1. Dòng sự kiện:
  2. Diễn viên Từ Hy Viên qua đời

Sách song ngữ "Cá kịch" và ước vọng người Việt trẻ trong lĩnh vực sáng tạo

Lê Phương Anh

(Dân trí) - Ngày 16/2, Nhà xuất bản Dân trí ra mắt cuốn song ngữ Anh - Việt "Cá kịch". Tác phẩm kể về hành trình sáng tạo của một cô gái, truyền tải thông điệp về sự kiên trì, khát vọng đổi mới trong giới trẻ.

Tác giả cuốn sách là Phan Ngọc Trâm, học sinh lớp 12 Anh 2, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội). Ngay từ khi còn nhỏ, Trâm đã bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với viết lách, hội họa và ngoại ngữ.

Với Cá kịch, tác giả không chỉ mang đến một câu chuyện ý nghĩa mà còn thể hiện khả năng sử dụng tiếng Anh linh hoạt, giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội tiếp cận văn học song ngữ.  

Sách song ngữ Cá kịch và ước vọng người Việt trẻ trong lĩnh vực sáng tạo - 1

Tác giả Phan Ngọc Trâm (bên trái) giao lưu cùng độc giả tại buổi ra mắt sách (Ảnh: Lê Phương Anh).

Cuốn sách dài gần 100 trang, kể về hành trình sáng tạo của cô gái tên My, người luôn khát khao thực hiện một tác phẩm nghệ thuật của riêng mình. Tuy nhiên, cô gặp nhiều trở ngại về cảm xúc, động lực và sự sáng tạo.

Trong quá trình đó, My tình cờ gặp một người cá tên Nhân. Họ dần trở thành những người bạn thân thiết, cùng nhau vượt qua thử thách để hoàn thành một vở kịch xuất sắc.

Cá kịch kết thúc nhẹ nhàng khi vở kịch hoàn thành, tác phẩm của họ được trình diễn trước công chúng và được đón nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của My.

Câu chuyện đi theo mạch hư cấu hiện thực, đôi bạn người cá và người thực đã bắt đầu từ cái duyên rồi trở thành những người bạn của nhau, cùng chung khát vọng làm nên một tác phẩm xuất sắc để trình diễn trước công chúng.

Cá kịch được viết một cách tự nhiên, dung dị với lời thoại chân thật đúng lứa tuổi học trò, có giận dỗi và có quyết liệt nhưng cũng rất trẻ con. Đó là sự trải nghiệm mới mẻ, đầy màu sắc tuổi học trò mà Phan Ngọc Trâm gửi vào câu chuyện.

Không chỉ viết sách, Ngọc Trâm còn trực tiếp minh họa toàn bộ tác phẩm. Những hình ảnh sinh động về tình bạn giữa người và cá được vẽ một cách tinh tế, hài hòa, giúp câu chuyện thêm phần cuốn hút.

Với lối kể tự nhiên, lời thoại gần gũi, Cá kịch không chỉ là một câu chuyện sáng tạo mà còn gửi gắm thông điệp về niềm tin vào bản thân và giá trị của sự kiên trì.  

Ở phần tiếng Anh, tác giả Ngọc Trâm đã thể hiện khả năng dịch thuật của mình, giúp câu chuyện trở nên dễ hiểu, tự nhiên. Theo đánh giá của các giáo viên, việc sáng tác truyện bằng tiếng Anh là một thách thức không nhỏ, nhưng Trâm đã làm tốt khi giữ được sự trong sáng của ngôn từ, đặc biệt là phần lời thoại.  

Sách song ngữ Cá kịch và ước vọng người Việt trẻ trong lĩnh vực sáng tạo - 2

Phan Ngọc Trâm ký tặng sách cho độc giả tại sự kiện ra mắt sách ngày 16/2 (Ảnh: Lê Phương Anh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về hành trình và những khó khăn trong quá trình sáng tạo tác phẩm, tác giả Phan Ngọc Trâm cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã yêu thích viết lách và luôn muốn tạo ra những câu chuyện mang dấu ấn riêng. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng, tôi nhận ra mình làm việc hiệu quả hơn dưới áp lực và dần tìm ra cách sáng tác phù hợp.  

Khi có thời hạn rõ ràng, tôi có thể viết từ 1000 đến 2000 từ trong vòng hai ngày, sau đó tập trung chỉnh sửa để hoàn thiện tác phẩm. Việc đặt ra mục tiêu cụ thể giúp tôi kiểm soát tiến độ tốt hơn và không bị rơi vào trạng thái trì hoãn".

Ngọc Trâm cũng khuyến khích các bạn trẻ nên viết theo cảm xúc, không cần quá cầu toàn ngay từ đầu. Bật mí về những dự định trong năm 2025, Trâm cho biết, cô đang ấp ủ ý tưởng lồng ghép yếu tố thần thoại Việt Nam vào tác phẩm tiếp theo để mang đến sự kết nối văn hóa cho độc giả trẻ.

Sách song ngữ Cá kịch và ước vọng người Việt trẻ trong lĩnh vực sáng tạo - 3

Cô Phùng Mai, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc Trâm chia sẻ tại buổi ra mắt sách (Ảnh: Lê Phương Anh).

Tại sự kiện, cô Phùng Mai, giáo viên chủ nhiệm của Ngọc Trâm chia sẻ: "Ngay từ lớp 10, Ngọc Trâm đã thể hiện năng khiếu hội họa và văn học. Em không chỉ vẽ đẹp mà còn có khả năng viết lách xuất sắc.

Đặc biệt, Trâm đạt IELTS 8.5, dẫn đầu toàn trường về tiếng Anh. Khi đón nhận tác phẩm đầu tay của em, nhà trường và cô giáo rất vui, sẵn sàng cổ vũ cũng như đồng hành để học sinh của trường phát huy được năng lực trong lĩnh vực văn hóa đọc và sáng tạo".

Nhà văn Hoa Anh nhận xét: "Giới trẻ ngày nay có nhiều cách thể hiện câu chuyện của mình, các em thường sử dụng yếu tố tưởng tượng để truyền tải thông điệp một cách dễ hiểu hơn. Cá kịch là một tác phẩm được viết theo văn phong tưởng tượng nhưng khá hay và sáng tạo".

Cuốn sách Cá kịch không chỉ là một câu chuyện về tình bạn và sự sáng tạo, mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ về tình yêu thương, giá trị của văn hóa sáng tạo của các tác phẩm văn học trong nhà trường.

Ảnh: Lê Phương Anh