Sao Mai Phương Nga: Âm nhạc lan tỏa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), TS - nghệ sĩ Phương Nga vừa ra mắt hai MV "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Lời ca dâng Bác".
Đây không phải lần đầu tiên TS - nghệ sĩ Phương Nga giới thiệu sản phẩm âm nhạc về Bác Hồ. Năm 2021 - năm có nhiều dấu ấn với Phương Nga khi chị kỷ niệm tròn 20 năm đăng quang Sao Mai (2001-2021), gần 30 năm theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp - nữ ca sĩ đã chọn ra mắt album và MV Tiếng hát giữa rừng Pác Bó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng lớn lao và thiêng liêng không chỉ trong đời sống của dân tộc Việt, mà trong văn học nghệ thuật, hình ảnh người cũng là niềm cảm hứng bất tận cho các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh chinh phục lòng người không chỉ bằng tư tưởng, đạo đức, phong cách vĩ nhân ngời sáng của Người mà còn bằng từng lời nói, cử chỉ hết sức giản dị, ân cần, gần gũi nhưng toát lên khí chất lãnh tụ của Người.
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật lan tỏa được nhiều nhất hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số lượng rất lớn những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp trong nhân cách giản dị mà lớn lao của Người", Sao Mai Phương Nga bày tỏ.
Nghệ sĩ Phương Nga ra mắt hai MV về Hồ Chủ tịch để bày tỏ tình cảm, sự biết ơn đối với Người bởi những hi sinh, cống hiến thầm lặng của cuộc đời Người, những giá trị nhân văn mà Người mang đến cho dân tộc, nhân loại.
Ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao được giới chuyên môn cũng như công chúng nhìn nhận là một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ. Được công bố vào năm 1949, ca khúc bắt đầu bằng giai điệu, ca từ vừa hào sảng, vừa ngân nga, tha thiết: "Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên...".
Nghệ sĩ Phương Nga chia sẻ: "Thật thiêng liêng và xúc động biết bao khi đây chính là những ca từ được nhạc sĩ Văn Cao viết khi nhớ lại cảm xúc và bối cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, thời khắc Việt Nam trở thành đất nước tự do, độc lập.
Đây là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác Hồ và ca khúc này đã trở thành tuyệt phẩm bất hủ theo thời gian. Ca từ sâu lắng, tình cảm, mạnh mẽ, giai điệu trữ tình mà hào hùng đã làm nên dấu ấn của ca khúc trong lòng công chúng cả nước và thế giới. Đó là những câu hát được bật lên từ một tấm lòng mang sự ngưỡng mộ, biết ơn sâu sắc từ một tài năng âm nhạc. Sự cộng hưởng ấy đã đem đến cho chúng ta ca khúc mang nhiều xao xuyến, lắng đọng, rung động này".
"Nhạc sĩ Văn Cao đã rất thành công cả về mặt ca từ và giai điệu, để đến hôm nay mỗi khi Ca ngợi Hồ Chủ tịch vang lên, chúng ta lại bồi hồi, xúc động", Phương Nga xúc động chia sẻ thêm.
Trong khi đó, Lời ca dâng Bác được nhạc sĩ Trọng Loan viết để nói lên nguyện vọng của quân và dân hai miền mong ngày thống nhất đất nước, Bắc - Nam một nhà...
Với chất liệu dân ca miền Trung gần gũi với quê hương của Bác, giai điệu hàm súc, giản dị mà lại rất phong phú, Lời ca dâng Bác được ra đời với phần lời thứ nhất nói đến tình cảm của Bác đối với miền Nam...
Nghệ sĩ Phương Nga từng đạt giải Nhất Giọng hát Trẻ Hà Nội và giải Nhất Cuộc thi Sao Mai toàn quốc mùa đầu tiên (tháng 9/2001). Năm 2002, Phương Nga đạt Cúp Bạc Liên hoan Âm nhạc mùa xuân Bình Nhưỡng.
Phương Nga được đánh giá là giọng hát thính phòng sáng giá của nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam cùng "thế hệ vàng" với những tên tuổi khác như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh… Hiện Tiến sĩ âm nhạc học - nghệ sĩ Phương Nga là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).