“Rung chuông vàng” xin lỗi khán giả

(Dân trí) - Trong chương trình thi của ĐH Ngoại thương cơ sở II, Rung chuông vàng đã phát sóng một phần trích đoạn ca khúc “Lối cũ ta về” với phần hát của ca sỹ Bằng Kiều để minh hoạ cho một đáp án. Trên thực tế, những ca khúc do Bằng Kiều biểu diễn đã có văn bản cấm sử dụng dưới mọi hình thức.

Chương trình Rung chuông vàng phát sóng vào ngày 3/9 vừa qua đã đưa ra câu hỏi với nội dung đại ý là: “Hãy điền vào ô trống trong câu hát “… ta về, dường như nhỏ lại, trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ”. Đáp án là “Lối cũ”. Và để minh hoạ cho đáp án này, chương trình đã cho phát sóng trích đoạn ca khúc Lối cũ ta về của nhạc sỹ Thanh Tùng với phần hát của ca sỹ Bằng Kiều.

Ngay sau khi chương trình Rung chuông vàng (RCV)- phần thi của ĐH Ngoại thương cơ sở II phát sóng, đã có nhiều khán giả gọi điện phản ứng và thắc mắc về vấn đề này. Phóng viên Dân trí đã có buổi trò chuyện trực tiếp với đạo diễn chương trình Rung chuông vàng (RCV), Lại Bắc Hải Đăng.

 

Những người thực hiện chương trình RCV giải thích như thế nào về việc sử dụng trích đoạn ca khúc Lối cũ ta về với phần hát của Bằng Kiều trong chương trình vừa phát sóng lần hai, ngày 3/9 vừa qua? 

 

Đó thực sự là một… “tai nạn” của chúng tôi! Tôi không thể diễn đạt bằng từ nào chính xác hơn ngoài từ sai sót. Trong quá trình ghi hình chương trình RCV, những người thực hiện chúng tôi đôi khi phải thay đổi câu hỏi khi nhận thấy câu hỏi chưa đầy đủ về dữ kiện. Câu hỏi về câu hát trong ca khúc Lối cũ ta về được thay đổi vào phút chót.

 

Khi đưa ra đáp án, với mong muốn làm cho phần đáp án sinh động hơn, hấp dẫn hơn, chúng tôi nhanh chóng tìm kiếm đoạn nhạc ấy trên một website âm nhạc để bật lên minh hoạ. Vì nghĩ rằng, nếu là ca khúc bị cấm thì sẽ không tồn tại trên website âm nhạc Việt Nam, phần vì lúc đó tâm lý những người thực hiện quá tập trung vào việc ghi hình chương trình, nên đã sử dụng đúng vào phần hát của Bằng Kiều.

Đây hoàn toàn là sơ suất, chúng tôi sử dụng đoạn hát trên không có mục đích biểu diễn hay bất kỳ ý đồ nào khác ngoài chủ tâm minh hoạ cho đáp án thêm phần sinh động.

 

Không phải ai nghe đoạn hát trên cũng nhận ngay ra đó là giọng hát của Bằng Kiều, đặc biệt là khi đang bị phân tâm vào những công việc khác. Lúc ấy, chúng tôi chỉ chú tâm vào việc ghi hình chương trình. Thật khó để có thể làm được một điều gì đó hoàn hảo, những sơ suất là không thể tránh khỏi. Rất mong khán giả có thể hiểu cho những người thực hiện chúng tôi…

 

Song, nói gì thì nói, lỗi vẫn là lỗi. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sơ suất này, và qua báo điện tử Dân trí, chúng tôi - những người thực hiện chương trình RCV xin gửi lời xin lỗi chân thành tới khán giả xem truyền hình cả nước.

 

“Rung chuông vàng” xin lỗi khán giả   - 1
 Một buổi ghi hình "Rung chuông vàng"

 

Được biết, RCV từng gặp khá nhiều sự cố với phần câu hỏi, ví dụ như đặt câu hỏi sai, hay đưa ra những đáp án sai chẳng hạn? Anh “giải trình” như thế nào về vấn đề này?

 

Chúng tôi không đưa ra những câu hỏi sai bao giờ, mà chỉ là những câu hỏi thiếu dữ kiện khiến các bạn sinh viên hiểu sai ý. Nhưng, những trường hợp như thế cũng rất ít khi xảy ra. Khi các bạn sinh viên có phản ứng với câu hỏi và câu trả lời, chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra lại ngay. Ví dụ như câu hỏi “Dân số Việt Nam đứng thứ mấy ở khu vực Đông Nam Á?”, theo đáp án của chúng tôi là đứng thứ 2, nhưng nhiều bạn sinh viên đưa ra đáp án là đứng thứ 3 và nói rằng họ đã đọc ở một tài liệu nào đó viết như vậy.

 

Ngay lúc ấy chúng tôi đã gọi điện cho Giáo sư cố vấn, Giáo sư gọi điện cho Tổng cục thống kê- họ vẫn khẳng định là đứng thứ 2, Giáo sư tiếp tục gọi điện cho Quỹ Dân số- của Liên Hợp Quốc, thì lại xác nhận là dân số Việt Nam đứng thứ 3 ở Đông Nam Á.

 

Sai sót này là do, số liệu của Tổng cục thống kê tính theo từng năm, con số của họ cung cấp cho chúng tôi có thể là số liệu của cuối năm 2005, nên chưa cập nhật. Đó là những sự cố bất khả kháng.

