Sự việc vừa qua Tuấn Hưng đúng hay sai?
(Dân trí) - Tuấn Hưng là nghệ sĩ, được xem là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, không thể cư xử tùy tiện và bộc phát theo cảm tính cá nhân mà không cần biết hậu quả về sau như thế nào.
Văn hóa ứng xử “kém văn hóa” của nghệ sĩ
Xã hội ngày càng phát triển, lẽ ra những điều chúng ta có được phải ngày một giá trị nhân văn hơn, sâu sắc hơn. Thế nhưng, hiện tại với hàng loạt những chuyện đã xảy ra thời gian gần đây, showbiz Việt đang chứng kiến những giá trị ngày càng thụt lùi tồn tại. Khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm hơn với các nghệ sĩ. Liệu chúng ta có khoác một chiếc áo văn hóa “quá rộng” cho một số nghệ sĩ?
Cụ thể, sau những phát ngôn phản cảm của cá nhân ca sĩ Tuấn Hưng, dấy lên hồi chuông báo động về cách hành xử của nghệ sĩ. Giọt nước cuối cùng làm tràn ly, hình ảnh nghệ sĩ ngày càng méo mó trong mắt công chúng. Mặt khác, sự cỗ vũ, ủng hộ của người hâm mộ bất chấp đúng sai là một điều khó chấp nhận.
Việc mâu thuẫn của ca sĩ Tuấn Hưng và Ban tổ chức (BTC) chương trình “Bài hát yêu thích”, chưa biết ai đúng, ai sai, nhưng cách nam ca sĩ phát biểu “dung tục” với tư cách của một nghệ sĩ dù có thông cảm nhưng rất khó đồng tình. Nhất là với những người hoạt động văn hóa như Tuấn Hưng.
Bởi theo định nghĩa văn hóa thì “Trong quá trình phát triển, tác động sinh học hay bản năng dần dần giảm bớt khi loài người đạt được trí thông minh để định dạng môi trường tự nhiên cho chính mình. Đến lúc này, bản tính con người không không còn mang tính bản năng mà là văn hóa”.
Không thể “bao biện” mỗi khi nghệ sĩ hành động sai với câu “Nghệ sĩ cũng là con người, cũng có hỉ nộ ái ố” – Ai không là con người? Ai không có những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống? Nhưng quan trọng khi điều đó được thể hiện công khai, được xem như một điều “bình thường” mới là sự “bất thường”.
Chúng ta không thể sống bản năng mà là hành xử văn hóa – Cách chúng ta phản ứng trước những chuyện không hay xảy ra mới là cách đánh giá chính xác được họ là ai. Cư xử như thế nào để phản ánh sự tiêu cực và để thõa mãn cái tôi là điều khác nhau.
Khi sự tôn trọng thế hệ đi trước đang bị xem nhẹ
Trong hoạt động văn hóa, việc nể trọng đàn anh, các thế hệ đi trước luôn là điều quan trọng nhất để đánh giá một nghệ sĩ trẻ, đó được xem là chuẩn mực căn bản để duy trì sự phát triển của văn hóa trong nghề. Bởi, “sóng sau xô sóng trước”, thế hệ đi sau có thể giỏi hơn những người đàn anh, đàn chị của mình, có thể thành công hơn. Nhưng nếu dựa trên những thành công của hiện tại mà tỏ thái độ xem thường những người đi trước “được chấp nhận” thì mọi giá trị sẽ bị đảo lộn. Trước giờ tuy không ai nói ra nhưng nó đã là một “luật bất thành văn” cho những người hoạt động văn hóa.
Quan niệm tâm linh là “được tổ đãi” thì sẽ thành công, nhưng nếu dựa vào thành công hiện tại mà “kênh kiệu, vênh váo” thì sớm muộn gì “Tổ cũng sẽ lấy lại chén cơm”. Ai đã hoạt động nghệ thuật cũng có thể hiểu rõ được điều này.
Nhưng không phải lúc nào cái tôi của nghệ sĩ cũng hành động đúng như thế.
Việc Tuấn Hưng thẳng thừng thách thức nhạc sĩ Huy Tuấn lẫn ca sĩ Mỹ Linh không dưới một lần cho thấy bản thân nam ca sĩ đã không có sự tôn trọng dành cho đàn anh của mình. Nhưng, sự việc bắt nguồn từ việc Tuấn Hưng cảm thấy tên tuổi của mình không được tôn trọng khi xếp sau các đàn em. Như vậy có nghĩa là - Tuấn Hưng đòi hỏi BTC phải cho anh nhận được sự tôn trọng từ đàn em, nhưng bản thân Tuấn Hưng lại thể hiện bản thân không tôn trọng thế hệ đi trước của mình.
Chính những cái sai từ sự nóng nảy và cách phản ứng của Tuấn Hưng mới khiến dư luận dậy sóng trong thời gian qua.
Nhiều người thông cảm với cách cư xử của Tuấn Hưng, nhưng chúng ta cần nhìn rõ, ở phương diện cá nhân và ở tư cách của một nghệ sĩ là hai điều khác nhau. Tuấn Hưng có đủ chín chắn, đủ hiểu biết để chịu trách nhiệm với những phát ngôn và hành động của anh.
Chúng ta cũng không thể đánh đồng giữa “thẳng tính” và hành xử “vô văn hóa”, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Bởi cách cư xử, phát ngôn của Tuấn Hưng không chỉ thuộc về cá nhân của anh, ở đây tiếng nói của Tuấn Hưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, những người thường xem nghệ sĩ là thần tượng, đôi khi hành động của họ là kim chỉ nam của cuộc sống của người khác.
Chuẩn mực nào cho cách hành xử của nghệ sĩ?
Trước khi sự việc xảy ra, không có một quy định chuẩn mực nào cho nghệ sĩ ngoài việc bản thân nghệ sĩ ý thức mình là người của công chúng, cách cư xử phải trong tầm kiểm soát.
Thời gian qua, Tuấn Hưng không phải là nghệ sĩ đầu tiên nhận ‘gách đá” từ dư luận bởi cách hành xử thiếu tôn trọng thế hệ đi trước.
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng vướng vào việc phát ngôn liên quan đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ngay sau đó, Đàm Vĩnh Hưng đã bày tỏ thái độ rất tích cực nhận lỗi vì những hành động của mình.
Ca sĩ Sơn Tùng – MTP đã phải gỡ bỏ MV Không phải dạng vừa đâu vì đã có những hình ảnh “đá xéo” nhạc sĩ Phó Đức Phương và Dương Khắc Linh. Ngoài sự phản đối của dư luận thì Sơn Tùng cũng bị ảnh hưởng không ít từ việc này trong công việc.