Tác giả ca khúc “Chí Phèo” bỏ ngang đại học để theo đuổi đam mê

(Dân trí) - “Khi thi đại học ba mẹ hướng tôi vào công việc kỹ thuật, tôi cũng học được 3 năm, trong khoảng thời gian đó tôi vẫn đi làm ở những quán cà phê ca nhạc. Do công việc ca hát khiến tôi ngày một đam mê hơn, ảnh hưởng đến việc học khá nhiều. Tôi nghĩ mình học không nổi, ra trường cũng không theo được công việc của mình nên tôi dừng lại”, Bùi Công Nam chia sẻ.

Trong chương trình "Sing my song" vừa phát sóng, ca khúc “Chí Phèo” của Bùi Công Nam đang tạo nên sức hút lớn, vượt qua sáng tác “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu và nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Và để đến với thành công của cuộc thi này, Bùi Công Nam cũng trải qua không ít những khó khăn để theo đuổi đam mê của mình.

Bùi Công Nam trình diễn "Chí Phèo" trong Sing my song

Lê Thiện Hiếu là đối thủ mạnh nhất

Với ca khúc Chí Phèo và hiệu ứng từ khán giả, Nam cảm thấy như thế nào?

Tôi cảm thấy cực kỳ bất ngờ khi trong vài ngày mà đến hơn 2 triệu lượt xem, facebook của tôi cũng được quan tâm nhiều khiến tôi cũng “hoảng”.

Trước đó có bài “Kiều” của Cao Bá Hưng, mọi người nhầm tưởng bài này lấy theo ý tưởng của bài kia, nhưng thực chất bài Kiều viết sau "Chí Phèo". Khi quay hình, đội tôi quay trước đội anh Đức Trí, nhưng khi phát sóng đội anh Đức Trí lại phát trước.

Trong trại sáng tác, anh Phong đưa cho tôi viết về văn học. Tôi không tin được mình nhận được chủ đề như vậy, vì ngày xưa tôi học văn dở lắm, làm bài toàn “chém gió” (cười). Nhưng cũng may hồi trước tôi mê truyện "Chí Phèo" vì khi đọc truyện “tếu tếu” nên tôi nhớ nội dung nhiều. Tôi viết nhanh gọn, không gặp trở ngại nhiều so với những bạn khác, tôi nghĩ đó là điều may mắn cực kỳ với tôi.

Phần trình diễn ca khúc Chí Phèo gây chú ý của Bùi Công Nam
Phần trình diễn ca khúc Chí Phèo gây chú ý của Bùi Công Nam

Có bao giờ Nam chuẩn bị tâm lý mình trở thành người nổi tiếng?

Nếu xảy ra thì đó là điều vô cùng may mắn đối với tôi, bởi đó là mong ước của bất cứ ai làm nghệ thuật.

Bên ngoài trông bạn hiền lành và ít hoạt bát hơn so với trên sân khấu?

Trước giờ khi ra ngoài tôi ít giao tiếp, tôi chỉ tự tin khi nói. Chưa tiếp xúc mọi người cảm giác tôi hơi "lạnh nhạt" với người xung quanh, nhưng khi nói chuyện rồi thì sẽ thoải mái.

Còn khi lên sân khấu lúc nào tôi cũng chuẩn bị sẵn mình sẽ làm gì trên đó, hát như thế nào, diễn ra sao, bởi tôi hay bị bối rối lắm (cười). Tôi thường đứng trước gương diễn, sau đó quay clip lại, xem lại mình không được chỗ nào để sửa lại.

Khi về đội Nguyễn Hải Phong, anh ấy đào tạo như thế nào để giúp Nam phát triển được khả năng của mình?

Lúc đầu được anh Phong chọn ở giây cuối cùng tôi nghĩ chắc là "chọn cho vui", vô cũng chỉ làm người “lót đường” bởi tôi là thành viên cuối cùng. Vả lại đội anh Phong toàn thí sinh mạnh, mong muốn của tôi được vào đội anh Đức Trí vì tôi nghĩ có sự tương đồng hơn trong âm nhạc.

Nhưng vào đội anh Phong, được học ở anh nhiều điều về viết nhạc mà tôi chưa từng học qua. Tôi cảm giác mình mở mang cực kỳ nhiều, cách viết nhạc nhanh để vào vòng 2 trong vòng 24 tiếng viết được một bài là điều mà từ xưa giờ chưa bao giờ tôi làm được. Chính nhờ anh Phong tôi biết cách phác thảo 1 bài hát nhanh, làm sao cho bài hát dễ nhớ và gọn theo quy luật logic.

Nam cảm thấy ai là đối thủ mạnh nhất của mình?

