Trần Đăng Khoa bảo vệ gu ăn mặc của mình

Khoác comple thì trông cứ như lão tây gỗ. Diện thường phục thì hoá ra thằng bù nhìn canh dưa, ban ngày doạ trâu bò, gà vịt, ban đêm lại doạ người. Trông nghịch mắt lắm...

Khi tôi thành kính ngắm trang phục chị em trên Blog tòa soạn, Bạn Viet Bom bảo: “Người đẹp vì lụa…” đối với mọi người đều đúng. Nhưng đối với Trần Đăng Khoa thì ngược lại. Mặc xấu, tềnh toàng mới đúng là Trần Đăng Khoa. Mặc đẹp thì trông Khoa lại chẳng ra gì. Bạn Mai Lê cũng bảo: “Vào ngay VOV xem TĐK bàn về trang phục phụ nữ. Tôi nghĩ bụng, ông này biết quái gì về trang phục. Trông ông ấy ăn mặc nhếch nhác chết đi được, lúc nào cũng như ông bộ đội về hưu đi bán su hào. Thế mà lại bàn về quần áo mốt phụ nữ…”.

 

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh khẳng định: “Chỉ  trông thoáng qua thôi là tớ nhận ra cậu ngay. Vì cách ăn mặc của cậu rất đặc biệt, chẳng giống ai. Cậu coi thiên hạ đều mù hết cả!”. Thực tình, tôi không phải là người cẩu thả. Cũng đỏm dáng lắm, chải chuốt lắm. Bạn tôi là Nhà Tạo mốt Thời trang. Gặp tôi lần nào, anh cũng cằn nhằn: “Cậu thật chẳng còn ra làm sao cả. Giản dị không có nghĩa là luộm thuộm, cẩu thả. Mình mặc đẹp, lịch sự, không phải là đỏm dáng. Đấy là mình tôn trọng mọi người. Cậu thì cứ coi thiên hạ bằng nửa con mắt...”.
 
Trần Đăng Khoa bảo vệ gu ăn mặc của mình  - 1

Chân dung hí họa Nhà thơ Trần Đăng Khoa

 

“Gớm, có gì mà ông kết tội tôi nặng thế? Tôi cũng là thằng lẳng lơ lắm đấy! Nhưng mà thử hết rồi. Chẳng có bộ trang phục nào được cả. Khoác comple thì trông cứ như lão tây gỗ. Diện thường phục thì hoá ra thằng bù nhìn canh dưa, ban ngày doạ trâu bò, gà vịt, ban đêm lại doạ người. Trông nghịch mắt lắm. Thôi đành bốn mùa quần áo lính, không quân hàm quân hiệu, cứ như anh cựu chiến binh buôn dưa lê. Xem ra "mốt" ấy lại hợp với cái mặt rất khó xác định niên đại của mình” “ Cậu thật chả hiểu gì cả. - Anh bạn tôi cười - Cậu không tìm được bộ cánh nào phù hợp, vì cậu chỉ tìm đến cửa hàng quần áo may sẵn. Quần áo may sẵn là trang phục dành cho tất cả mọi người, trừ cậu. Vì cậu cóc phải người. Cậu là ma quỷ. Là người ngoài hành tinh...”

 

Lại còn thế nữa! Tôi trố mắt kinh ngạc nhìn ông bạn đã biến thành thầy phù thuỷ từ lúc nào với bao nhiêu lý luận bùa ngải. “Thật đấy! Tớ không đùa đâu. Để có được bộ trang phục thật hợp với mình, cậu phải chịu khó tìm đến các Nhà tạo mốt!”. Khiếp! Tôi đã bàn trên Blog tòa soạn rồi.  Xưa nay, tôi cứ hình dung Nhà tạo mốt là chuyên gia thẩm mỹ, dùng vải vóc tôn vinh những đường nét óng nuột, mềm mại của các mỹ nhân hay dáng vẻ sang trọng của các bậc quý ông. Hoá ra nhầm, giời ạ! Cứ như lời ông phù thuỷ bạn tôi thì nhà tạo mốt chính là đại gia chuyên may sắm trang phục cho ... ma quỷ. Nghe mà rùng rợn quá!

 

“Cậu đừng có xuyên tạc tớ nhé, kẻo rồi các nhà tạo mốt họ lại nổi giận, cho là tớ nói xằng. Thú thật với cậu, tớ luôn săn đuổi mốt. Theo dõi mốt cũng hay lắm. Tớ không tin lại có những bộ mốt bày bán sẵn, dùng chung cho tất cả mọi người như một thứ cơm bụi. Nhà tạo mốt là người sáng tác trang phục dựa theo từng vóc dáng cụ thể. Đối tượng chính của họ là con người. Họ dùng vải vóc để phô ra vẻ đẹp của con người và giấu đi những khiếm khuyết. Quần áo nhằm tôn vinh con người, chứ không phải con người tôn vinh quần áo. Xem nhiều buổi biểu diễn thời trang, tớ khiếp quá, vì chẳng thấy người đâu cả, chỉ có những bộ trang phục đi phơ phất như ma. Không thể gọi những ông bà thợ may phố huyện ấy là các nhà tạo mốt được. Vì họ đã biến những cô người mẫu xinh đẹp duyên dáng thành những cái cọc di động, treo mắc những tấm vải xanh đỏ, rùm roà.

 

Ông bạn tôi tỏ ra rất sùng bái các nhà tạo mốt. Cứ như lời anh, chỉ cần nhà tạo mốt lé mắt đến tôi là lập tức, tôi sẽ lên đến "mấy chân kính". Người đẹp vì lụa mà. Thế rồi, anh quyết định đưa tôi đi "đắp lụa". Anh dẫn tôi đến một cửa hiệu tạo mốt có tiếng của đất Hà thành. Thế rồi nửa tháng sau, anh lại đưa tôi đến lấy trang phục, rồi chính tự tay anh chỉnh đốn trang phục cho tôi: “Tuyệt. Trông cậu cứ như một chính khách ấy. Hoá ra cậu thuộc hạng đẹp giai, chứ đâu có xoàng. Chỉ tiếc là cậu không biết cách ăn mặc. Đấy, cậu thử ra gương soi xem có đúng là cậu vừa lột xác không nào?”

 

Tôi hồi hộp đến trước gương. Quả là tôi vừa "lột xác" thật. Trong gương, lù lù một cái chum đeo cà vạt và đội mũ nồi...

 

Theo Trần Đăng Khoa

VOV online