“Tết là lúc có thể sống chậm lại”

(Dân trí) - Trong không khí vui tươi đầu năm mới, Nhà thiết kế Đức Hùng đã cùng Dân trí chia sẻ về những điều thú vị xung quanh những ngày Tết của mình và gia đình.

Xin chào anh, chúc anh một năm mới ngập tràn niềm vui và may mắn, năm nay gia đình anh đón Tết như thế nào?

Chào bạn, lời đầu tiên xin gửi tới báo điện tử Dân trí một lời chúc tốt đẹp nhất. chúc cho báo ngày càng phát triển, chúc các độc giả yêu quý của Dân trí một năm mới thành công đại thành công. Gia đình tôi thích Tết và chào đón Tết lắm. Vì vậy cũng như mọi năm, Tết là một dịp để chúng tôi được cùng nhau gặp gỡ những người bạn người thân trong suốt một năm vì công việc bận rộn nên ít khi được gặp nhau. Đây cũng là khoảng thời gian mình có thể sống chậm lại, tận hưởng cảm giác thanh bình ... thích lắm (cười tươi ). Tôi bắt đầu tận hưởng Tết từ ngày đầu tháng chạp. Tất cả công việc trong những ngày này tôi đều gác lại hết. Tôi cùng gia đình lang thang ngắm phố phường, rồi đi sắm Tết ông công ông táo rồi đón giao thừa tại bờ hồ và cùng gia đình đi lễ chùa…

Tôi và gia đình đều rất thích Tết
"Tôi và gia đình đều rất thích Tết"

Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh có còn giữ những phong tục truyền thống trong dịp Tết này không?

Có chứ! Tôi là người yêu văn hoá truyền thống và tôi muốn truyền văn hoá đó cho các con của tôi, mà Tết là một dịp tốt nhất để tôi có thể làm việc đó. Mọi tục lệ và thú chơi Tết tôi luôn giữ gìn, cũng vui  khi bọn trẻ nhà tôi  rất thích và chúng rất hào hứng khi tự tay gói chiếc bánh chưng nhỏ. Hai cô con gái của tôi yêu dân gian, nhiều lúc tôi còn tưởng chúng như hai “bà cụ non”.(cười) Chúng biết kiêng, rồi biết ngày Tết phải có một thứ màu đỏ trên người, có bao diêm trong người đi chơi giao thừa cho ấm, bởi vì trước lúc đó tôi đã phân tích cho chúng hết tất cả những điều đấy. Đôi lúc mình quên các con còn nhắc mình nữa ấy chứ. (cười)

Tết Hà nội xưa và nay có gì khác nhau trong lòng anh?

Tôi yêu Hà Nội, yêu cái Tết Hà Nội, cả cái mùi hoá vàng và yêu tất cả không khí của những ngày đặc biệt ấy. Tuổi thơ của tôi đã được sống trong lòng phố cổ Hà Nội nên Tết xưa vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi. Tai được nghe tiếng pháo nổ, mắt được nhìn hoa đào tươi thoảng mùi hương pháo đậm chất Tết, đôi bàn chân của cậu bé 10 tuổi được giẫm lên những xác pháo ngập hè đường. Tết xưa thanh bình lắm, mọi nhà thường quấn quýt bên nhau, gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, còn bây giờ Tết không có pháo nữa nhưng có hoa đào, hoa mai và violet cũng đủ làm tôi rộn ràng rồi. Hơn nữa, bây giờ ai cũng hối hả với công việc. Vì vậy, ngày Tết lại càng giá trị để rồi tĩnh lặng ngồi với nhau chia sẻ vui buồn, điều đó thật ý nghĩa. Tết bây giờ mọi người cũng ít đi chúc tết hơn Tết xưa nhưng vẫn mang lại cảm xúc rất đặc biệt cho người Việt nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tết là lúc có thể sống chậm lại, tận hưởng những ngày vui vầy sum họp bên nhau
"Tết là lúc có thể sống chậm lại, tận hưởng những ngày vui vầy sum họp bên nhau"

Đã bao giờ anh đón Tết  ở nước ngoài chưa?

Đó là vào năm 2000 khi tôi có chuyến luu diễn ở Úc. Tôi vẫn còn nhớ như in giờ phút giao thừa. Tôi đã gọi điện về nhà cho vợ con và lúc đó tôi khóc rất nhiều .

Nhà anh chuẩn bị Tết như thế nào, anh có vào bếp không ?

Tôi nấu cỗ theo đúng phong cách của người Hà Nội xưa, có bánh chưng, kiệu muối, bát măng, canh mọc và đặc biệt có món chân tẩy mực và xào hạch nhân. Những món đó giờ đây mọi người cũng đã quên dần. Ngoài ra, bắt buộc phải có mâm ngũ quả và không thể thiếu được hộp mứt Tết .

Tôi chỉ phụ bếp cho bà xã, chứ việc chính của tôi là bày biện bàn thờ Phật và Gia tiên.

Tết năm nay anh có đi chọn đào Tết như mọi năm không ?

Từ ngày 23 Tết bà xã tôi đã đi tận Mộc Châu công tác và đem về một cành đào rừng, còn cây quất thì tôi chọn nhưng trong nhà sẽ có một cành đào Nhật Tân được cắm trịnh trọng trên bàn thờ.

Điều gì không thể thiếu trong cái Tết của anh ?

Đại gia đình tôi có 6 gia đinh nhỏ nữa, cứ đến ngày 29 Tết cả đại gia đình sum họp đầy đủ không thiếu một ai, từ chị cả tôi năm nay đã gần 80 đến những đứa trẻ vừa mới lọt lòng đều có mặt trong ngày lễ tất niên. Đối với tôi đó là một tài sản lớn nhất mà tôi có thể tự hào về điều ấy.

Tôi đã từng khóc trong ngày giao thừa ở xứ người
"Tôi đã từng khóc trong ngày giao thừa ở xứ người"

Thường thì việc đầu tiên anh làm trong năm mới là gì?

 Tôi và gia đình cùng với các cháu đi lễ tại các chùa ở Hà Nội.

Mong ước của anh trong năm mới là gì ?

Với thời trang, trong năm tới tôi sẽ mang tà áo dài Việt Nam đi đến các nước Mỹ, Anh, Pháp ... để quảng bá hình ảnh dân tộc.

Với nghệ thuật sân khấu, tôi mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho nghành múa rối và sau này sẽ trở thành một “nghệ sỹ nhân dân” ( cười )

Đầu năm tôi cũng kính chúc báo Dân trí luôn được nhiều độc giả yêu thích và ngày càng thành công. Chúc cho tất cả mọi người có một cái Tết no đủ, hạnh phúc, may mắn và luôn vui vẻ, bình an nhé!

Cảm ơn anh và chúc anh bước sang năm mới sẽ thành công với những kế hoạch của mình!

Vĩnh Ngọc - Trí Hòa