1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tri thức may mặc, áo dài Huế được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

Vi Thảo

(Dân trí) - Trang phục áo dài không thuần túy là chuyện áo quần mà đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội.

Ngày 12/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tri thức may mặc, áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024.

Tri thức may mặc, áo dài Huế được công nhận di sản phi vật thể quốc gia - 1

Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng (Ảnh: Vi Thảo).

Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể thực hiện việc quản lý nhà nước theo luật di sản văn hóa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục.

Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ về văn hóa.

Từ năm 1826-1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục, từ đó, áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Hải, người Huế luôn quan niệm "y phục xứng kỳ đức". Vì vậy, trang phục áo dài không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội.

Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, từ học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, đến những lớp người lớn tuổi. Tà áo dài cùng nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố.

Áo dài Huế được nuôi dưỡng trên nền một vùng văn hóa từng là kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng Việt Nam - nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt.

Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỷ lệ mặc áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn rất cao. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp tết...

Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.

Các khâu kỹ thuật cắt, may, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Trong vài năm trở lại đây, Huế đã phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống, phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án "Huế - Kinh đô Áo dài", nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm