"Sao" sáng nơi đất khách

Trở về từ nhiều nơi trên thế giới, các tài năng trẻ nghệ thuật hàn lâm cùng hội ngộ trong chương trình Giai điệu mùa thu (17- 18/8) tại Nhà hát TPHCM. Ít ai biết rằng nơi đất khách, họ đã phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều để học tập, khẳng định mình trong những điều kiện hết sức khó khăn.

Kế thừa truyền thống

 

Phần đông nghệ sĩ trẻ đang đeo đuổi nghệ thuật hàn lâm đều bắt nguồn từ truyền thống hoạt động nghệ thuật của gia đình. Hai anh em Tạ Tôn, Tạ Thùy Chi lớn lên trong tiếng đàn violon của bố - nghệ sĩ Tạ Bôn - và những điệu múa của mẹ - nghệ sĩ múa Nguyễn Kim Dung, Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM. Lên 5 tuổi, Thùy Chi đã được mẹ hướng dẫn từng bước nhảy ballet, còn Tạ Tôn theo bố vào học violon tại Nhạc viện TPHCM.

 

Tương tự, chị em Hoàng Linh Chi, Hoàng Tuấn Cương cũng được cha - PGS violon Hoàng Cương - hướng theo con đường nghệ thuật từ khi còn bé. Linh Nga kế nghiệp múa của cha - mẹ là đôi nghệ sĩ múa Vương Linh - Đặng Hùng. Trần Hữu Quốc được sự hướng dẫn của cha là nhạc sĩ Trần Hữu Bích...

 

Nguyễn Quốc Trường là con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Điệp. Anh không chỉ là một nghệ sĩ violon tài năng mà còn là một chỉ huy dàn nhạc đầy triển vọng.

 

"Sao" sáng nơi đất khách - 1
Hoàng Linh Chi 

Những nỗi nhọc nhằn nơi xứ lạ

 

Từ bé, cuộc sống gia đình và thu nhập thực tế của bố mẹ đã cho những nghệ sĩ trẻ hiểu rằng, đi theo nghệ thuật hàn lâm không phải là con đường làm giàu. Nhưng họ vẫn chọn. Hai chị em Hoàng Linh Chi, Hoàng Tuấn Cương theo học ở nhạc viện nhiều năm nhưng ước mơ sang nước ngoài du học vẫn nằm ngoài tầm tay, vì đời sống gia đình khá khó khăn. Năm 15 tuổi, Hoàng Linh Chi vượt qua rất nhiều thí sinh để giành lấy suất học bổng toàn phần trong đợt tuyển chọn nhân tài ở Nhạc viện TPHCM của các chuyên gia người Nga. Lúc ấy, ước mơ du học của Linh Chi mới thành hiện thực.

 

Sang xứ người, cố gắng từng bước hòa nhập với cuộc sống mới. Khoảng thời gian khó khăn nhất đối với Chi là giai đoạn nước Nga lâm vào khủng hoảng (năm 1990-1991). Lúc bấy giờ, thực phẩm và nhu yếu phẩm ở Nga rất ít, đời sống người dân bản xứ đã khó, đời sống du học sinh Việt Nam ở Nga còn khó khăn hơn.

 

Không có được học bổng như chị, nhưng Hoàng Tuấn Cương cũng có dịp sang Đức nâng cao trình độ âm nhạc của mình. Một người dân Đức sang VN công tác, chia sẻ với niềm đam mê nghệ thuật của Tuấn Cương đã nhận tài trợ một phần cho việc học của anh tại Đức. Tuấn Cương lên đường với hành trang quan trọng nhất là khát khao học tập. Bố mẹ không có khả năng chu cấp tiền, Cương phải tự tìm sinh hoạt phí cho mình bằng cách đệm đàn cho các nhà thờ. Những đêm một mình nơi đất khách, nhớ nhà da diết, muốn gọi điện thoại về VN cho đỡ nhớ nhưng Cương cũng đành chịu vì cước phí điện thoại quá đắt.

 

Liều lĩnh nhất là Tạ Tôn, anh gởi hồ sơ dự tuyển học bổng của Đại học Melbourne - Úc. Khi chưa có kết quả, anh đã sang Úc với quyết tâm nếu không được học bổng thì vừa làm vừa học, tự lo cho bản thân mình. Thời gian đầu, anh chấp nhận chạy bàn cho các quán ăn. Việc bưng bê nặng nhọc khiến tay anh đau nhức đến mức không chơi đàn được. Quyết tâm đặt việc học lên hàng đầu, anh nghỉ việc, xin vào làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bánh, rồi xin được dạy kèm violon cho người bản xứ... Cũng may, hồ sơ của anh được chấp nhận cấp học bổng, đỡ cho anh một phần gánh nặng trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày.

 

Riêng Thùy Chi và Linh Nga may mắn hơn. Cả hai được Trường Múa Quảng Đông - Trung Quốc chọn cấp học bổng du học toàn phần trong lần trường này sang thăm Trường Múa TPHCM. Tuy vậy, do ban đầu đã học ballet nên xương của cả hai em không đủ độ dẻo cần thiết mà múa cổ điển Trung Quốc đòi hỏi, cộng với sự khác biệt ngôn ngữ nên Thùy Chi và Linh Nga không sao theo kịp các bạn cùng lớp. Có nhiều lúc, cả cô và trò đều nản. Nhưng tất cả đã cùng nhau cố gắng vượt qua. Thùy Chi tâm sự, bây giờ, nghĩ lại những ngày ấy, Chi vẫn còn sợ.

 

"Sao" sáng nơi đất khách - 2
Hoàng Tuấn Cương

Rạng rỡ thành công

 

Trong những điều kiện khó khăn như vậy, các nghệ sĩ trẻ ấy đã nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Điểm tốt nghiệp chương trình đào tạo tại nước ngoài của những bạn trẻ này hầu hết là loại xuất sắc. Không dừng lại ở đó, họ còn mang vinh quang về cho Tổ quốc từ những cuộc thi quốc tế. Thùy Chi, Linh Nga hoàn toàn chinh phục khán giả chủ nhà Trung Quốc, giành 2 giải diễn viên ưu tú và giải đặc biệt của ban giám khảo trong cuộc thi múa toàn quốc Trung Quốc 2003 - Đào Lý Bôi. Trần Hữu Quốc đoạt giải 3 kỳ thi violon “International Competition Delphic” tại Moscow (Nga). Hoàng Linh Chi giải nhất Concours International Named “Thầy và trò” tại Moscow, giải 3 Concours Glazounov- Paris 2001...

 

Xuất sắc nhất là Hoàng Tuấn Cương với giải Sonderprise-Concours International Ludwig Spohr, giải nhất Concours International Musique de chambre Max-Reger, giải Forderprise-Concours International Leopold Mozat...

 

Theo Phương Quyên

Người Lao Động