1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

PGS - TS Nguyễn Văn Huy:

Thiếu kiến thức sẽ làm hỏng di sản

(Dân trí) - “Không nói về cá nhân” là giao kèo PGS. TS Nguyễn Văn Huy đặt ra với chúng tôi trong cuộc trò chuyện sau khi ông rời cương vị Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. Và khi chúng tôi đã tuân thủ đúng giao kèo này, ông cứ thế thao thao bằng một giọng đầy hứng thú về “chuyên môn”…

“Họ đã khóc ở Bảo tàng…”

 

Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp Hội nghị APEC tại Việt Nam vừa rồi, phu nhân của các nguyên thủ quốc gia đều đến Bảo tàng Dân tộc học, kể cả phu nhân của ông Kofi Anna cũng đã đến Bảo tàng Dân tộc học khi ông đến Việt Nam trong vai trò là Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc. Theo ông, điều gì đã khiến các khách quốc tế chọn Bảo tàng Dân tộc học chứ không phải là nơi khác?

 

Sở dĩ người ta chọn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là vì đây được coi là một trong những Bảo tàng đứng hàng đầu trong  việc giao lưu văn hoá với bên ngoài, tạo cho họ cơ hội chỉ trong một thời gian ngắn có thể “ngắm” bao quát được nền văn hoá Việt Nam và “thấm” nền văn hoá đó đa dạng và phong phú như thế nào. Đó là cơ hội vô cùng quý báu bởi không phải ai cũng đi được khắp nước để mà nghiên cứu, tham quan tất cả các dân tộc. Đến với bảo tàng, mọi người có thể hiểu được nền văn hoá của 54 dân tộc khác nhau, hiểu được cuộc sống trước kia cũng như là cuộc sống đương đại hiện nay của các dân tộc.

 

Số lượng khách tham quan đến với Bảo tàng Dân tộc học đông chỉ sau Bảo tàng Hồ Chí Minh.Vậy kỷ niệm nào với khách tham quan quốc tế cũng như khách trong nước khiến ông nhớ nhất?

 

Điều chúng tôi thấy cảm động là có nhiều người đến xem không chỉ một lần, họ đến vài ba lần, đến cả buổi.. Tôi có rất nhiều ấn tượng đáng nhớ với khách tham quan trong nước. Ví dụ khi mà Bảo tàng tổ chức làm ngôi nhà của người Chăm, mời bà con người Chăm ở Ninh Thuận ra Bảo tàng để làm công việc phục dựng lại ngôi nhà. Ngẫu nhiên có đoàn người Chăm ở Ninh Thuận đến tham quan và bà con người Chăm đang dựng ngôi nhà ở Bảo tàng gặp gỡ nhau, họ rất mừng vì nền văn hoá của họ được giới thiệu và họ đã khóc. Họ khóc ra, hát ngay trong Bảo tàng, điều đó khiến tôi thật sự xúc động...

 

Trong buổi trò chuyện cùng chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Văn Huy “hé lộ”, ông vừa nhận quyết định phong tấn “Hiệp sĩ về Nghệ thuật và Văn chương” - huy chương cao quý do Bộ Văn hoá Pháp trao tặng, “sánh vai” cùng Củng Lợi (Trung Quốc), nhà văn Mỹ Toni Morrison, nhà văn Kim Dung (Hồng Kông), cùng Nhà thiết kế Minh Hạnh (Việt Nam)...

Con người là trung tâm của Bảo tàng

 

Có thể thấy không ít Bảo tàng khác thường chú tâm trưng bày các hiện vật “tĩnh” và có phần thụ động đợi khách đến tham quan. Thế nhưng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại có rất nhiều hoạt động mà nhiều người có cảm nhận  là bảo tàng chủ động tìm đến với mọi người?

 

Đây chính là điều tôi muốn nói và nó rất quan trọng trong tư duy mới về Bảo tàng. Tư duy cũ từ trước đến nay vẫn áp đảo ở các Bảo tàng không chỉ ở Vịêt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới: hiện vật là trung tâm của Bảo tàng. Quan niệm về Bảo tàng cuối thế kỷ XX đã thay đổi. Người ta thấy rằng, không chỉ hiện vật là trung tâm của Bảo tàng mà trung tâm của Bảo tàng còn là con người. Con người và hiện vật phải song song với nhau.