Tất cả mọi người, vô chung kết ai cũng được công nhận và tài giỏi như nhau về sáng tác và ca hát. Nhưng người tôi “sợ nhất” có lẽ là Lê Thiện Hiếu vì sức ảnh hưởng của Thiện Hiếu mạnh và bạn ấy có tư duy âm nhạc tốt, gần gũi với khán giả nên tôi nghĩ khả năng Quán quân của bạn ấy khá cao.

Trong sáng tác, tôi cũng rất thích nhạc của Hiếu, và ngược lại Hiếu cũng rất thích nhạc của tôi.

Công Nam từng buồn khi không được vào đội Đức Trí
Công Nam từng buồn khi không được vào đội Đức Trí

Nam nghĩ ưu điểm vượt trội của mình là gì?

Tôi nghĩ trong mặt bằng những người sáng tác nhạc thì tôi hát tốt. Trước khi tuyển sinh bạn tôi có nhiều người sáng tác hay nhưng hát không tốt nên không được vào, tôi cũng nhờ giọng ổn nên đi sâu. Các sáng tác của tôi có được tinh thần tích cực khiến mọi người thích nghe.

Sau thành công bước đầu, Nam có bị áp lực cho các phần thi tiếp theo không?

Áp lực cực kỳ, vì tôi không nghĩ mình được đón nhận nhiều như vậy. Tôi đã chuẩn bị bài cho đêm chung kết nhưng nhìn lại làm sao bằng bài kia nên sợ. Giờ tôi cũng hoang mang, làm sao để hay hơn được Chí Phèo cũng là một điều rất khó với tôi bây giờ. Anh Phong vẫn nhắc nhở tôi “không được ngủ quên trên chiến thắng”, phải chuẩn bị thật tốt cho đêm chung kết.

Từng bị ba mẹ cấm học trường nghệ thuật

Nam có thể chia sẻ nhiều hơn về con đường đến với âm nhạc của mình?

Hiện gia đình tôi ở quê Buôn Mê Thuột, trước ba mẹ làm nông, nhưng sau này chuyển qua bán mì quảng. Nhà có 4 anh em trai, tôi là con trai út, 3 anh tôi đều là kỹ sư, sống và làm việc tại quê nhà, chỉ có mình tôi theo đuổi âm nhạc và vào Sài Gòn.

Khi thi đại học ba mẹ hướng tôi vào công việc kỹ thuật điện tử, tôi cũng học được 3 năm, trong khoảng thời gian đó tôi vẫn đi làm ở những quán cà phê ca nhạc. Công việc ca hát khiến tôi ngày một đam mê hơn, ảnh hưởng đến việc học khá nhiều. Tôi nghĩ mình học không nổi, ra trường cũng không theo được công việc của mình nên tôi dừng lại.

Tôi âm thầm đi thi, sau khi đậu trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tôi mới báo với ba mẹ, mẹ tôi khá hoảng hốt. Một phần vì tôi từng thi X-Factor, nhiều cuộc thi âm nhạc khác, nhưng chỉ vào được vài vòng rồi bị rớt, cảm giác hụt hẫng và stress nhiều, trước giờ tôi cứ ngộ nhận.

Áp lực lớn khiến tôi suy nghĩ nhiều, không đi học được mà phải ngưng 2-3 tháng tại trường kỹ thuật. Sau đó tôi quyết định theo âm nhạc và tập trung cho việc ca hát.

Vì đam mê nghệ thuật nên Nam chọn Sài Gòn làm nơi học?

Từ khi học cấp 3, tất cả các chương trình văn nghệ của xã, của trường tôi đều tham gia hết và còn được giải cao. Tôi có nói với ba mẹ “giờ con thích cái này quá, ba mẹ cho con đi thi không”, ba mẹ cấm luôn chứ không phải không cho. Vì nghĩ ngành này rất “phiêu”, nên tôi cũng thi kỹ thuật và làm như những gì ba mẹ muốn. Tôi thi đậu vào trường Đại học Công nghiệp, ngành điện tử, đó là điều mà tôi không mong muốn, tôi nghĩ mình đã sai.

Nam có hối tiếc khi mình mất một khoảng thời gian dài cho công việc này?

Tôi cảm thấy rất phí thời gian, nếu 3 năm đó tôi học chuyên ngành, giờ tôi đã ra trường và kinh nghiệm trong âm nhạc của tôi cao hơn bây giờ rất nhiều. Trước đó tôi khá nghiệp dư và chỉ là tay ngang. Khi vào trường tôi được học kiến thức, biết được những gì mà mình trước giờ không biết. Tự tin hơn khi giao tiếp với những người làm về nhạc.

Hiện tại, việc học tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có đúng như những gì bạn mong muốn?

Tôi đang học năm 2 ngành Quản lý văn hóa. Sang môi trường này tôi hoàn toàn không bị áp lực vì được học theo những gì mình thích. Tôi thoải mái trong việc học nhưng lại sợ ba mẹ bị ảnh hưởng. Thường ở quê ai cũng muốn con cái có nghề nghiệp đàng hoàng, còn con mình bỏ học theo ca hát thì hàng xóm hay “nói ra nói vào” khiến tôi áp lực rất nhiều. Và tôi luôn suy nghĩ mình phải làm sao để ba mẹ có thể hãnh diện về mình.

