Nhạc kịch "Người cầm lái" tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phương Nhung

(Dân trí) - "Người cầm lái" là dự án nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát Công an Nhân dân khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ. Những phân cảnh đầu tiên được hé lộ đã gây xúc động tại buổi họp báo.

Hôm nay (12/4), tại Hà Nội, Nhà hát Công an Nhân dân đã tổ chức họp báo giới thiệu vở nhạc kịch "Người cầm lái". Tác phẩm được dàn dựng, công diễn nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), 40 năm ngày thành lập Nhà hát Công an Nhân dân (24/4/1982 - 24/4/2022).

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an Nhân dân cho biết, nhạc kịch "Người cầm lái" do Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an chỉ đạo, Nhà hát Công an Nhân dân tổ chức thực hiện. Cố vấn nghiệp vụ Công an Nhân dân: Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy.

Nhạc kịch Người cầm lái tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Một phân cảnh được hé lộ trong vở nhạc kịch "Người cầm lái" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Cố vấn nghệ thuật: PGS.TS, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. Cố vấn âm nhạc: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Đây là dự án nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát Công an Nhân dân, khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng Công an Nhân dân, đặc biệt là lực lượng điệp báo trong kháng chiến. Vở nhạc kịch quy tụ đội ngũ làm nghề "hùng hậu" với gần 200 nghệ sĩ, rất nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa. 

Tác phẩm được xây dựng ở hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, phát huy di sản truyền thống từ sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt qua thanh âm của những nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian đương đại kết tinh từ tâm hồn, bản sắc truyền thống Việt Nam.

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cho hay, ban đầu khi vở nhạc kịch được sáng tác, tổ chức dàn dựng cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội nên ê-kíp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các nghệ sĩ đã đồng sức, đồng lòng vượt qua để làm nên một sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa.

Tổng đạo diễn chương trình, Thạc sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh (đồng thời là tác giả nhạc kịch) cho biết: "Khi quyết tâm làm một tác phẩm về Bác Hồ thì mọi khó khăn chúng tôi đều có thể vượt qua. Ai cũng dành tình yêu lớn cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam".

Nhạc kịch Người cầm lái tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 2

Các nghệ sĩ tham gia vở nhạc kịch (Ảnh: Ban Tổ chức).

NSƯT Thanh Tâm - người đảm nhận vai bà Hoàng Thị Loan xúc động rơi nước mắt tại buổi họp báo khi diễn một trích đoạn của vở nhạc kịch, kết hợp với bé Song Tùng (vai Nguyễn Sinh Côn).

NSƯT Thanh Tâm chia sẻ với PV Dân trí: "Đây là một vở nhạc kịch vô cùng đặc biệt mà lần nào tập, đến phân cảnh đóng chung với bé Song Tùng tôi cũng khóc vì quá nhiều cảm xúc.

Bé Song Tùng ở tận Sơn Tây nhưng ngày nào bố mẹ cũng đưa con đi tập luyện đều đặn. Hai bác cháu làm bạn, tâm sự, phân tích cùng nhau từng chi tiết, cách diễn. Tôi cũng đã lên nhà Tùng tập luyện cùng con để bác cháu gần gũi, thân thiết, có thêm chất xúc tác trong diễn xuất".

Nhạc kịch Người cầm lái tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 3

Vở nhạc kịch được dàn dựng vô cùng công phu (Ảnh: Ban Tổ chức).

"Song Tùng còn bé, ngây thơ hồn nhiên nhưng rất có năng khiếu. Đặc biệt, con hay nói với tôi rằng: "Bác Tâm ơi, con yêu Bác Hồ lắm". Tôi cũng phải gửi lời cảm ơn cô giáo thanh nhạc của Song Tùng là cô Hương Lan. Có một mối nhân duyên đó là Thanh Tâm, Hương Lan, Mỹ Linh, Minh Ánh đều từng học cô Diệu Thúy", nghệ sĩ Thanh Tâm cho hay.

Khán giả sẽ cảm nhận được tinh hoa nghệ thuật opera, nhạc kịch kinh điển thế giới được hòa quyện với thi pháp thể loại của sân khấu truyền thống chảy vào câu chuyện kể về quá trình hình thành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chủ Tịch. Đó là kết tinh của truyền thống gia đình, lịch sử dựng nước, giữ nước với biết bao tấm gương yêu nước của các bậc tiền nhân.

Nhạc kịch Người cầm lái tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 4

Đại úy Lê Tuân đảm nhiệm vai Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Già Thu (Ảnh: Ban Tổ chức).

Điểm nhấn và cũng là thách thức của vở nhạc kịch chính là việc gửi gắm hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Nguyễn Sinh Côn lúc 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Đàn vào kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Côn với nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi mẹ Hoàng Thị Loan và em Nguyễn Sinh Sin lâm trọng bệnh và mất khi Bác mới 11 tuổi, Nguyễn Tất Thành - một thanh niên tuổi đôi mươi với chí lớn ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở Pháp, Mỹ, Quảng Châu… Và Già Thu khi Người trở về nước năm 1941.

Vai trò của người dẫn chuyện và dàn hợp xướng không chỉ tạo ra vẻ đẹp của âm thanh và không gian của thủ pháp nghệ thuật mà còn là cầu nối, mở ra hoặc khép lại trước mỗi trường đoạn diễn xuất, tạo ra mối liên kết chặt chẽ của tổng thể vở diễn.

Trong một trường đoạn âm nhạc, các sự kiện có thể xuất hiện cùng lúc trên các khu vực biểu diễn khác nhau. Quá khứ, hiện tại, tương lai, mất mát, đau thương, khát vọng được kết cấu đan xen… Vở nhạc kịch dự kiến sẽ diễn ra trong hai đêm 24/4 và 17/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm