Sao Việt chia sẻ kỷ niệm thời học sinh đáng nhớ
(Dân trí) - Đinh Hương với kỷ niệm “không đánh không quen nhau”, MC Phan Anh và những dấu ấn buồn thời học sinh, Bảo Anh với “tại nạn” áo dài... Những kỷ niệm đáng nhớ lần đầu các Sao Việt chia sẻ cùng Dân Trí.
Khi các bạn học sinh khắp bước vào ngày khai giảng năm học mới, và ai cũng có một thời để nhớ, cùng nghe sao Việt chia sẻ về thời học sinh của mình với những điều khó quên.
Hà Linh chia sẻ kỷ niệm về người thầy mà Linh không bao giờ quên
Kỷ niệm đáng nhớ thời còn đi học thì nhiều. Nhưng kì lạ, Linh vẫn nhớ nhất là những kỉ niệm với thầy cô, vì Linh có may mắn được học với những thầy cô tuyệt vời.
Nhớ hồi còn luyện thi đại học môn Văn ở nhà thầy Đệ (G.S Phan Cự Đệ), Linh là đứa vào học muộn nhất, lúc đầu còn ngồi ở cái bàn nhỏ bên góc. Sau đó, cứ tiến dần lên ngồi gần thầy để nghe giảng cho rõ hơn. Và cuối cùng là cái chỗ ngồi ngay cạnh thầy đã vô hình chung biến thành của Linh. Hôm nào Linh trốn học thì các bạn cũng chẳng ai "dám" ngồi vào đó cả (cười).
Thầy tâm lý lắm. Linh luôn làm bài tốt (thầy bảo thế) nên có lần "stress" do vấn đề ôn thi quá, Linh mới xin thầy: "Thầy ơi, thầy cho con trốn học đi chơi với bạn trai con 1 hôm nhé!", thầy cười bảo: "Ờ, đi thì về sớm trước giờ đón, kẻo bố cô giết tôi đấy nhá!". Hơn 70 tuổi mà suy nghĩ và ngôn ngữ "xì tin" như thế, bảo học sinh không yêu thầy sao được!
Thầy mất cũng lâu rồi. Ngày hôm trước, Linh đi quay phim trong Nghệ An, nên xong việc thì cả đoàn đi về Hà Nội để quay tiếp, riêng Linh trốn ở lại một hôm, thuê xe đi hơn 100km về làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu quê thầy để thắp nén nhang cho thầy. Đi về đến nơi mới nghĩ ra, mình chẳng biết nhà cũ của thầy ở đâu cả. Loanh quanh 3 tiếng đồng hồ, đi vào uống trà đến no bụng để hỏi thăm không ra, Linh tìm mãi mới được một đền thờ, và sắp lễ thắp nhang cho thầy ở đó. Mong rằng thầy ở trên cao có linh thiêng, sẽ cười, vẫn nụ cười hiền từ như ngày xưa, vì biết có đứa học sinh dù thời gian được tiếp xúc ngắn ngủi, vẫn nhớ đến thầy nhiều lắm.
Đến tận bây giờ, Linh vẫn cảm thấy may mắn khi được là học trò của thầy.
Phan Lê Ái Phương cũng có một thời học sinh rất đáng nhớ
Năm cấp 3 Ái Phương học trường chuyên Hùng Vương. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Ái Phương chính là những mùa 20/11, năm nào cũng là hội diễn văn nghệ rất lớn. Điều đáng nói đây cũng là ngày sinh nhật của Ái Phương nên năm nào Phương cũng vô cùng bận rộn. Vì Phương cũng thường tích cực tham gia các hoạt động tại trường. Những dịp như vậy cũng chính là những bước đầu tiên đưa Phương đến với con đường hoạt động nghệ thuật bây giờ.
Phương cho biết thêm hồi đi học Phương cũng rất nóng tính, con gái nhưng tính hơi cộc. Mẹ Phương cảm nhận được điều đó nên đã cho Phương đi học võ để “kềm” lại bản tính nóng nảy này của Phương. Và thật sự là việc học võ này có “hiệu quả” với Phương lắm.
Thời đi học Phương còn có biệt danh là “Voi” vì lúc đó đã cao hơn 1m6 và có chiều cao vượt trội so với các bạn trong lớp. Hồi đi học cũng thấy “ngại” vì mình cao hơn các bạn nhiều quá. Nhưng sau này mới thấy chiều cao cũng góp một phần quan trọng và là lợi thế của Phương khi hoạt động với nghề và không còn “khó chịu” vì chiều cao của mình nữa (cười).