Thời gian đầu tôi cũng cố gắng giải thích với ba mẹ biết, sau này “có khổ thì tự con chịu, ba mẹ đừng lo”. Vì trước khi vào Sài Gòn tôi đã sống tự lập từ trước nên không khiến ba mẹ lo sợ gì hết, chỉ lo cho tôi về tương lai lâu dài.

Thành công để ba mẹ hãnh diện về mình
Thành công để ba mẹ hãnh diện về mình

Sau khi Nam đã có những thành công bước đầu, ba mẹ Nam nói gì?

2 năm qua, ba mẹ cũng thường xuyên gọi điện, cứ 1 tuần gọi 1, 2 lần, vì ba mẹ cũng sợ giống trường kia lại bỏ học dở dang. Khi đi thi “Sing my song” tôi cũng nghĩ mình rớt thôi, không nghĩ mình đậu mà vào được đến chung kết. Tôi thi đậu vòng 1 ba mẹ rất vui, còn đến vòng này thì ba mẹ rất ngạc nhiên. Ba mẹ cũng mừng và hy vọng con mình theo đuổi đam mê vững chắc hơn, sau này còn đi làm kiếm tiền.

Sau khi xem xong 2 vòng vừa rồi, ba mẹ có nói chung kết sẽ vào cổ vũ. Trước giờ ba mẹ tôi chưa bao giờ vào Sài Gòn.

Nam có bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì áp lực khá lớn từ gia đình?

Tôi nghĩ mệt mỏi thì không, đó là áp lực do tôi đặt ra để mình cố gắng chứ thật sự ba mẹ cũng không áp đặt con phải thế này, thế kia. Ba mẹ chỉ muốn mình có công việc ổn định sau này. Mẹ vẫn ủng hộ những gì tôi làm, làm sao cho con người thoải mái nhất. Tôi nghĩ sau này mình không nên như thế, tôi biết mình nên làm gì và làm như thế nào, bây giờ tôi cảm thấy thoải mái hơn so với trước.

Vẫn ở trọ và đi hát quán cà phê hàng đêm

Cuộc sống hiện tại của Nam tại Sài Gòn ra sao?

Bây giờ tôi vẫn ở trọ một mình tại Sài Gòn vì tôi tự lập cũng quen. Tôi không xin tiền bố mẹ từ cách đây 4 năm. Tôi tự đi làm, làm nghề gì cũng làm, may mắn là tôi kiếm tiền được bằng đam mê, tôi đi hát ở những quán cà phê nhỏ.

Ngày nào cũng đi hát, tôi là thành viên trong ban nhạc, cùng mọi người thành lập, 1 đêm hát hơn 2 tiếng rưỡi, hát xong nhận catse rồi chia đều. Tôi chơi guitar và hát chính.

Những khó khăn ngày đầu đi làm là gì? Nam đã vượt qua được chưa?

Tôi nhớ nhất lần đầu tiên tôi cùng 2 người bạn học cùng trường Đại học Công nghiệp lập ra ban nhạc rồi cùng đi xin hát ở quán cà phê. Nhưng người ta không cho hát vì chơi dở quá. So với các band khác thì chúng tôi “gà” lắm, người ta nhìn cũng “coi thường” mình.

Một phần do lúc đó tôi chưa tiếp xúc nhiều nên cứ nghĩ mình hay rồi, vào xin là chắc được thôi. Tập vài bài hits trên mạng nhưng vào xin người ta không cho. Sau đó len lỏi đi nghe người ta hát và chúng tôi ngộ ra, tập luyện nhiều hơn để đi xin làm tiếp.

Lần đầu tiên cả nhóm đi làm thử, nếu được thì họ nhận. Hôm đó chỉ có band của chúng tôi nên hát suốt 2 tiếng, hát hơn 20 bài, quán chỉ có vài người khách. Sau khi xong chương trình, chị chủ quán thấy tội quá nên cho chúng tôi 100 ngàn đổ xăng đi về. Đó là cát -sê đầu tiên trong đời của tôi.

Nam có định hướng như thế nào cho con đường sắp tới?

Cuộc thi chỉ là bước đệm để sau này ra cuộc thi làm được gì, tôi đang có đà tốt. Trước đây tôi thi rất nhiều nhưng đều rớt từ các vòng ngoài. Hiện tại nhiều người ca sĩ ít được để ý tới dù ra sản phẩm hay như thế nào. Tôi nghĩ rằng sau cuộc thi sẽ đẩy mạnh các tác phẩm sắp tới, khán giả sẽ dễ biết đến mình nhiều hơn.

Băng Châu

Ảnh: TL