1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Salma Hayek: nữ hoàng không ngôi tại Cannes

(Dân trí) - LHP Cannes năm nay có tới hai chủ tịch. Đó là Pierre Lescure, người lần đầu tiên cầm trịch sự kiện thường niên này. Người thứ hai là Salma Hayek.

Mặc dù không nằm trong ban tổ chức nhưng cô đã điều phối hầu hết các buổi thảo luận nóng nhất liên quan đến vấn đề nữ quyền trong hơn 2 tuần tại LHP danh giá này.

Salma Hayek trong bộ phim “Tale of Tales”
Salma Hayek trong bộ phim “Tale of Tales”

Sau những ngày dài mệt mỏi, nữ diễn viên Mexcio bắt đầu lạc giọng. Hayek tích cực tham dự các sự kiện như một người trong chiến dịch tranh cử. Cô đã tham gia ba buổi tọa đàm trong vòng 24 giờ, 2 trong số đó có chủ đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong điện ảnh.

“Đó là những ngày dài với gần 20 tiếng làm việc. Đi tới 12 quốc gia khác nhau trong chỉ 24 ngày. Không hề có ngày nào được nghỉ ngơi trọn vẹn,” cô chia sẻ với một nụ cười mệt mỏi.

Và như để chứng minh cho lịch trình dày đặc, chỉ trong vài tiếng nữa, Hayek cùng chồng, Francois-Henri Pinault, chủ tịch và cố vấn chính thức của tập đoàn xa hoa Kering sẽ dẫn dắt buổi lễ trao giải chương trình Women in Motion.

Mặc dù không thuộc về ban tổ chức, dấu chân của Hayek hiện hữu khắp mọi nơi. Đa số các tọa đàm cô tham gia nói về quyền lợi của phụ nữ. Chiến dịch gần đây nhất cô góp mặt đề cập đến việc thúc đẩy tăng cường sức khỏe, giáo dục và quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em do nhãn hiệu Gucci lĩnh xướng.

“Tôi để ý rằng thỉnh thoảng người ta cho rằng mình đã đạt được nữ quyền chỉ vì kể lể những thứ mà họ sẽ làm, đặc biệt là các diễn viên nữ. Nhưng nữ quyền sẽ chẳng đi đến đâu nếu bạn không ngừng nói và bắt đầu những hành động thiết thực cho những phụ nữ khác, những người có cuộc sống vô cùng bấp bênh”, cô nhấn mạnh.

Salma Hayek trong một buổi tọa đàm về bình đẳng giới.
Salma Hayek trong một buổi tọa đàm về bình đẳng giới.


Nghe Hayek bày tỏ quan điểm chống lại “nam quyền” trong nền công nghiệp điện ảnh, thật khó để không nghĩ tới họa sỹ gốc Mễ Frida Kahlo, một trong những vai diễn nổi tiếng nhất của cô. Cô luôn đặt hết nhiệt huyết vào trong các dự án của mình, và thừa nhận rằng những chủ đề đó luôn khiến cô chực khóc. “Nhưng hầu như mọi lúc, tôi đều cố nén lại. Không phải vì tôi buồn phiền, mà do những điều đó thực sự có ý nghĩa với tôi”, cô nói.

Hayek không bao giờ khiến mình trở thành nạn nhân. Cô luôn đưa ra những giải pháp khi phải đương đầu với khó khăn. Có lần , Hayek yêu cầu các hãng phim phải trả lương công bằng cho phụ nữ. “Chúng tôi không xin họ những ân huệ”, cô giải thích. “Phụ nữ mang lại lợi nhuận lớn cho ngành công nghiệp này, và chúng tôi không chấp nhận việc bị coi thường đến thế.”

Nếu ai đó nghi ngờ động cơ của cô, cần phải nhớ rằng Hayek đã để lại sự nghiệp sáng chói như một ngôi sao opera tại Mexico để cố gắng tìm kiếm vận may tại Hollywood.

