Thanh Hóa: Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch

Hà Thanh

(Dân trí) - Di tích đền Chầu Đệ Tứ (xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là địa danh khí thiêng hội tụ, sơn thủy hữu tình. Đền là một trong những điểm du lịch tâm linh của tỉnh.

UBND xã Hà Ngọc và Ban quản lý Di tích đền Chầu Đệ Tứ (đền Cây Thị) vừa tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm đồng đền Trần Anh Tuấn làm thủ nhang đền.

Thanh Hóa: Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch - 1

Đại diện chính quyền xã Hà Ngọc trao quyết định bổ nhiệm đồng đền Trần Anh Tuấn (giữa) làm thủ nhang đền Cây Thị (Ảnh: Vuong Dolphin).

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc cho biết, đền Chầu Đệ Tứ tọa lạc tại khu vực danh lam thắng cảnh của dãy núi Chung Chinh thuộc thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc. Ngôi đền nằm ở vị trí đắc địa, lưng tựa vào núi, trước mặt có dòng sông Lèn uốn lượn chảy qua. Đây là địa danh khí thiêng hội tụ, sơn thủy hữu tình và cũng là nơi bút tích và phát tích của Chầu Bà Đệ Tứ.

Vị thánh thủ đền là Chầu Bà Đệ Tứ, danh hiệu là Chiêu Dung công chúa thuộc hàng Thánh Chầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Ngài là một vị Thánh có công bảo quốc hộ dân được nhiều triều đại phong tặng. Đối với một thanh đồng, Chầu Đệ Tứ là một vị thánh được Vua Mẫu giao quyền khâm sai cai đồng thủ mệnh.

Theo ông Trần Văn Toản, theo truyền khẩu lưu lại, đền thờ Chầu Bà được tạo lập cách đây khoảng hơn 600 năm vào thời Hậu Lê, trải qua năm tháng chiến tranh, có thời điểm ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn nền đất và tòa thạch động.

"Để tưởng nhớ công lao của bà, vào những năm 90 của thế kỷ trước, chính quyền, nhân dân xã Hà Ngọc và khách thập phương đã từng bước xây dựng, tôn tạo ngôi đền. Đến ngày hôm nay, dù còn nhiều khó khăn, ngôi đền đã được tôn tạo tương đối khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương", ông Trần Văn Toản chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí.

Thanh Hóa: Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch - 2

Đền Chầu Đệ Tứ (đền Cây Thị) tọa lạc tại khu vực danh lam thắng cảnh của dãy núi Chung Chinh thuộc thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hà Thanh).

Di tích văn hóa đền Chầu Đệ Tứ (đền Cây Thị) đã được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh từ năm 1992. Trong quần thể gồm có Đền Cây Thị, núi Chum Vàng, Động Ngọc, Động Công Đinh, hang Đại Bàng. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích và danh thắng xã Hà Ngọc, mỗi năm, đền Chầu Đệ tứ đón khoảng 60-70 nghìn lượt khách.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc, theo đề án du lịch văn hóa của tỉnh và nghị quyết Đảng bộ xã xây dựng, kế hoạch của xã là tập trung phát triển du lịch, đặc biệt phát triển các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn xã để kết nối các du lịch tâm linh với nhau.

Theo đó, tại Hà Ngọc sẽ hình thành tour du lịch tâm linh, kết nối Đền Chầu Đệ Tứ với các di tích, danh thắng như núi Chung Chinh, Hang Dơi, Hang Công Ninh, Núi Chum Vàng... Bên cạnh đó là các hoạt động lễ hội tại Đền Chầu Đệ Tứ cùng với tour lễ hội Hàn Sơn, tổ chức tháng 6 âm lịch hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc nhấn mạnh, trước đó, ngôi đền chưa có thủ nhang nên việc thực hiện các nghi lễ tâm linh vào các dịp tuần tiết, lễ hội vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát huy hết giá trị về tâm linh, thúc đẩy du lịch tâm linh, phát triển kinh tế cho địa phương, chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Hà Ngọc mong muốn tìm được một người đủ tâm, đủ tầm, am hiểu sâu về lĩnh vực tâm linh về làm thủ nhang.

Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, Phòng Văn hóa huyện Hà Trung và UBND xã Hà Ngọc cùng bà con nhân dân đồng thuận mời đồng đền Trần Anh Tuấn (quê Hải Phòng) về làm thủ nhang đồng đền đền Chầu Bà Đệ Tứ. Qua đó, quảng bá văn hóa truyền thống để nhiều người trong và ngoài nước biết đến di tích nhiều hơn, thúc đẩy du lịch tâm linh làm tiền đề cho phát triển kinh tế cho địa phương.

"Đảng ủy, chính quyền, Ban quản lý cùng thủ nhang Trần Anh Tuấn sẽ cố gắng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đền Chầu Đệ Tứ. Hy vọng, đây sẽ tiếp tục là một điểm đến tâm linh không thể thiếu trong mỗi hành trình của du khách khi về thăm Thanh Hóa", ông Nguyễn Văn Bảy nói tại buổi trao quyết định bổ nhiệm thủ nhang đền Chầu Đệ Tứ.

Thủ nhang Trần Anh Tuấn chia sẻ: "Thời gian tới, cùng với Ban quản lý, thủ nhang sẽ cố gắng phát huy được hết giá trị văn hóa của địa phương và trùng tu đền ngày càng đẹp, khang trang, xứng tầm với vị thế của Chầu Đệ Tứ, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thưởng thức cảnh đẹp của nơi đây và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt".

Nghệ nhân Ưu tú Trần Kim Huệ, Chủ tịch Hội bảo vệ và phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định, đồng đền Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) khẳng định rằng, trong quá trình gìn giữ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, vai trò của các đồng đền, thủ nhang chính là những hạt nhân giữ lửa cho di sản.

Thanh Hóa: Phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh, thu hút khách du lịch - 3

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo mẫu Việt Nam cho rằng, các đồng đền, thủ nhang có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Ảnh: Vuong Dolphin).

Đồng quan điểm này, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo mẫu Việt Nam cho rằng, trước nhiều hiện tượng biến tướng, tiêu cực dẫn đến cái nhìn sai lệch về di sản Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, vai trò các đồng đền, thủ nhang, nghệ nhân là tấm gương để lớp trẻ nhìn vào, uốn nắn và có những thực hành chuẩn mực.

"Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của  người Việt chứa đựng rất nhiều thông điệp, giá trị nhân văn, tốt đẹp cần được bảo vệ, chuyển tải đến các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ, đến mọi người dân nước Việt ở trong và ngoài nước", Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh bày tỏ.