Nhà thơ Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993),Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, bạn đọc và những người yêu mến thơ Hoàng Cầm có mặt trong buổi lễ.
Đầu năm 2007, nhà thơ Hoàng Cầm được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật. Ngày 06/05/2010, chàng thi sĩ tài hoa của xứ Kinh Bắc đã từ trần, để lại cả một thế giới thơ Hoàng Cầm in dấu vào lịch sử thi ca Việt Nam.
Tại buổi lễ tưởng niệm một năm ngày mất và 90 năm sinh thi sĩ Hoàng Cầm, cuốn sách “Hoàng Cầm – Hồn thơ độc đáo” do nhà phê bình Lại Nguyên Ân biên soạn như một nén “tâm nhang” mà những người ở lại tưởng nhớ đến cố nhà thơ.
Cuốn sách "Hoàng Cầm - Hồn thơ độc đáo" được giới thiệu ngay tại buổi lễ.
Cuốn sách “Hoàng Cầm - Hồn thơ độc đáo” gồm 4 phần tập hợp những bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học: Đỗ Chu, Nguyễn Đăng Mạnh, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Hưng, Khánh Phương, Thụy Khuê, Phạm Thị Hoài…, những bài bình các tác phẩm “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc”, “Mưa Thuận Thành”, “Quả vườn ổi” “99 tình khúc”… của Hoàng Như Mai, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thị Minh Bắc… và những bài phỏng vấn Hoàng Cầm của Vương Trí Nhàn, Lê Huy Quang, Hoàng Hưng, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Những khoảnh khắc về thi sĩ Hoàng Cầm lúc sinh thời được nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán "chớp" lại.
Phần đầu cuốn sách là những bài viết chân thực và cảm động về nhà thơ Hoàng Cầm trong đó có những chi tiết rất “đời” của thi sỹ. Những kỷ niệm với bạn bè như Nguyễn Bính, Phùng Quán, Lê Đạt trong bài viết của Lê Đạt “Tôi vẫn chưa hết bênh Hoàng Cầm”. Chuyện về nguyên mẫu nhân vật “Chị” trong bài “Lá diêu bông” hay những tháng ngày viết tập thơ “Về Kinh Bắc” qua bài viết của Lê Mỹ Ý…
Phần thứ 2 của cuốn sách tập hợp những công trình nghiên cứu, những bài lí luận phê bình về thơ Hoàng Cầm. trong bài viết “Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc”, nhà lí luận phê bình Chu Văn Sơn đi vào mổ xẻ hai vết thương tâm hồn của thi sỹ Hoàng Cầm: một vết thương tình yêu và một vết hương tình đời. Các tác giả Đặng Tiến, Du Tử Lê, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Ngọc Yên, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Thị Hoài, Thụy Khuê… lại đi vào phong cách và ngôn ngữ thơ Hoàng Cầm.
Thi sĩ tài hoa Hoàng Cầm - "Người Kinh Bắc đẹp nhất" đã ra đi đúng trong một năm.
Trong buổi tưởng niệm, những bức ảnh đen trắng chụp thi sĩ “Lá diêu bông” với nhiều kỷ niệm, với bạn bè do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện cũng được đem ra trưng bày. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc xúc động để người xem có thể hồi tưởng lại những góc nhỏ riêng biệt của Hoàng Cầm khi còn sống, sau một năm ngày mất của ông.
Đã tròn một năm ngày nhà thơ tiêu biểu của nền văn hóa Kinh Bắc ra đi. Song những bài thơ trữ tình hay nhất của đời thơ ông vẫn còn sống mãi trong lòng tất cả những người yêu thơ Việt Nam. Như lời nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh chia sẻ, với cô, Hoàng Cầm là “người Kinh Bắc đẹp nhất”.
Anh Thế - Vân Anh