 

Với RCV, hệ thống câu hỏi là rất quan trọng. Chúng tôi có một nhóm riêng phụ trách câu hỏi, nhóm này thu thập tài liệu, thấy câu hỏi nào hay sẽ tập trung lại gửi cho ban cố vấn gồm những Giáo sư, thầy cô có chuyên môn và có tên tuổi xem xét, sau khi ban cố vấn gật đầu - nói là chính xác, không có vấn đề gì, hệ thống câu hỏi được gửi lại, nhóm phụ trách tiếp tục biên tập lại cho ngắn gọn, phù hợp với một chương trình truyền hình, sau đó họ gửi câu hỏi đã biên tập cho ban cố vấn xét duyệt lại một lần nữa, rồi mới được đưa ra sử dụng trong RCV.

 

Chính vì vậy, tôi có thể khẳng định, chúng tôi chưa bao giờ đưa ra những câu hỏi sai, RCV rất cẩn thận với hệ thống câu hỏi. Nếu gặp quá nhiều sai sót với câu hỏi, không chỉ khán giả mà ngay các bạn sinh viên sẽ có những phản ứng ngay, họ sẽ không tham gia chương trình của chúng tôi một cách nhiệt tình như thế. Ở thời điểm “văn hoá” Blog đang phát triển như hiện nay, sẽ là không khó nếu như bạn muốn biết sinh viên nghĩ gì về RCV!

 

“Một lần nữa, những người thực hiện Rung chuông vàng gửi lời xin lỗi chân thành tới khán giả truyền hình vì sai sót kể trên. Kịch bản cho Rung chuông vàng năm thứ 2 đang được chúng tôi gấp rút chuẩn bị.

 

Chương trình đầu tiên sẽ ra mắt vào ngày 1/10 tới, với một vài thay đổi mới. Hy vọng, Rung chuông vàng năm thứ 2 sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc và luôn được đông đảo khán giả đón nhận”.

Xem RCV- rất nhiều khán giả cảm thấy bị… sốc trước những lỗ hổng kiến thức đáng báo động của các sinh viên hiện nay. Nhiều câu hỏi rất dễ như “Niên hiệu nước ta thời Hùng Vương là gì?” thì quá nửa (trên tổng số 100) sinh viên ĐH Dân lập Văn Lang không trả lời được. Cá nhân anh và những người thực hiện có cảm thấy buồn trước thực trạng này?

 

Trước một sự việc, với mỗi người sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau. Buồn không phải là cảm xúc đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi trả lời câu hỏi của bạn. 

 

Tôi vui khi RCV đã có được những ý nghĩa tích cực mang tính xã hội. RCV cho các bạn sinh viên thấy rõ, họ đang hổng những kiến thức nào? Và hổng kiến thức như thế nào? Vấn đề học không đi đôi với (thực) hành xưa nay vẫn là vấn đề nổi cộm của giáo dục.

Có nhiều câu hỏi mà một học sinh cấp 2, cấp 3 có thể trả lời được, nhưng một sinh viên ĐH lại trả lời sai. Điều ấy chứng tỏ, rất nhiều kiến thức dù đã được học nhưng các bạn ấy không biết cách lưu giữ lại, không biết cách biến kiến thức thành của mình. RCV đã ít nhiều tác động được đến cách học của sinh viên, và hơn thế, còn có tác động trực tiếp đến những người có trách nhiệm với ngành giáo dục, tôi nghĩ vậy. 

 

Khi sinh viên không trả lời được nhiều câu hỏi, các thầy cô có mặt tại trường quay rất buồn. Nhiều thày cô đã bày tỏ thẳng thắn với chúng tôi là “Chán quá!”, hay khi thấy sinh viên mình bị loại ở một câu hỏi rất dễ, họ đề nghị có thể cắt câu hỏi này được không… 

 

Nhà báo Lại Văn Sâm có nói “Tôi cầu mong đêm chung kết sẽ có sinh viên rung được chuông vàng”- câu nói ấy có đơn giản là một lời chúc không, theo anh?

 

Đó là một câu nói rất chân thành và xúc động. Đêm chung kết chúng tôi gặp phải rất nhiều rắc rối, khởi đầu thì mưa bão, ghi hình đến tận 3h sáng mới xong. Cũng có một vấn đề nữa, dư luận cũng đã nhắc đến nhiều trước đêm chung kết đó là, đến thời điểm ấy mới chỉ có duy nhất một sinh viên (ĐH Y Dược TPHCM) rung được chuông vàng. 

 

Tôi quan niệm khác một chút, “cái gì quý thì thường hiếm, và cái gì hiếm thì mới quý”, nên tôi không bi quan việc có bao nhiêu sinh viên rung được chuông vàng. Một chương trình, sinh viên trả lời được 25 câu hỏi, với tôi đã là rất thành công.

 

Hơn nữa, chúng ta nên nhìn mỗi vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, không nên thấy các bạn sinh viên không rung được chuông là kết luận ngay họ… không hiểu biết! Tâm lý thi đấu trên trường quay ảnh hưởng không nhỏ, 30 câu hỏi lại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có bạn rất giỏi môn Toán học nhưng bị loại ở câu hỏi về Văn chương.

 

Các bạn hẳn còn nhớ, ĐH Bách Khoa chỉ trả lời được 17 câu hỏi, khi phát sóng chương trình tôi đã cảm thấy khá ái ngại vì một trường danh tiếng như vậy lại dừng lại ở mức câu hỏi thấp như thế. Nhưng chính ĐH Bách Khoa đã có sinh viên rung chuông vàng trong đêm chung kết. Cũng trong đêm ấy, sinh viên duy nhất rung chuông vàng của ĐH Y-Dược lại bị loại ngay ở câu hỏi đầu tiên. Nói như vậy để thấy, xét một vấn đề nào đó- chúng ta nên nhìn ở nhiều khía cạnh.

 

Cảm ơn anh!

 

Hiền Hương