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh bật mí kỷ niệm “yêu đương” từ năm 7, 8 tuổi khi còn học ở trường De Dukdalf tại Hà Lan.
Dương Khắc linh hào hứng chia sẻ kỷ niệm của mình. Hồi đó anh cảm mến một cô bạn học, cô ấy cũng thích anh nhưng anh thì rất ngại. Mỗi lần đi học đều đi chung và phải băng qua cây cầu để đến trường. Có lần, cô bạn học của anh đã chủ động nắm tay anh suốt đoạn đường đến trường đó làm cho anh cảm thấy rất bất ngờ, nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Vị giám khảo Giọng hát Việt Nhí chia sẻ chính xác cảm giác của anh khi đó “như là điện giật giật”. Dù đã rất nhiều năm trôi qua và còn bé nhưng anh vẫn nhớ. Sau này khi lớn lên thỉnh thoảng anh có gặp lại “người xưa”. Cô bạn học của anh vẫn rất xinh đẹp và đã lập gia đình. Còn anh cũng có cuộc sống riêng.
Đinh Hương, Á quân Giọng hát Việt 2012 chia sẻ kỷ niệm thời học sinh không bao giờ quên của mình mà theo cô thì đó là “không đánh nhau, không quen nhau”.
Năm Đinh Hương học lớp 10 ở trường cấp 3 Đông Hà, ngồi gần 1 cô bạn học khá nhỏ con. Bạn học của Đinh Hương bị một cô bạn “to xác” nhất lớp ăn hiếp. Đinh Hương đã lên tiếng bên vực bạn của mình. Khi ra chơi bị cô bạn "to xác" bất ngờ đến đánh Đinh Hương. Lúc đó vô cùng bất ngờ và sửng sốt nhưng Đinh Hương tuyệt đối không động tay, động chân.
Đinh Hương khoe giọng cao vút
Đứng yên để cho bạn đánh nhưng miệng vẫn liên tục nói “Có thể cả lớp sợ bạn nhưng mình không sợ bạn”. Tình cảnh lúc đó của Đinh Hương là “càng nói càng đáng và càng đánh càng nói”. Cô bạn kia vô cùng tức giận bảo Đinh Hương im đừng nói nữa thì sẽ không đánh, nhưng Đinh Hương vẫn “lì lợm” đứng yên cho bạn đánh và vẫn nói không ngừng. Cho đến khi cô bạn đó không đánh nổi nữa mới thôi, và lại quay ra quý Đinh Hương. Cô bạn bảo trong hoàn cảnh đó mà vẫn xưng “bạn với mình” được nên thấy "nể" Đinh Hương.
Đinh Hương sau này cũng quý người bạn của mình bởi tuy rất nóng tính nhưng lại rất nhiệt thành. Người bạn này của Đinh Hương đã mất vì tai nạn, nhưng với Đinh Hương thì đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời học sinh.
Lê Bê La bây giờ đã sắp được làm mẹ, nhưng mỗi khi đến ngày tựu trường thì Bê La vẫn nhớ khoảng thời gian còn đi học của mình.
"Ngày tựu trường ở quê sẽ là hình ảnh áo trắng, áo dài trải dọc theo con đường dốc đất đỏ, hình ảnh đó rất đẹp. Lê Bê La và các bạn thường rủ nhau nhau đi tốp khoảng 5,7 bạn cùng đi chung đến trường chứ ba mẹ thì không có thời gian đưa đón vì phải ra rẫy đi làm. Đa số những học sinh ở quê Dak Lak nơi Lê Bê La ở thì tự đi học". Lê Bê La chia sẻ. Cô còn cho biết thêm, iồi cấp 1 Bê La học trường Quang Trung cách nhà 1,5 km nhưng vẫn đi bộ. Lên cấp 2 học trường Nguyễn Tri Phương cách nhà 3km nên được đi xe đạp cho đến cấp 3 học trường CU'MGAR.
Ca sĩ Bảo Anh kể lại kỷ niệm thời học sinh của cô chính là tai nạn nhớ đời với áo dài.
