1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tiếc cho ca sĩ Ngọc Khuê...

Sau bài báo <a href="http://www9.dantri.com.vn/giaitri/2006/8/133924.vip">"Ca sĩ Ngọc Khuê có đạo thơ?",</a> chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà thơ, nhà giáo, nhà văn... Để có một cái nhìn khách quan, chúng tôi trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: Bài thơ của em Thương trong sáng hơn

 

Sau lớp bồi dưỡng năng khiếu viết văn ở Phú Thọ, về sau này tôi có trở lại trường chuyên Hùng Vương và tôi có nói rằng bài Cha và mùa Thu của bạn Nguyễn Thị Minh Thương là một bài thơ xúc động và là một trong những bài thơ được nhất trong 36 bài thơ tôi chọn đăng từ lớp đó trên Báo Văn Nghệ Trẻ. Bạn Thương có một xúc cảm rất giản dị và trong sáng, chính sự giản dị ấy, sự trong sáng ấy mới thực sự gây xúc động. Người cha mà em Thương viết trong thơ hiện lên rất gần gũi và thật là người cha nhất trong cách cảm nhận của một người con đang ở lứa tuổi học trò.

 

Khi đọc bài thơ của Ngọc Khuê, công bằng mà nói, tôi thấy về ý, hai bài thơ này là một, còn về chữ thì đôi chỗ thay đổi trong bài thơ của Ngọc Khuê hơi lủng củng. Tôi nghĩ rằng có thể bạn Ngọc Khuê thích bài thơ này và thấy nó thích hợp với mình. Ở góc độ tình cảm, Ngọc Khuê cũng đáng yêu qua sự đồng điệu ở bài thơ này. Nhưng rõ ràng, tình cảm của em Thương trong bài thơ của mình trong sáng và thánh thiện hơn.

 

Còn những câu chữ không được trơn tru cho lắm trong một số từ Khuê sửa thì có vẻ bị chai sạn. Cũng về góc độ tình cảm thì người viết, dù chỉ là một dòng thơ cũng phải trung thực từ chính trong tâm hồn.

 

Nếu xét trên góc độ tác phẩm thì phải rạch ròi, Ngọc Khuê phải biết tác phẩm đó là của ai. Nếu bài thơ này Ngọc Khuê đưa cho bố năm 2004 trong khi bài thơ của Minh Thương đăng trước, thì lẽ ra Ngọc Khuê cũng phải nói với bố là bài thơ này con thích, con thấy hợp với hoàn cảnh của mình nên chép tặng bố. Chuyện đó không có gì cả, và như vậy, tình cảm đó lại càng đáng quý. Cũng thật may là Ngọc Khuê không phải là người chủ động đưa bài thơ này cho báo chí, và bố Khuê cũng không biết thực hư. Tôi thực sự tiếc cho Ngọc Khuê trong chuyện này, bởi cô ấy là một ca sĩ cũng khá nổi tiếng.

 

Tiếc cho ca sĩ Ngọc Khuê... - 1
 Nhà thơ Lê Minh Quốc: Tôi nghi ngờ vào sự trung thực của Khuê

 

Trong những ngày này, tôi thật sự hoang mang khi nghĩ đến sự tồn tại của thơ: “Tồn tại hay không tồn tại?” Vì thế, khi biết được thông tin về bản quyền bài thơ Cha và mùa thu, tôi lại thêm ngao ngán. Chả lẽ ngay cả cái giá trị tầm thường nhất mà cũng có người “tước đoạt” ư? Nhưng dù gì đi nữa, bài thơ viết ra là công sức, là tâm huyết của một người mà ta phải ghi nhận. Vậy ai đã “thuổng” của ai trong trường hợp cụ thể này?

 

Ở đây, chỉ xét ở góc độ “kỹ thuật” của một bài thơ, tôi nhận thấy em Huỳnh Thị Minh Thương đã chứng tỏ là người “có nghề”. Em gieo vần chỉn chu, dùng chữ nghĩa phù hợp với nội dung cần diễn đạt và biết tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của thể thơ này. Trong khi đó, thật khó giải thích tại sao bài thơ của ca sĩ Ngọc Khuê ở hai khổ thơ cuối lại chệch choạc một cách ngớ ngẩn đến như vậy. Ngớ ngẩn ngay cả lúc gieo vần đơn giản nhất. Nếu một người “có nghề” đã viết được 3 khổ thơ trên một cách chỉn chu, thì không thể “non tay” đến độ viết 2 khổ thơ cuối lạc lõng vần điệu đến như thế.

