quản trị kinh doanh cô được học tại trường với thực tế "sở thị" được ở những nơi cô đặt chân tới, những khách hàng mà cô cộng tác.
Khi ông Đào Hồng Tuyển mời Chân Trân vào làm việc, cô đã hỏi luôn: "Anh định trả lương cho em bao nhiêu?" Ông Tuyển, theo lời cô kể lại, có trả lời là "em muốn bao nhiêu thì anh trả bấy nhiêu". Cô đáp lại: "Như vậy là anh chưa hề có hình dung trước về những điều anh cần em làm cho công ty anh, bởi năng lực thế nào thì trả lương thế đó chứ".
Đúng trong thời gian này những công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, quảng cáo, du lịch, đầu tư đất đai... cũng đánh tiếng mời cô. Sau hơn một tháng suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng cô đã chọn Âu Lạc vì cảm nhận được thách thức từ tham vọng của ông Tuyển muốn biến Tuần Châu thành một thương hiệu quốc tế bằng "công sức và trí tuệ của người Việt Nam".
Theo Hàn Minh Oanh
Vietnamnet