Bảo Anh sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh nên thời đi học cũng rất vui và hào hứng, năm cấp 2 Bảo Anh học trường Hoàng Văn Thụ. Từ năm lớp 8 thì trường đã yêu cầu học sinh phải mặc áo dài.
Bảo Anh khoe vẻ ngọt ngào
Có một “tai nạn” liên quan đến áo dài mà cô không bao giờ quên đó là ăm học lớp 9, có lần được bạn chở đi học bằng xe đạp, nhưng tà áo dài sau bị vướng vào xe không cách gì gỡ ra được mà lại sắp bị trễ giờ học. Lúc đó không còn cách nào khác, đành mượn dao của cô cắt bánh mì cắt luôn tà áo dài. Nhưng cắt tà sau còn tà trước trông rất kỳ nên “vạt” luôn tà trước giống như chiếc áo bà ba đi học.
Giang Hồng Ngọc không quên những người bạn học của mình và biệt danh mà các bạn đã đặt cho cô.
Giang Hồng Ngọc chia sẻ: “Lúc học lớp 5 Ngọc có biệt danh là “mụt ruồi chéo”, vì hồi xưa Ngọc có 2 mụt ruồi chéo lên chéo xuống nên bị bạn bè trong lớp đặt như vậy. Lúc đó Ngọc buồn thật, nhưng giờ nghĩ lại thì lúc đó còn nhỏ, bạn bè chỉ chọc cho vui thôi. Sau này lúc mà lên lớp khác thì Ngọc nhớ lắm, nghĩ tới ngày 5/9 mà không còn gặp lại được bạn bè nữa thực sự rất buồn. Cũng từ lúc đó Ngọc luôn quý những ngày còn ở bên nhau khi còn là học sinh.”
MC Phan Anh thì mỗi khi nhớ về thời học sinh, có một câu chuyện mà anh mãi không bao giờ quên, năm anh học lớp 1 ở trường Phương Liệt.
Lần đó khi có trống trường ra chơi anh vội chạy ra khỏi lớp thì bất ngờ bị cô giáo gọi lại và đánh cho hai bạt tai rất đau, còn bị véo tai và không cho vào lớp, phải đi lang thang suốt vài tiếng đồng hồ trong sân trường. Hôm sau ba mẹ anh phải đến nhà cô giáo xin lỗi thì anh mới được đi học. Hôm đó không chỉ có mình anh chạy ra ngoài mà còn rất nhiều bạn khác cũng ra, nhưng anh bị đánh vì anh không đi học thêm, không có quà cho cô giáo và nhà rất nghèo. Anh bị đối xử không công bằng cho đến khi anh mang quà là những quả ổi trong vườn cho cô giáo thì cô mới không còn ghét anh và đối xử tốt với anh như những học sinh khác.
Khi nhắc lại kỷ niệm này Phan Anh cho biết đã gần 40 năm mà anh vẫn nhớ bởi vì anh cảm thấy đây là sự tổn thương khi anh còn rất bé. Điều này luôn nhắc nhở anh sau này không được đối xử bất công với trẻ con. Trẻ em trang giấy trắng nên cần được yêu thương và không để tổn thương như anh ngày xưa.
Trúc Nhân “lì lợm và bốc đồng” thời học sinh.
Trúc Nhân theo học trường cấp 3 Trần Nguyên Hãn ở Vũng Tàu, nơi Nhân sinh ra và lớn lên.
Trúc Nhân chia sẻ, hồi đi học Trúc Nhân khá nghịch và bốc đồng với thầy cô của mình. Kỷ niệm mà Trúc Nhân nhớ nhất không phải là một kỉ niệm vui mà là một kỷ niệm “tím tái trời xanh”. Hôm đó Trúc Nhân đi học và nhất quyết không nịt áo vào quần, cho tới khi gặp một thầy trong trường mà Nhân chưa học qua bao giờ, Nhân bị lôi lại và bị “hai bạt tai” choáng váng, quay vòng vòng, nổ đom đóm (cười). Tới khi trấn tĩnh lại thì Nhân mới biết mình dập môi chảy máu và sưng lên một bên má giáng. Từ đó về sau Trúc Nhân vẫn “tơn tơn”, bỏ áo ra ngoài quần tiếp vì tính cách Nhân rất bốc đồng và lì.
Thế nhưng, đến năm học lớp 12, gặp thầy chủ nhiệm mới. Đây là người “biến” Trúc Nhân ngoan đạo lại! (cười lớn).
Băng Châu