 

Đọc bài thơ của Khuê, tôi có cảm giác đang nhìn một phụ nữ xinh đẹp đang trang điểm, mà động tác cuối cùng là nàng đã bôi đi son môi vốn có để vẽ lên đó một vệt râu đen sì. Chính vì điều này tôi nghi ngờ vào sự trung thực của Khuê.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Oanh (Tổ trưởng tổ văn Trường Trung học chuyên Hùng Vương, Phú Thọ): Đáng trách là Khuê không nói thật với bố

 

Minh Thương là học trò của tôi và tôi rất thích bài thơ Cha và mùa thu của em Thương. Bài thơ được viết với một xúc cảm chân thực, một tình cảm trong sáng, là tình cảm người con dành cho người cha nhưng lại hiểu được tình cảm người cha dành cho người con. Tôi và một đồng nghiệp nữa có đọc bài thơ của Ngọc Khuê trên Báo Tiền Phong, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì tại sao bài thơ của học trò mình lại xuất hiện với một cái tên tác giả khác là Ngọc Khuê?

 

Là một giáo viên văn, tôi hiểu Ngọc Khuê, cũng xuất phát từ một sự đồng điệu khi đọc bài thơ này vì có cảnh ngộ tương tự. Từ hoàn cảnh đồng điệu, cô ấy có thay một số chữ, đó cũng là một sự tiếp nhận thơ ca. Tình cảm đó, tôi nghĩ cũng rất trong sáng và đáng quý. Nhưng điều đáng trách ở Ngọc Khuê là khi chép bài thơ tặng bố đã không nói thật với bố.

 

Tôi có nghe cô ấy bảo cô ấy viết bài thơ này trước khi tham dự giải Sao Mai - Điểm hẹn 2004. Thế thì cô ấy có thể hát trực tiếp trên sân khấu để tặng bố trước sự chứng kiến của hàng loạt khán giả được mà? Thôi thì đằng nào chuyện cũng thế rồi, bỏ qua được gì nên bỏ qua vì Khuê còn trẻ, còn học trò của tôi - em Thương, tính cách của em ấy không phải là người thích sự ầm ĩ.

 

Tiếc cho ca sĩ Ngọc Khuê... - 2
 Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến: Giống nhau một chín một mười

 

Khi đọc hai bài thơ này, điều tôi nhận thấy là không chỉ giống nhau về ý tưởng mà giống nhau cả về cách thể hiện và gần như một chín một mười. Đầu đề, một số câu, rồi hình ảnh thơ trong hai bài thơ rất giống nhau.

 

Trong văn học nghệ thuật, sự giống nhau về ý tưởng không phải là vi phạm tác quyền mà giống nhau về hình thức thể hiện mới gọi là vi phạm. Trong khi đó, bài thơ của Minh Thương công bố trước còn Ngọc Khuê khẳng định bài thơ này viết năm 2004 tức là sau khi bài thơ của Minh Thương xuất hiện 1 năm.

 

Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này Ngọc Khuê không dùng thơ để đánh bóng mình mà chỉ như một nhu cầu tình cảm là một sự động viên, an ủi người cha của mình, vì thế cũng nên nhìn nhận vấn đề độ lượng hơn. Tôi rất yêu quý tiếng hát của Ngọc Khuê và cũng từng nhắn tin động viên khi Khuê lên sân khấu. Khuê đã đuối lý khi thời điểm công bố tác phẩm của Khuê là sau Thương. Tôi rất quý Ngọc Khuê và muốn làm một điều gì đó giúp Khuê lúc này nhưng tôi cũng lấy làm tiếc là tôi không giúp gì được nữa.

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Cần tôn trọng sự thật!

 

Khi đọc Cha và mùa thu trên hai tờ báo ra ở hai thời điểm khác nhau, tôi thấy ngay hai bài thơ này là một, trong đó chính bản là của Minh Thương, phó bản là của Ngọc Khuê. Tôi nói thế là căn cứ vào thời gian xuất hiện của hai bài thơ, sự kiện gây cảm xúc tạo nên hai bài thơ và cấu tứ câu chữ của văn bản hai bài thơ. Đó quả là một điều đáng tiếc từ phía Ngọc Khuê, cho dù là vì lý do tình cảm cha con. Điều đáng tiếc này sẽ trở nên đáng trách và đáng phê phán nếu bây giờ Ngọc Khuê không tự nhận ra lỗi của mình.

 

Thương là học trò của tôi, Thương có tâm sự với tôi: “Em lên tiếng không phải vì lo rằng mọi người đọc hai bài thơ sẽ nghĩ em lấy tác phẩm của Ngọc Khuê, bởi sự thật xuất xứ hai bài thơ đã chứng minh ai là tác giả. Nhưng em không im lặng bởi cần một sự tôn trọng. Sự thật phải được tôn trọng. Tình cảm chân thật phải được tôn trọng. Nhất là một tình cảm cao quý như tình cha con. Tôi nghĩ đó là một thái độ đúng đắn và cần được tôn trọng”.

 

Theo Hoàng Nguyên Vũ

Người Lao Động