1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thủ tướng: “Để mất di sản cũng là đánh mất bản sắc dân tộc”

(Dân trí) - “Để mất di sản, dù chỉ là một phần cũng chính là... đánh mất bản sắc dân tộc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản để phục vụ phát triển

Sáng nay (27/7) tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Đến dự sự kiện này có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh những giá trị bất biến của di sản văn hóa Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của di sản trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện - hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Toàn cảnh hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn.
Toàn cảnh hội nghị "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững" diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, theo Bộ trưởng Thiện, vẫn còn những hạn chế, bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam đã có những bài tham luận phân tích rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Một số chuyên gia cũng chỉ ra những giải pháp cần khắc phục để phát huy những giá trị của di sản văn hoá trong thời kỳ mới theo hướng phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng và là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.

Thủ tướng kể lại câu chuyện trong buổi tiếp một vị hoàng thân của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất năm 2017, vị khách này đã nói với Thủ tướng rằng: “Chúng tôi có thể tạo ra bãi biển hay quả núi mới, thậm chí tạo ra người máy nhưng chúng tôi ghen tị vì Việt Nam may mắn có quá nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá, vật thể và phi vật thể”.

"Vì thế, tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù chỉ là một phần cũng chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói những điều đó để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tổ tiên để lại và toàn xã hội phải có trách nhiệm lớn lao trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó...

Thủ tướng cho rằng, di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy, phải luôn sáng tạo, năng động… (trong nguyên tắc) để di sản có giá trị trong cuộc sống hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản, tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo trong thời gian tới.

“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.

"Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này", Thủ tướng nêu rõ.

Cho rằng nhiệm vụ này trong thời gian qua cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt là một số khu di sản như: Vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, phố cổ Hội An, chùa Hương, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích và danh thắng Yên Tử, khu di tích và danh thắng Núi Sam, Địa đạo Củ Chi...

Năm 2017, riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản.

Phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này. Trước hết là việc nhận thức về giá trị di sản văn hoá chưa thật sâu sắc và toàn diện. Ý thức pháp luật trong việc tôn tạo và bảo vệ di sản chưa cao. Chưa rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản.

Pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm. Công tác phối hợp của các cấp các ngành chưa tốt. Có hiện tượng lạm dụng lễ hội để lãng phí, tiêu cực, phức tạp an ninh trật tự… Chưa xử lí tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản.

Theo Thủ tướng, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong dân, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Nam Nguyễn.

Bên cạnh đó còn những thách thức như cùng với thực hiện đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế, đầu tư nước ngoài, sức ép của toàn cầu hóa đối với văn hóa truyền thống ngày càng lớn; sức ép của quá trình đô thị hóa, của việc biến tướng trong khai thác di sản, tận thu mà không đầu tư cho giữ gìn, sự xuống cấp của di sản văn hóa và thiên nhiên do thời gian, tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu... là những nguy cơ hiện hữu với các di sản văn hóa và thiên nhiên. Những thách thức trên đặt ra vấn đề cấp thiết tăng cường bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi; xử lý hài hòa, thỏa đáng quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và và phát triển bền vững. Đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng.

Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Xã hội hoá, cộng đồng hoá trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Hãy trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng.

Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hoá coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.

Cần thiết đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Giao lưu để quảng bá và giao lưu để học hỏi kinh nghiệm nhằm bảo vệ di sản tốt hơn và qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

"Phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế. Phải đóng góp bản sắc của Việt Nam để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hoá các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cách xử lý di sản cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa trong và ngoài nước, giữa các địa phương, giữa các dân tộc, giữa văn hoá và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm rằng văn hoá và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.

Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác.

Trên cơ sở kết quả hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, di sản cả nước được kiểm kê rất đồ sộ với gần 40.000 di tích (trong đó gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt); 61.669 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 249 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia); 161 bảo tàng, 142 bảo vật quốc gia và trên 3 triệu tài liệu, hiện vật.

Nổi bật trong số đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.

Hà Tùng Long