Liên hoan phim lần thứ 17:

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh

(Dân trí) - Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, hội thảo Điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp đã thành công tốt đẹp với nhiều tham luận được đưa ra và đã thành lập được quỹ hỗ trợ điện ảnh.

Sáng nay 17/12 tại Phú Yên đã diễn ra hội thảo “Điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” với sự chủ trì của Bộ trưởng bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng Thứ trưởng bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và Cục phó cục điện ảnh bà Ngô Phương Lan. Đã có rất đông đại biểu là các đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, quay phim, báo giới...

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 1
Bà Ngô Phương Lan - Cục phó cục điện ảnh

Sau bài phát biểu đề dẫn vào hội thảo của bà Cục phó phụ trách cục điện ảnh Ngô Phương Lan, các đại biểu đã nhiệt tình và thẳng thắn đưa ra những điểm được và chưa được của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay cũng như những giải pháp để nền điện ảnh nước nhà phát triển.
 
Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh yêu cầu: Từ giờ đến LHP lần thứ 18 cần hoàn thành một số điểm chủ chốt để thấy được qua mỗi kỳ liên hoan, chúng ta lại có những sự tiến bộ. Ngoài ra, bộ trưởng cũng đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp mới cho nền điện ảnh nước nhà với nhiều ý kiến trải rộng ra khắp các vấn đề của nền điện ảnh như: Chất lượng phim, công tác quảng bá và phổ biến phim tới công chúng, tổ chức các LHP Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức các trại sáng tác hoặc gây quỹ điện ảnh.

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 2
Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 3
Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì buổi hội thảo

“Theo NSND Bùi Đình Hạc, điện ảnh Việt Nam hiện nay có nhiều đổi mới nhưng khó tiếp cận. Liệu các tác phẩm điện ảnh có thể thực hiện được các tiêu chí của LHP và định hướng của nhà nước hay không?” Bộ trưởng đặt ra câu hỏi về chất lượng phim hiện nay. Cũng trong bài nói chuyện, bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhắc nhở cần coi LHP là sự kiện tôn vinh các nhà làm phim, nhìn lại quá khứ và định hướng tương lai.

Ngoài ra, những vấn đề về công tác đào tạo nguồn nhân lực và ngân sách làm phim cũng được bộ trưởng mổ xẻ, nói về quỹ điện ảnh, Bộ trưởng nói: Đề án này chúng ta đã đề nghị từ lâu, nhưng hiện tại vẫn chưa xây xong quỹ điện ảnh. Cứ mỗi năm họp, chúng ta lại nhắc bài ca không bao giờ thôi - “Nói mãi không làm”.

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 4
Bộ trưởng đánh giá cao đóng góp của các đại biểu

Tiếp theo bài nói chuyện của Bộ trưởng, NSND Hải Ninh đã chỉ ra những thiếu sót của điện ảnh Việt Nam hiện nay chính là thiếu đi một cấu trúc hợp lý. NSND Hải Ninh cho biết: Điện ảnh Việt Nam đã có một kỷ nguyên vàng vào những năm 60 - 70 và tạo ra một sức mạnh phi thường. Sở dĩ điện ảnh Việt Nam có thể làm được điều đó là bởi chúng ta có một cấu trúc rất hợp lý.

“Tuy nhiên, điều khiến mọi người kinh ngạc là sau 20 năm đổi mới mà điện ảnh Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một mô hình phù hợp để lấy lại hào quang xưa. Theo đánh giá của một nhà làm phim nổi tiếng của Mỹ, Điện ảnh Việt Nam đã đi trước nhiều nước trong khu vực như Thái, Sing... thậm chí những năm 90 điện ảnh Hàn Quốc còn không bằng Việt Nam, nhưng sau 20 năm, mọi sự đã đổi khác. Đó là bởi họ đã tìm ra được một hướng đi và cấu trúc phù hợp. Tôi nghĩ Việt Nam cần một “minh chủ” có tâm có tài,” NSND Hải Ninh nêu lên thực trạng của làng điện ảnh.