“Tôi muốn khám phá tất cả tiềm năng của bản thân khi trở thành một diễn viên” cô hồi tưởng. “Tôi đã nổi tiếng, nhưng tôi nhận ra rằng đó không phải tất cả những gì tôi muốn. Làm một người bình thường và được tự do thực hiện những điều mình thích luôn tốt hơn làm một người nổi tiếng nhưng không được là chính mình”

Những ngày đầu tiên tại Hollywood, nhiều cánh của đã đóng sầm trước mặt cô. Một nhà làm phim nổi tiếng đã nói với Hayek: “Cô đừng mơ trở thành một quý cô mở đường. Chúng tôi không thể chấp nhận những rủi ro nếu để cô mở miệng. Mọi người sẽ chỉ nghĩ đến những bà giúp việc mất thôi”. Và Hayek, tự ái, kiêu hãnh, bắt đầu thực hiện những bộ phim như “Desperado”, “From Dusk Till Dawn” và “Wild Wild West”.

Rất nhanh sau đó cô nhận ra rằng mình sẽ dồn hết sức cho một dự án tâm huyết. “Frida” tiêu tốn mất 8 năm của Hayek, bù lại cô đã giành một đề cử Oscar danh giá tại hạng mục nữ chính xuất sắc. Không ai để tâm đến kế hoạch chuyển thể vở nhạc kịch Colombia Ugly Betty (Cô gái xấu xí) cho đến khi nó lên sóng và trói chặt người xem trước TV.

Nữ diễn viên người Mexico cùng chồng và con gái.
Nữ diễn viên người Mexico cùng chồng và con gái.

Nữ diễn viên cho rằng sự thẳng thắn có thể khiến cô phải trả giá. “Nhiều đạo diễn không muốn diễn viên chia sẻ quan điểm. Họ chỉ muốn những người biết chấp nhận những quan điểm. Họ thích những cô gái im lặng và làm những gì họ nói”, cô chua chát. Dù vậy, Hayek, mẹ của cô con gái 7 tuổi và ông chồng tài phiệt, đã quyết định làm một cuộc cách mạng.

“Tôi đã tự thỏa hiệp vài lần. Đúng thế. Và tôi cũng không hề che dấu nó trong các cuộc phỏng vấn trước đây. Nhưng lúc đó tôi chỉ là một cô gái trẻ tuổi và cần kiếm sống. Sẽ có nhiều người phụ nữ đồng cảm với điều đó”, cô nhẹ nhàng “Nhưng giờ đây tôi không cần những vai diễn để kiếm tiền. Do đó, sẽ không còn sự thỏa hiệp nào nữa.”

Trong tác phẩm mới nhất của đạo diễn Matteo Garrone mang tên “Tale of Tales”, bộ phim tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes, Hayek hóa thân thành nữ hoàng xứ Selvascura, một người phụ nữ mù quáng vì khao khát được làm mẹ mà bất chấp mọi thứ.

“Tình yêu là vô điều kiện. Tôi nghĩ luôn có những người phụ nữ mạnh mẽ hơn số còn lại. Tôi có thể cảm nhận được nội lực của mình và thật đơn giản khi liên hệ nó với vai diễn trong bộ phim. Tất nhiên, vấn đề của nhân vật này là bà ta cho rằng chỉ đạt được hạnh phúc trong đời khi đem lại niềm vui cho một người khác. Điều đó luôn luôn sai lầm”.
 
Dù có mặt tại Cannes nhưng mối quan tâm hàng đầu của cô lại dành cho đêm gala “Women in Motion” cùng những phần thưởng danh dự dành cho nữ diễn viên kiêm nhà hoạt động vì nhân quyền Jane Fonda cùng nhà sản xuất Megan Ellison. Hayek tin rằng với nhiều nỗ lực, tập đoàn của chồng cô sẽ sớm gặt quả ngọt.
 
“Bạn có thể chứng kiến những điều khác biệt tại Cannes, bạn có thể cảm nhận những điều khác biệt tại Cannes. Và tôi, tôi vô cùng tự hào về điều đó”, Hayek tâm sự, kết thúc bài phỏng vấn của mình.
Hải Anh


 Hải Anh

Dòng sự kiện: Liên hoan phim Cannes