Festival nghề truyền thống Huế 2013:
Tinh hoa 4 quốc gia trong đêm thời trang “Sự biến đổi kỳ diệu”
(Dân trí) - Trong những chất liệu được xem là tinh hoa, chắt lọc từ nguồn nguyên liệu đặc trưng bản địa trên kỹ thuật dệt may độc đáo, nhà thiết kế đến từ 4 quốc gia Pháp, Philippines, Hồng Kông và Việt Nam đã cho khán giả Huế mãn nhãn với bữa tiệc thời trang rất đẹp mắt.
Diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học vào đêm 28/4, chương trình miễn vé đã thu hút đông đảo người hâm mộ đến tham dự. Theo nhà thiết kế (NTK) Đặng Thị Minh Hạnh - Đạo diễn chương trình, đêm thời trang mang tên Magie (Sự biến đổi kỳ diệu) với ý nghĩa tôn vinh những người làm dệt may, thời trang dùng đã một số công nghệ về dệt đặc biệt từ cổ xưa đến hiện đại, nhằm sáng tạo chất liệu mới trong các bộ sưu tập ấn tượng.
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Francoise Hoffman (Pháp) làm từ vải lông cừu và lụa. Tất cả rất độc đáo là được thiết kế không dựa trên kỹ thuật may thông thường mà kết dính các chất liệu từ hỗn hợp nước và xà phòng.
Ở các thiết kế của nhà thiết kế Patis Tesoro (Philippines), trang phục được tạo ra từ sợi cây dứa (hay cây thơm có nhiều ở đất nước này). Một loại vải mỏng, nhẹ từ đó đã được hình thành và kết hợp với thêu tay truyền thống tạo nên những bộ trang phục trong suốt.
Nhà thiết kế Kinor Yang (Hồng Kông) đã tạo ra những sợi metalic ánh kim, sau đó dệt thành trang phục và nhuộm bằng tay, nhìn ngoài rất bóng như một làn da.
Việt Nam giới thiệu 3 đại diện là Lan Hương, Công Khanh và Minh Hạnh. Lan Hương giới thiệu áo dài dệt tay truyền thống, Công Khanh lấy ý tưởng từ tre để mong muốn trong tương lai, ngành dệt may sẽ tạo ra những bộ trang phục từ chất liệu tre - một loại cây đặc trưng và dễ trồng ở nước ta.
Đặc biệt, nhà thiết kế Minh Hạnh đã lấy bộ sưu tập của mình dựa trên chất liệu dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi, A Lưới, TT-Huế. Đây là dân tộc tuy có kỹ thuật dệt đơn giản với màu sắc, họa tiết. Điều này cũng tình cờ và xem như sự “phát hiện” khi thời trang Tà Ôi nằm trong khuynh hướng thời trang thế giới đang tìm đến: phong cách tối giản. Nhưng điểm độc đáo mà không dân tộc thiểu số ở Việt Nam nào làm được là họ đã lồng hạt cường vào sợi chỉ để dệt nên những bộ trang phục đính cườm đẹp mắt.
“Là người Huế, tôi nghĩ hướng tới nguồn vốn quê hương là việc cần làm. Ý muốn của tôi là vải dệt Zèng người Tà Ôi ở A Lưới sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.
Điểm chung của đêm thời trang là khai thác nguồn vốn tự nhiên của mỗi dân tộc đã được truyền từ đời này sang đời khác, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của từng đất nước trên thế giới.
Áo lông cừu + lụa không qua dệt tay từ Pháp
Philippines giới thiệu vải từ sợi cây dứa
Hoa hậu Ngọc Hân
Người mẫu tự tin và thoải mái trong trang phục nhẹ nhàng
Váy áo bóng từ Hồng Kông
Chất liệu vải không cầu kỳ và dễ mặc
Áo dài Việt Nam của NTK Lan Hương
Bộ sưu tập từ ý tưởng tre của Công Khanh
Chân dài 19 tuổi Hồng Quế trình diễn lôi cuốn
Bộ sưu tập của Minh Hạnh rất có ý nghĩa khi đưa cả nghệ nhân Tà Ôi dệt Zèng trên sân khấu
Á hậu Hoàng Anh
Đại Dương