 

Ông có thể nói cụ thể hơn về yếu tố con người trong sự “song song” này?

 

Trước đây chỉ nhìn vào hiện vật, giờ phải nghĩ đến người tạo ra hiện vật, đứng sau hiện vật đó. Trước đây, người ta chỉ biết là tôi trưng bầy các hiện vật đẹp, còn công chúng đón nhận hiện vật đó như thế nào thì không phải là điều trọng tâm. Nhưng bây giờ, hiện vật được trưng bày phải được xem xét trên cái nhu cầu của công chúng. Nếu tách con người ra hiện vật chẳng khác nào tạo ra những trưng bày “chết”.

 

Bảo tồn hiện vật đã khó nhưng chưa thấm vào đâu so với bảo tồn phong tục tập quán, nề nếp, hành vi của con người. Trong những năm ông làm Giám đốc, Bảo tàng đã có những cuộc trình diễn thổ cẩm, dệt gai... Có phải tính “sống” của bảo tàng là điều ông theo đuổi?

 

Từ năm 2001, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm để làm Bảo tàng “sống” hơn. Chúng tôi làm thế không chỉ với mục đích để Bảo tàng thật sự “động”, mục đích chính là giúp cho vấn đề bảo tồn và phát huy các nghề thủ công, văn nghệ dân gian của các dân tộc, vùng miền khác nhau. Việc được trình bày, biểu diễn, gắn với những trưng bày của Bảo tàng sẽ giúp cho họ nhận thức sâu sắc hơn các giá trị văn hoá, giúp họ khẳng định nghề của họ được tôn vinh từ đó quay trở về và biết giữ gìn các di sản.

 

Mặt khác, những cuộc trình diễn, dự án của bảo tàng giúp họ bán được sản phẩm, giúp nghề nghiệp của họ phát triển. Điều đó nói lên rằng bảo tàng gắn với sự phát triển, “bảo tồn ngược” lại những truyền thống bên ngoài chứ Bảo tàng không phải chỉ bảo tồn một cách cố định các hiện vật.

 

Thiếu kiến thức sẽ làm hỏng di sản - 1
 PGS - TS Nguyễn Văn Huy: "Hiện vật được trưng bày phải được xem xét trên cái nhu cầu của công chúng. Nếu tách con người ra hiện vật chẳng khác nào tạo ra những trưng bày “chết”".

 

“Đồng tiền nếu không biết sử dụng đúng sẽ rất gây tác hại”

 

Bảo tàng Dân tộc học làm rất nhiều hoạt động, như vậy sẽ rất tốn về kinh phí, vậy nguồn kinh phí lấy từ đâu để thực hiện các hoạt động trên?

 

Lúc nào, Bảo tàng nào cũng hạn hẹp về kinh phí, đặc biệt ở Việt Nam. Ở đây chúng tôi tranh thủ sự hợp tác quốc tế của Pháp - Mỹ - Nhật và một số quốc gia khác. Sắp tới, theo tôi các Bảo tàng T.Ư, địa phương nên lôi cuốn các công ty, doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ tham gia vào các hoạt động TDTT, hoặc giúp đỡ truyền hình qua đó quảng cáo cho công ty của họ. Nhưng các nước có những cơ chế thúc đấy doanh nghiệp, các công ty tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, hoạt động của bảo tàng, những đối tượng tham gia sẽ được miễn giảm thuế. Họ có những điều luật quy định rất cụ thể.

 

Nhưng nhiều khi tài trợ lại tác động quá sâu hoặc làm hỏng chuyên môn?

 

Đúng vậy! Có trường hợp nhận tài trợ nhưng nên phải làm theo ý các nhà tài trợ và hậu quả là làm hỏng... di sản. Ví dụ, có nhà tài trợ 2- 3 tỉ đồng cho Điện Biên để phục dựng lại thành Xa Mướn (Tam vạn) – nhưng cái thành của người xưa theo chúng tôi được biết là hoàn toàn bằng đất, giống Cổ Loa. Thế nhưng bây giờ chúng tôi lên xem và người ta phục dựng nó giống như Vạn lý Trường thành. Đồng tiền nếu không biết sử dụng đúng sẽ rất gây tác hại.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hằng - Cấn Cường

(thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm