Quyền lực nữ nhạc sĩ

Bốn cô gái tuổi đôi mươi: Lưu Thiên Hương (ca khúc Thu tình yêu), Sa Anh (Chợt như), Nguyễn Ngọc Ánh (Biển lặng) và Bảo Lan (Một thoáng mùa đông, có sự hỗ trợ về ca từ cũng của một cô gái - Lan Hương) đã tạo nên một "hiện tượng" trong live show tháng 5 Bài hát Việt 2005 vừa diễn ra tối Chủ nhật vừa qua.

“Hiện tượng" không chỉ bởi sự "vùng lên" về số lượng (4/11) mà quan trọng là sự "vùng lên" thực sự về giọng điệu âm nhạc ở một lĩnh vực xưa nay gần như là độc quyền của phái mạnh. Ca khúc viết theo phong cách rock Thu tình yêu của Lưu Thiên Hương (do ca sĩ Lưu Hương Giang trình bày) đã gây được ấn tượng đặc biệt đối với Hội đồng thẩm định và gần như nó sẽ qua mặt các đàn chú, đàn anh đồng nghiệp để trở thành Bài hát của tháng trong live show này. Đã tồn tại một quyền lực nữ trên sân khấu biểu diễn, liệ có tồn tại không một quyền lực nữ nhạc sĩ?

Thực ra 4 (hay chính xác là 5) cô gái kể trên trừ Sa Anh chơi bass trong ban nhạc Đồng Đội (cô đã tốt nghiệp cao đẳng ghita trường Nghệ thuật Quân đội và hiện là trợ giảng môn này tại trường), tất cả đều đang là ca sĩ. Lưu Thiên Hương tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, Bảo Lan cũng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội nhưng với nhạc cụ đàn bầu song hiếm khi được hành nghề với cây đàn, cô thế chân Lưu Thiên Hương trong nhóm hát Năm dòng kẻ. Lan Hương cũng là một thành viên rất quen biết của nhóm hát nữ 5 cô gái này.

Có lẽ ít được người biết đến nhất là Nguyễn Ngọc Ánh. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Hà Nội, Ngọc Ánh làm giáo viên một trường tiểu học và ngoài giờ đi hát ở các quán bar, Biển lặng là một trong số vài sáng tác đầu tay của cô được một đồng nghiệp ở Nhạc viện Hà Nội "phát hiện" và gửi "ứng thí".

Trước đó làng nhạc chứng kiến không ít nữ tác giả ca khúc "ra tay", nổi bật là Phương Uyên, thủ lĩnh nhóm rock nữ Ba con mèo. Uyên xuất phát ban đầu là ca sĩ và nhạc công, sau này hoạt động nhiều trong khu vực biên tập, sáng tác và dàn dựng âm nhạc. Giáng Son của nhóm Năm dòng kẻ cũng là một "thủ lĩnh" tương tự, tuy cô được đào tạo bài bản về sáng tác âm nhạc hẳn hoi nhưng bước đầu phải "nhờ" trở thành ca sĩ để hát những bài hát của mình.

Nhắc tới Giáng Son không thể quên Kim Ngọc, cũng được đào tạo bài bản từ Nhạc viện Hà Nội khoa sáng tác nhưng Ngọc đã chọn cho mình một ngã rẽ khác: vào lúc có người kỳ vọng vào số ca khúc ít ỏi cô sáng tác được ca sĩ Mỹ Linh trình bày thì Kim Ngọc qua Đức rồi hiện nay ở Mỹ để học chuyên về âm nhạc điện tử theo khuynh hướng nghệ thuật đương đại. Từ Kim Ngọc cũng nên nhắc thêm Jazzy Dạ Lam (hay Thảo Hương, con gái nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai) học chuyên ngành âm nhạc ở Đức (nhạc jazz) có ý định trở về lập nghiệp tại VN.

Trong khi đó thị trường ca nhạc thời gian gần đây có xu hướng nhiều nữ ca sĩ tự tin hơn khi trình diễn những sáng tác của chính mình như Ngọc Anh, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Minh Thư... Những ca khúc do Mỹ Tâm viết thậm chí còn được các fan hâm mộ hơn cả bài hát của các tác giả khác trong cùng album. Một vài ca khúc của Minh Thư (không phải Minh Thư diễn viên điện ảnh kiêm ca sĩ, ca sĩ Minh Thư này được giải tư Tiếng hát TH TPHCM và là cháu ruột ca sĩ Lam Trường) được một số nhạc sĩ đàn anh đánh giá là vững vàng hơn tác phẩm của không ít nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Điểm qua một lực lượng nữ sáng tác ca khúc như vậy để thấy họ cũng hùng hậu chẳng kém ai nhưng trên thực tế, họ hầu như chẳng có "quyền lực" gì, thậm chí một "tiếng nói" cũng khó. Vì nhiều lý do. Phần đông phẩm chất biểu diễn (ca sĩ) của họ có vẻ trội hơn, ngay cả có viết cũng xuất phát từ nhu cầu muốn hát hoặc xúc cảm riêng tư. Điều này không chỉ nằm trong bản tính của nhiều nữ tác giả mà nhiều khi còn được xã hội xem như chuyện mặc nhiên. Khoa sáng tác ở cáv Nhạc viện xưa nay rất hiếm bóng dáng nữ nhi.

Phía khác, tính nữ, sự dịu dàng, lãng mạn, tinh tế được xem như thế mạnh của các cây viết nữ, song lại dễ ru họ vào một giọng điệu. Thời nay càng khó, khi sáng tác ca khúc còn gắn liền với hoà âm, phối khí và kỹ thuật sử dụng máy móc chuyên về âm thanh - đây lại chính là gót chân A-sin của giới nữ. Bình đẳng chơi ghita bass trong nhóm Đồng Đội, hiểu biết bình đẳng như Sa Anh phải thừa nhận so với các đồng nghiệp nam, mình còn quá lơ mơ về kỹ thuật máy, phòng thu.

Nay điều này sẽ thay đổi? Lưu Thiên Hương mới chính thức theo học trung cấp sáng tác trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội để chuyên tâm vào con đường sáng tác. Sắp tới đây trong album đầu tay của ca sĩ Lưu Hương Giang (giọng ca lọt vào chung kết Sao Mai điểm hẹn) sẽ xuất hiện nhiều ca khúc của Lưu Thiên Hương. Nếu tiếp tục đi tới trên con đường này, có thể đây sẽ là một giọng điệu rock nữ đáng chú ý.

Bảo Lan phấn đấu học thêm để tự phối khí ca khúc theo phong cách khí  nhạc mà cô yêu thích. Sa Anh đang mày mò bước đầu với thể loại pop trữ tình và rất tự tin khẳng định "Về lâu dài em sẽ theo đuổi sự nghiệp sáng tác". Và Ngọc Ánh, được bạn bè Nhạc viện đánh giá là có năng khiếu sáng tác, có xúc cảm tâm hồn và cá tính riêng, sẽ làm thêm được gì nữa sau 6 - 7 tác phẩm đầu tay?...

Từ live show tháng 5 Bài hát Việt 2005, có cơ sở để tin một "quyền lực" nữ nhạc sĩ bắt đầu được xác lập, chứ không phải chỉ một cơn ngẫu hứng của các người đẹp trong một ngày đẹp trời.

 Theo Thể thao - Văn hoá