Thí sinh Miss Grand Vietnam đọc thơ, hát opera khi hô tên, BTC nói gì?
(Dân trí) - Một số thí sinh Miss Grand Vietnam 2023 tạo dấu ấn ở phần thi hô tên bằng cách trổ tài đọc thơ, hát về quê hương mình.
Chung khảo toàn quốc Miss Grand Vietnam 2023 diễn ra tối 23/8 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TPHCM) với sự tranh tài của top 44 thí sinh. Trong đêm thi này, các người đẹp trải qua 3 phần thi gồm: Trình diễn dạ hội, trình diễn áo tắm và hô tên.
Khác với mùa thi trước, phần hô tên năm nay được lồng ghép chung với phần trình diễn trang phục dạ hội. Trong những bộ cánh lộng lẫy, các người đẹp tự tin giới thiệu họ tên, quê quán của mình trước công chúng.
Để tạo thêm điểm nhấn trong phần xuất hiện của mình, top 44 thí sinh không ngại biến tấu màn hô tên với nhiều hình thức độc đáo như đọc thơ, hát vọng cổ hoặc thậm chí hát... opera.
So với năm trước, phần hô tên của các thí sinh Miss Grand Vietnam 2023 được nhận xét là tiết chế hơn, nhẹ nhàng và gây nhiều thiện cảm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thí sinh mắc lỗi như phát âm chưa rõ, bị hụt hơi... khiến khán giả thất vọng.
Thí sinh Nguyễn Vĩnh Hà Phương đến từ TPHCM để lại nhiều ấn tượng khi bất ngờ hát opera để giới thiệu quê quán của mình. Chất giọng cao vút, đầy kỹ thuật của mỹ nhân sinh năm 2003 khiến khán giả ngỡ ngàng, không ngừng vỗ tay khen ngợi.
Trên các diễn đàn sắc đẹp, phần thi của Nguyễn Vĩnh Hà Phương cũng được chia sẻ rầm rộ với nhiều lời tán dương. Được biết, người đẹp hiện là sinh viên của Nhạc viện TPHCM, đồng thời cũng đang theo học ngành Luật quốc tế tại Đại học Hoa Sen.
Một số thí sinh khác như Bùi Thị Thanh Thủy (Phú Yên), Nguyễn Thùy Dương (Bạc Liêu), Hồ Nguyễn Huế Anh (Bến Tre), Trần Khả Di (Cà Mau), Trần Hồng Ngọc (Long An)... cũng để lại ấn tượng khi trổ tài hát, đọc thơ để giới thiệu về quê hương mình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Kim Dung - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - cho biết phần hô tên của mùa thi năm nay đi theo hướng nhẹ nhàng, nền nã. Theo bà Dung, các thí sinh đã được Ban Tổ chức tập dợt nhiều lần trước khi thể hiện chính thức tại đêm chung khảo.
"Năm trước, chúng tôi để các thí sinh tự do hô tên nên gây ra nhiều tranh cãi. Rút kinh nghiệm, năm nay Ban Tổ chức làm theo ý kiến số đông nên có phần nền nã hơn trước. Chúng tôi cũng cảm thấy phương án mới an toàn và phù hợp hơn.
Tuy nhiên, tùy vào chất giọng của từng người mà mỗi thí sinh có cách hô tên khác nhau, có bạn đọc thơ, có bạn hát. Nhìn chung, tôi thấy các bạn có sự sáng tạo và cá tính, nên phần thi cũng đa màu sắc hơn", bà Dung nói thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, nhà sử học Dương Trung Quốc - đại diện Ban cố vấn cuộc thi - nhận định phần hô tên của các thí sinh Miss Grand Vietnam năm nay phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Ông nói thêm: "Phụ nữ ngày xưa e thẹn, ngại ngùng có cái hay riêng, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Ở xã hội hiện đại, người phụ nữ phải có sự tự tin, bản lĩnh. Và ở cuộc thi này, sự tin tự lại được đề cao".
Trước ý kiến cho rằng phần hô tên có sự tiết chế so với mùa trước, nhà sử học cũng nhận xét đây là điều cần thay đổi để phù hợp với số đông. Ông nói mỗi thí sinh có quyền tự sáng tạo phong cách hô tên của mình để trở nên ấn tượng, tuy nhiên điều này nên nằm trong giới hạn cho phép.