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 5
Đạo diễn, NSND Hải Ninh

Để giải quyết vấn đề đó, NSND Hải Ninh đã đưa ra giải pháp bắt tay, kết hợp điện ảnh và truyền hình. Giống như Pháp, Trung Quốc... đã từng làm và thành công. Đồng thời đề nghị thành lập Hội đồng điện ảnh đổi mới. “Tôi đề nghị Tiến sĩ, cục phó Ngô Phương Lan và đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng làm đồng chủ tịch,” NSND Hải Ninh chốt lại.

Tuy nhiên, ý kiến của Đạo diễn, NSND Hải Ninh không nhận được sự đồng tình từ phía cựu chủ tịch Hội điện ảnh, ông Trần Luân Kim. Ông Kim cho rằng Điện ảnh và truyền hình không phải là một, tuy nó khá gần nhau. Với cương vị là cựu chủ tịch Hội điện ảnh, ông Trần Luân Kim lại đưa ra những cái nhìn ở góc độ quản lý.

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 6
Ông Trần Luân Kim

Theo ông Trần Luân Kim, điện ảnh Việt Nam hiện đang hoạt động thiếu chiến lược, thiếu thống nhất. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý cục điện ảnh nhưng không quản lý trực tiếp mà thông qua các cơ quan khác nên sự thống nhất không được đảm bảo. Từ đó dẫn đến việc không có một nhà lãnh đạo thống nhất như trước đây từng có và đã giúp đưa nền điện ảnh lên đỉnh cao. “Quản lý nhà nước từ bộ là đúng nhưng chưa đủ, chúng ta cần nghiên cứu để có một mô hình phù hợp hơn.” Ông nói.

Ở một góc độ khác, đạo diễn Hà Sơn lại cho rằng mỗi người làm phim cần phải “thành thật với chính mình.” “Chúng ta cần thành thật với sản phẩm, nhìn nhận thành thật vào chính mình. Khi tôi coi những bộ phim chiếu Tết hiện nay, tôi gọi đó là “công nghệ móc túi tiền mừng tuổi”. Thà điện ảnh chỉ cần 10 người mỗi năm làm 2,3 bộ phim điện ảnh cho ra hồn còn hơn 1.000 người mà không làm được bộ phim nào ra hồn.”

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 7
Đạo diễn Hà Sơn

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại nhấn mạnh về trách nhiệm của những người làm phim với sản phẩm của mình. Theo nhà biên kịch nổi tiếng này cần phải phân định rạch ròi dòng phim chủ lưu của điện ảnh là gì và do ai chịu trách nhiệm? “Tôi cho rằng dòng chủ lưu phải do nhà nước điều hành.”

“Nếu một bộ phim không đạt chuẩn thì ai chịu trách nhiệm? Ai chịu trách nhiệm duyệt một kịch bản không tốt mà vẫn đưa vào sản xuất. Ai điều hành một dự án sản xuất khi kịch bản không tệ nhưng cho ra sản phẩm rất tệ? Tôi nghĩ những người làm công tác quản lý cũng cần chịu trách nhiệm về mình,” Bà Trịnh Thanh Nhã nói.

Thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh - 8
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Tổng hợp lại buổi hội thảo, bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cảm ơn và hoan nghênh 12 tham luận đến từ các đại biểu. Bộ trưởng cũng đã trả lời một số vấn đề các đại biểu đưa ra và cho biết bộ sẽ cố gắng giải quyết hết càng nhiều càng tốt những vấn đề trên. “Tất nhiên là không phải vấn đề nào đưa ra cũng sẽ được giải quyết, nhưng từ nay đến LHP 18 chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết được càng nhiều càng tốt và phải báo cáo cụ thể lên chính phủ,” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Ngoài các vấn đề sẽ được giải quyết trong tương lai, có hai vấn đề được đích thân bộ trưởng chỉ đạo trong buổi hội thảo chính là việc thành lập một hội đồng thẩm định bao gồm các đạo diễn, các nhà làm phim có kinh nghiệm và tâm huyết. Sau đó bộ trưởng giao cho Cục điện ảnh thực hiện và phải có báo cáo sát sao. Việc thứ hai là thành lập Quỹ điện ảnh như bộ trưởng đã phát biểu ban đầu, ngay trong hội thảo quỹ đã được xúc tiến thành lập và đã thu được một số tiền lớn đến từ nhiều đơn vị, ban ngành có liên quan đóng góp.

 
Nguyên Phan